SSDH – Nếu bạn qua Đức học vào kỳ hè thì xin chúc mừng, ít nhất bạn đã tránh được một trong những nỗi buồn là nỗi buồn thời tiết. Và chúng ta, những người đến đây đều trải qua nhiều nỗi buồn của người hòa nhập vào một nếp sống mới.
Kinh nghiệm bản thân: Các cách giảm bớt nỗi buồn một mình thời gian đầu đến Đức.
Mình qua Stuttgart, Đức còn 3 ngày nữa là tròn 6 tháng, cũng còn là lính mới, nhưng nhờ thế mà nỗi buồn mình vượt qua còn tươi nguyên, sống động. Mỗi người đều có cách thích ứng khác nhau, và các nỗi buồn được ưu tiên khác nhau, nên những chia sẻ sau đây là chỉ kinh nghiệm của chính bản thân mình.
Trước khi mình qua, bạn bè có bảo mi thì lo lắng gì về chuyện kết bạn, lo cho sức khỏe ấy. Và kết quả ngược hoàn toàn. Mình cũng ngạc nhiên về chính điều ấy.
Về sức khỏe, trà gừng là bạn đường ấm áp
Trước khi đi, mình nói má tôi đào vài gốc gừng ở vườn nhà, rồi xắc phơi bỏ bị cho mình mang qua Đức. Ngày ngày, mình bỏ vài lát gừng trong chai nước uống hằng ngày, không biết nhờ gừng hay nhờ niềm tin vào gừng, mình qua mùa đông không một lần sổ mũi, không một lần bị cảm, cũng chỉ thăm hỏi nha sỹ một tiếng cho có duyên.
Về các mối quan hệ và hòa nhập
Lớp mình gồm dân tứ xứ, lớp có 17 mống đến từ 10 nước. Ban đầu sự khác biệt tạo nên những niềm vui hay ho nhưng đến lúc học tập nghiêm túc rồi, mình thấy khó hòa nhập. Cơ bản mình không thích đi bar, chỉ thích loanh quanh nấu ăn, chuyện trò nhóm nhỏ, nên mình thường ít đi chơi với các bạn. Mình cũng buồn một thời gian, vì không hiểu sao khó mà hợp với các bạn. Nhưng bây giờ thì niềm vui đã trở lại sinh ra nhiều niềm vui mới.
Mình tìm các hoạt động tình nguyện. Ở Việt Nam mình cũng hay tham gia các hoạt động này và quen với những người mà bây giờ là những soulmate ở Việt Nam. Và một điểm mình thích các hoạt động này là mình không cần phải tiêu tiền nếu mình không muốn, mình lại dễ trò chuyện kết nối trong không khí không có mùi cồn.
Mình đăng ký tham gia dự án tình nguyện xây nhà cộng đồng cho bà con nhập cư gần trường Stuttgart. Đi làm hoạt động ngoài trời mình vui hơn hẳn. Dự án là luận văn thạc sỹ của hai cô bạn khoa kiến trúc Tina và Meike, sau khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp thì thầy cô có vẻ thích thú nên cùng với sự trợ giúp của chính quyền và sự ủng hô của cư dân ở đây, hai bạn bắt tay vào thực hiện xây ngôi nhà cho bà con. Tất nhiên, các bạn không thể làm một mình nên cần tình nguyện viên. Công trình nhà cộng đồng nhỏ, được đặt trước khu dân cư của bà con nhập cư gần trường mình, là nơi bà con tụ họp, các em nhỏ có chỗ vui chơi và tụ tập. Mình thích cái ý tưởng và cũng phù hợp với mục đích mình đang tìm kiếm cho một công việc tình nguyện. Thế là mình tham gia. Những ngày làm ở đây, mình biết nhiều điều từ những người hay ho ở đây. Bác Alex người Greek sống ở Stuttgart mấy chục năm, là kiến trúc sư đã nghỉ hưu và luôn bắt chuyện với mọi người, bạn Mathew là thợ mộc lành nghề trước khi trở thành sinh viên kiến trúc, bạn gì quên mất tên từng du lịch Việt Nam trong thời gian gap year, thích đồ ăn Viêt lắm lắm, rồi bạn Paul nhìn bộ đồ mình tưởng dân làm thợ đụng chuyên nghiệp lại là một gã thích nói về triết và viết lách về xã hội. Mình cũng gặp các em con gia đình nhập cư, các em lạnh lợi, dễ thương và lành tính. Mình cũng nhận ra một điều là dân Đức tụ họp với nhau thì bắn toàn tiếng Đức, dù có người ở đó có nói được tiếng Đức hay không, và không may người đó là mình đây, được cái là các bạn dạy mình tiếng Đức, dù mình quên nhiều hơn nhớ nhưng cũng là cách để học yêu tiếng Đức hơn.
