Muôn hình vạn trạng các công việc làm thêm cho du học sinh Việt ở Úc

0

SSDH – Với chính sách mở cửa cho du học sinh của Chính phủ Úc, việc vừa học vừa làm để trang trải sinh hoạt phí và giúp một phần tiền học phí không còn là điều xa lạ nữa.

 

Tùy theo hoàn cảnh, trình độ chuyên môn và khả năng Anh ngữ, mà các du học sinh có thể chọn cho mình nhiều loại nghề “kiếm cơm” khác nhau tại Úc.

 

1. Từ những công việc bán sức lao động

 

Việc sinh viên phải đi làm trong những môi trường thiếu điều kiện hay bị chủ nhân trả bằng đồng lương rẻ mạt có lẽ đã được đề cập ở trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng vấn đề ở đây là, tại sao họ lại chấp nhận bán sức lao động của mình với một cái giá rẻ mạt đến vậy?

 

Theo luật lao động Úc, mức lương tối thiểu mà một người trưởng thành cần phải nhận được trong công việc của họ là $17.70/giờ. Thế nhưng trong các nhà hàng Châu Á, cũng như một số hãng khác, mức lương của sinh viên làm thêm đa phần đều từ $8 đến $12/giờ, tức là xấp xỉ một nửa mức lương tối thiểu.

 

Lý giải cho sự đánh đổi này, bạn Thu, sinh viên năm hai Đại học La Trobe cho biết, “Khi mà các bạn du học sinh mới qua, phần nhiều trong các bạn đều chưa có kinh nghiệm đi làm, kèm theo đó là sự hạn chế trong các kĩ năng giao tiếp tiếng Anh, dẫn tới những khó khăn để các bạn có một công việc được trả lương theo luật ở Úc.

 

 

“Chính vì vậy, sự lựa chọn của các bạn bị giới hạn trong những nhà hàng Châu Á, khu mua sắm Châu Á, tiệm là nail, hay một số hãng khác, nơi mà mức lương chỉ gói gọn trong $8 đến $12 một giờ và yêu cầu các bạn phải làm ca nhiều giờ hơn những nơi khác, nhưng họ lại không yêu cầu kinh nghiệm và sẵn sàng dạy việc cho các bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.”

 

Đồng tình với quan điểm trên, bạn Tú, một sinh viên La Trobe khác cũng cho hay, “Những công việc lương thấp chưa kể đã là tệ khi mà nó có thể cho bạn một số những kinh nghiệm nhất định để bạn có thể có cơ hội xin những công việc tốt hơn trong tương lai.

 

“Tuy vậy, nhưng cũng không thể phủ nhận được tính bóc lột khi mà các bạn của mình khi đi làm thêm, đều phải làm những ca từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, có những người phải làm cả đêm khuya với không một chế độ thưởng thêm hay bồi dưỡng trong lương hay môi trường làm việc.”

 

Cùng lúc đó, bạn Trinh, một người đã có công việc ổn định tại Melbourne, cũng chia sẻ, “Từ những kinh nghiệm làm thêm hồi còn là sinh viên của mình, mình thấy đa phần các bạn du học sinh, đến với những công việc lương thấp, đa phần bởi nó khá dễ tìm qua các trang báo, mạng xã hội, cùng với đó là sự không yêu cầu hay đòi hỏi với những kinh nghiệm làm thêm của các bạn.

 

“Tuy vậy, nhưng sau một thời gian, các bạn du học sinh có thể bị cuốn theo nó với những lý do như ‘nếu không làm tiếp tuần sau thì sẽ không được nhận lương tuần này’ hoặc khi các bạn thông báo sự sai trái của nhà hàng lên chính phủ Úc thì chính những du học sinh có thể bị chịu thiệt bởi họ cũng đã làm sai luật, hoặc chỉ đơn giản là họ đã quá quen với sự ổn định của một chỗ làm nào đó mà không muốn chuyển sang chỗ làm mới, mặc kệ những hạn chế về mặt công việc hay môi trường làm việc”.

