SSDH – Cuộc bầu cử Ban chấp hành Hội Sinh Viên nhiệm kỳ 1 năm (Le conseil de résidence) của khu ký túc xá tại Strasbourg nơi tôi ở diễn ra 3 tuần sau khi năm học bắt đầu. Ban Chấp hành Hội là cầu nối quan trọng giữa sinh viên và ban giám đốc khu nhà, là những người đấu tranh cho những nguyện vọng chính đáng của sinh viên.
Xem thêm:
- Câu chuyện Erasmus Mundus (Kỳ 1): Khu kí túc không Giáng sinh
- Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật
Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48.000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).
Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).
Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 – 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.
Ngày bầu cử chính thức diễn ra sau 2 tuần tranh cử náo nhiệt trên mạng. Đó là cuộc đấu trí và “đấu khẩu” cân sức giữa hai nhóm Đoàn kết (Résidents solidaires) và Thân Thiện (Amical des résidents de la Robertsau) do Nadir (người Pháp gốc An-giê-ri) và Josue (người Haiti) lần lượt đứng đầu.
Mỗi nhóm tối đa 12 thành viên đại diện cho các quốc gia khác nhau, mà mọi người vẫn ví là cuộc cạnh tranh giữa đảng Cộng Hoà (với các chính sách có phần thiên về những sinh viên có điều kiện khấm khá hơn: tổ chức các chuyến đi dã ngoại nước ngoài, mua thêm nhạc cụ mới, tổ chức các cuộc thi tài năng mỗi học kỳ) và đảng Dân Chủ (với các kế hoạch hướng nội hơn như nâng cấp lại thư viện ký túc xá, tổ chức lớp học bóng bàn, chiếu phim hàng tuần). Có lẽ những ai đến dự buổi công bố kết quả bỏ phiếu sẽ không thể quên được bài giới thiệu của Josue:
“…Tớ sinh ra là một người may mắn. Nhờ màu da đen nổi trội mà tớ luôn là người thắng cuộc trong các cuộc thi trốn tìm buổi tối với các bạn da trắng. Nhờ tật nói lắp mà mỗi khi tớ phát biểu là mọi người đều yên lặng lắng nghe. Nhờ vóc người gầy còm mà gặp ai tớ cũng được cho ăn, chẳng ai giao cho tớ việc nặng. Tớ hàm ơn với Chúa vì điều đó, nên tớ muốn được cống hiến.…
…Trong phim Titanic, ở đoạn cuối bà Rose có nói: Trái tim của người phụ nữ giống như một đại dương. Trái tim của đàn ông là gì, tớ vẫn chưa biết. Nhưng tớ, trái tim tớ rất đẹp. Chúa tạo ra con người với vẻ đẹp bí ẩn bên trong. Nếu như vẻ bên ngoài là hằng số vì chúng ta không thể lựa chọn nó thì vẻ bên trong là một tham số kỳ diệu, và chúng ta hoàn toàn kiểm soát được nó.
Các bạn có thấy không, nếu cậu thấy một người con gái xinh đến mấy hay một cậu con trai có sáng láng đến đâu, một khi người đó cư xử tồi, chúng ta sẽ thấy vẻ bề ngoài của họ không còn hấp dẫn nữa. Cứ nhìn Lance Amstrong thì thấy, khi xì-căng-đan doping bị lật tẩy, vẻ hào hoa của anh ta cũng lu mờ ngay. Ngược lại, những người như tớ chẳng hạn, cái đẹp bên trong khiến người ta bị cuốn hút, quên đi cái ngoại hình khiêm tốn của tớ, nên ai gặp tớ cũng thấy vui,… “
Trong khi nhóm Nadir cật lực tăng cường chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội, Josue tâm huyết mang tờ rơi in chi tiết những kế hoạch của nhóm Thân thiện gõ cửa từng phòng và tự giới thiệu bản thân, kiên nhẫn giải thích cho những sinh viên lãnh đạm với cuộc bầu cử hay bàng quang với mọi hoạt động của ký túc xá. Josue theo đạo Thiên Chúa, nhưng lại là người đầu tiên đề xướng ý tưởng tổ chức ngày lễ vượt lửa cho các bạn Iran hay một bữa tiệc liên hoan Năm Mới châu Á (Le Nouvel An Asiatique – đó là cách gọi của Josue thay vì cách nói trong tiếng Pháp Le nouvel an chinois – Năm mới Trung Quốc, và cậu giải thích rằng, vì Năm mới âm lịch không phải chỉ riêng người Trung Quốc mới có). Cũng chính Josue sau này đề nghị tôi trở thành một thành viên không thường trực của Ban chấp Hành Hội Sinh Viên vì cậu cho rằng, từ trước tới nay Ban chấp Hành thiếu vắng một gương mặt châu Á.