Với vốn tiếng Đức có cũng như không của mình, mình không tìm được việc kiếm tiền, tất nhiên, nên mình khỏa lấp bằng nhiều thứ khác. Ngoài dự án nhà cộng đồng, mình đăng ký làm tham gia dự án túi xách vải của bạn Rgarz người Irac, bạn học khoa Khoa học môi trường ở campus khác, tình cờ mình đọc được thông tin nên viết cho bạn, thế là trao đổi thường xuyên trên face của nhóm, qua đó mình cũng biết thêm một vài bạn trong nhóm. Thế là hôm Earth Hour, mọi người ới nhau đi hỗ trợ nhóm chương trình, mình cũng tới, gặp mấy bạn ngoài đời đầu tiên mà trò chuyện như thân quen lắm. Giờ bọn mìnhcũng hay liên hệ tổ chức họp mặt thường xuyên hơn.
Đăng ký tham gia các sự kiện
Bạn Mai Trần trong blog Mai knows có giới thiệu trang meetup có nhiều hoạt động, mình cũng đăng ký đi một vài sự kiện về hòa nhạc, và mình cũng tham gia thường xuyên nhóm meditation. Nhóm này thiền theo phương pháp của một cô người Ấn độ, mỗi tuần một lần. Mình thì quen với kiểu thiền của Thầy Thích Nhất Hạnh nhưng tìm ở Stuttgart không có nên tham gia nhóm này. Mình thích nhóm một phần vì những người tham gia, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau dù bác host là một kiến trúc sư người Đức gốc. Mình đến lần đầu tiên, mọi người chào đón rất ư là thân thương, còn chở mình về tận nhà nữa, tự nhiên tình nghĩa kiểu Việt Nam xuất hiện ở đây là mình hơi lạ mà vui lắm.
Mùa xuân đến, trời nắng đẹp nên các hoạt động ngoài trời cũng trở nên sôi động hơn. Mình đạp xe đạp thay vì đi Ubahn, nhà mình gần dòng sông Neckar nên đạp xe dọc sông thì tuyệt vời, và đạp tới công viên ngồi sưởi ấm là hạnh phúc khôn tả. Với người mình sống với quanh năm nắng ấm, nên nỗi buồn thời tiết ngấm vào người cả mùa đông, giờ sang xuân mới giũ bỏ được bằng nắng. Bởi rứa điều phải làm là bợ đít đi ra ngoài dù chẳng có ai đi cùng cả. Như thế cũng đã thay đổi được tâm trạng rồi.
Bạn đồng hành cho những niềm cô đơn bất tận. Mình đọc truyện Murakami lâu lắm rồi nhưng thời gian mình ở đây đọc mới ngấm được. Và khi đọc truyện của ông, mình học được cách làm sao để tận hưởng cảm giác một mình không dễ có. Và nó thực sự là một trãi nghiệm sâu sắc. Mình hay viết nhật ký, và không bao giờ đọc lại. Đôi lúc chỉ là truốt bỏ những ưu tư chất chứa trong lòng.
Vượt qua nỗi buồn không phải dễ như nói và viết. Những bạn kết nối với mấy bạn trong lớp thì xin chúc mừng một lần nữa. Có điều, mình không thích nhập chung cuộc sống với lớp học, nên mình thường tìm tới các hoạt động bên ngoài, nó dễ thở hơn, đời sống hơn, không phải lúc nào cũng phải nghĩ bài vở. Nên hi vọng bài viết này có thể là gợi ý nhỏ thêm vào bài ca “làm sao hết buồn”. Chúc các bạn luôn vui.
Theo: Hotrosv