 

Các công việc làm thêm lương thấp có thể là một sự lựa chọn không đến nỗi nào với các bạn du học sinh mới qua, chưa có kinh nghiệm làm thêm, nhưng các bạn nên biết kiểm soát để không cuốn vào chúng, cũng như luôn luôn tìm kiếm cơ hội để xin những công việc khác với chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt hơn.

 

Đặc biệt, đừng ngại ngần tố cáo với Fair Work những nơi áp bức, bóc lột, hoặc ăn chặn lương của các du học sinh lên các cơ quan hữu trách để họ có những hình phạt xác đáng dành cho những nơi này.

 

2. Cho đến những công việc ít ai nghĩ đến

 

Bên cạnh những công việc phổ biến như chạy bàn, phụ bếp hay làm trong hãng xưởng, thì một số du học sinh còn có những lựa chọn ít ngờ đến cho công việc làm thêm của mình.

 

driving for uber

 

Bạn Minh, sinh viên năm cuối tại Melbourne với một năm kinh nghiệm lái xe cho Uber chia sẻ, “Việc đi làm thêm cho Uber đã không chỉ giúp mình có thêm thu nhập, mà còn cho mình thêm kinh nghiệm giao tiếp với người khác, tại khách hàng của mình trải dài trong mọi đối tượng, với mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.

 

“Ứng dụng Uber không chỉ có chức năng đánh giá tài xế dành cho khách hàng mà ngược lại, chúng mình cũng có cơ hội để đánh giá những khách hàng của mình. Chính vì vậy, tạo động lực hơn cho cả lái xe và khách hàng để có thể trở nên dễ giao tiếp và lịch sự hơn với nhau.”

 

Về việc tại sao các du học sinh chưa đi làm nhiều cho Uber, Minh cho biết, “Cơ hội làm việc cho Uber luôn luôn là mở đối với các bạn sinh viên; tuy vậy, bản thân Uber cũng có một số những yêu cầu nhất định có thể gây khó đối với các bạn du học sinh, ví dụ như, để được làm tài xế cho Uber, bạn cần phải có bằng lái xe đầy đủ tại Úc, một điều khó khăn với các bạn du học sinh bởi để lấy được bằng đầy đủ tại Úc bạn cần phải thi bằng P xanh và có thêm 2 đến 3 năm lái xe nữa.

 

“Một điều kiện khác là một chiếc xe làm cho Uber bắt buộc phải có đời xe trong vòng 10 trở lại, và giá cho các loại xe này thì không hề rẻ một chút nào, đặc biệt là đối với các bạn du học sinh chưa có nhiều tiền để đầu tư. Dẫu vậy những điều luật này đều rất công bằng và chỉ nhằm để đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng của Uber.”

 

Cùng với nghề tài xế, thì một số du học sinh cũng chọn những nghề nghiệp khác như cộng tác viên cho các trang báo mạng, nhân viên bán hàng cho các nhãn hàng điện thoại như Vodafone, Virgin, và bán thức ăn tự làm…

 

Mỗi ngành nghề đều có những cái hay riêng, giúp các bạn trong việc nâng cao các kĩ năng như giao tiếp, nấu nướng, hay đơn giản là thỏa mãn những sở thích của các du học sinh sau những giờ học căng thẳng trên giảng đường.

 

Farm Nho ở Úc

 

Farm Nho ở Úc

 

Có rất nhiều lựa chọn cho du học sinh trong việc làm thêm với nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng điều quan trọng là các bạn cần nhớ:  Công việc làm thêm chỉ dành để “làm thêm” mà thôi. Đối với mỗi du học sinh, mục đích chính của các bạn ở trên đất Úc là để học và trau dồi thêm kiến thức, nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Các du học sinh nên cân bằng thời gian giữa học tập và công việc, để vừa có thêm thu nhập, vừa bảo đảm một kết quả học tập tốt nhất có thể. Việc dành quá nhiều thời gian đi làm có thể khiến xao lãng trong việc học, dẫn đến những điểm số không được cao thậm chí là trượt môn.

 

Khi đó, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho việc học lại, tăng thêm gánh nặng kinh tế, khiến bạn càng muốn đi làm thêm và rơi vào vòng luẩn quẩn của việc làm thêm và học lại.

 

Nguồn: Theo SBS

Share.

Leave A Reply