– Bầu cho nhóm tớ đi, rồi tớ làm nem cho ăn.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
– Ơ cậu biết món rouleau de printemps của Việt Nam à (rouleau de printemps là từ tiếng Pháp cho món nem).
Về sau tôi mới biết Josue làm việc tại căng-tin của trường đại học Strasbourg, nên rất thông thạo các món ăn.
– Này, đừng cố Pháp hoá cái tên nem nhá. Gọi nem cho nhanh. Nói Rouleau de printemps người ta lại nhầm đến những món tương tự của Trung Quốc, có cuốn có nhân, nhưng mà nem Việt ngon hơn. Nem là nem nhá, không có rouleau de printemps gì hết.
Sau khi nghe tôi kể về ngành học liên quan tới nghiên cứu quốc tế của mình, cậu hỏi:
– Biết Haiti quê tớ ở đâu không?
Tôi nói rằng, ngoài biết Haiti là nước nói tiếng Pháp ở vùng Caribê (bởi tôi đã từng xem 1 phim Haiti tại Liên Hoan Phim Pháp ngữ ở Hà Nội) và Haiti có động đất, có thủ đô là Port-au-prince, tôi không biết thêm gì về quốc gia này.
– Nước nào dành độc lập đầu tiên ở châu Mỹ?
– Mỹ chứ gì? Tôi tự tin đáp.
– Thế nước nào là nước thứ 2?
– Chịu. Tôi ngượng ngùng đáp.
Josue cười nói:
– Đấy, biết ngay là lại mắc bệnh mê cường quốc rồi. Ai cũng nhớ Mỹ độc lập đầu tiên, mà chẳng ai biết tới Haiti là nước thứ 2 giành độc lập ở châu Mỹ từ tay Pháp vài năm sau đó. Mà nền độc lập của Haiti còn hoành tráng hơn, vì toàn các nô lệ da đen cầm cân nảy mực. Những người đồng hương cùng màu da với tớ vừa giỏi vừa dũng thế đấy. Mà này, nhớ là Haiti đánh bại cả Anh, Pháp, Tây Ban Nha đấy. Ba cường quốc châu Âu. Học về châu Âu phải nhớ đấy.
Vào cái lúc chiến thắng của nhóm Josue với số phiếu không áp đảo được công bố, chính cậu đã dõng dạc đề nghị trước toàn thể cư dân có mặt và ban Giám đốc ký túc xá: “Tớ là người Haiti dễ thương. (Je suis un haitien adorable). Tớ đề nghị chúng ta nên lập liên minh hai nhóm. Nhóm chúng tớ chỉ nhỉnh hơn nhóm Nadir vài chục số phiếu. Người Haiti chúng tớ có câu: Liên minh làm nên sức mạnh: (L’union fait la force).
Và lần đầu tiên, người thua cuộc cùng những kẻ chiến thắng trở thành những cộng sự đắc lực, chung sức chung tay phát triển các hoạt động của khu ký túc quốc tế với bè bạn 80 quốc tịch. Năm 2015, ký túc xá của tôi có một Ban Chấp Hành Hội Sinh viên đông nhất: 24 người (12 thành viên chính và 12 thành viên trợ giúp đến từ hai nhóm). Họ làm việc không lương, nhưng mang trên mình đầy trọng trách và kỳ vọng, và tiếng nói của họ đại diện cho hơn 900 sinh viên trong ký túc.
Josue vừa học đại học, vừa làm bán thời gian ở căng-tin, vừa đi bán hàng thuê trong những ngày cuối tuần, đó là chưa kể thỉnh thoảng còn đi làm lao công, vừa là phó Chủ tịch Ban chấp hành Hội sinh viên ký túc. Josue chủ yếu sống nhờ sô-cô-la, vì cậu cần năng lượng dồi dào cho những hoạt động chân tay lẫn trí óc, nhưng không có nhiều thời gian để ăn.
Một lần, sau khi chuẩn bị buổi chiếu phim Điều gì làm nên vị chúa tốt (Quét ce qu’on fait au bon Dieu) cho cả khu ký túc, Josue bảo tôi rằng cậu chưa kịp ăn tối và đói cồn cào.
– Có sô-cô-la không có tớ một ít?
Tôi rút ra 1 thỏi sô-cô-la trong túi rồi đưa cho Josue.
– Cho tớ 1 phong sô-cô-la nữa, tớ chạy xuống mang cho thằng Guillaume.
– Ông mang cho ông hay ông mang cho nó? – Tôi hỏi thằng thừng.
– Nó đói cả đêm hôm qua rồi. Nó ngủ muộn để đỡ phải bữa sáng. Mắt nó lờ đờ, ngồi nói chuyện với nó mà toàn nghe tiếng bụng kêu inh ỏi. Mà cái mắt của người đói chỉ có người đã trải qua cái đói mới thấy được thôi. Tớ biết là nó đói.
– Thế để tớ mang sang cho, phòng tớ cách phòng nó có vài bước chân. Guillaume cho tớ mượn mấy cuốn sách rồi, mà tớ vẫn chưa có dịp trả ơn – Tôi đáp.
– Nếu cậu mang sang, nó sẽ không vui đâu. Con trai chúng tớ ở đâu cũng vẫn giữ cho mình chút sĩ diện trước con gái. Hơn nữa nó lại là người Pháp.
Tôi biết Josue không nói dối. Tôi biết mình đuối lý trước cậu, nên nói sang chuyện khác:
– Mà ông lo ăn uống với nghỉ ngơi đi. Làm dâu thiên hạ cả ngày rồi.
– Này, tớ học ngành hành chính công vụ nhá. Phải tập lo cho mọi người từ bây giờ là đúng rồi. Học ngành này mà không biết phục vụ các bạn thì sau này phục vụ ai.
Sau này, trước khi rời Strasbourg để sang học kỳ tiếp theo ở Đức, bác Giám đốc khu ký túc có nói với tôi rằng: chính những khi Josue tươi cười ấy là lúc cậu trải qua những tháng ngày sóng gió nhất: mẹ cậu ở Haiti mổ não, chị gái suýt mất mạng vì băng huyết, tài khoản ngân hàng trên mạng của cậu bị đột nhập, khiến cậu không thể nhận lương trong vòng 1 tháng. Nhưng cậu không hé răng kêu lấy một lời. Bất chợt, tôi nhớ tới lời của Josue trong một lần gặp cậu trên xe buýt:
– Khi tớ buồn, tớ chẳng bao giờ kể cho bè bạn, vì đơn giản, tớ không muốn những người tớ quý mến phải lặp lại nỗi buồn đó. Tớ buồn, nhưng bản thân tớ không nhìn thấy cái mặt buồn của tớ. Chỉ có người khác mới thấy tớ buồn vì họ đọc được qua ánh mắt của tớ.
Có lẽ Josue luôn khiến mọi người vui nên chúng tôi đã vô tư không để ý rằng cậu cũng có những nỗi buồn, và đã dũng cảm vượt qua nó.
Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet