SSDH – Ngày nay hầu hết bất cứ thành phố nào ở Nhật cũng có chương trình homestay dành cho sinh viên quốc tế. Đó là một trong những cách đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa giữa người dân bản xứ và lưu học sinh.
Tại sao nên chọn homestay?
Sao lại phải chọn homestay nếu bạn có thể tự do du lịch với bạn bè? Đây không phải là điều bắt buộc nếu bạn không muốn trải nghiệm văn hóa Nhật Bản một cách chân thực nhất. Hiển nhiên không phải ai cũng dễ dàng làm điều này vì e ngại nhiều vấn đề khác như khác biệt văn hóa, hay bất đồng ngôn ngữ. Nhưng những điều có được sau những lần homestay là các mối quan hệ mới, hiểu rõ hơn về văn hóa bản xứ, và nhất là động lực để học tiếng Nhật để có thể dễ dàng tiếp cận với người Nhật ở khắp nơi.
Homestay để tìm hiểu về những sinh hoạt giữa các thành phần trong gia đình người Nhật, cách sinh hoạt và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Càng tìm hiểu thêm về những gia đình homestay, có thể bạn sẽ cảm mến đất nước này và quyết định tìm việc làm nơi đây sau khi tốt nghiệp.
Làm thế nào để tìm gia đình homestay?
Người Nhật rất hiếu khách, nên họ sẽ sẵn lòng mời bạn đến nhà. Tất nhiên điều đó xảy ra khi họ biết chắc chắn bạn là lưu học sinh, và có đăng ký chương trình homestay ở trường đại học hay ở các trung tâm văn hóa ở thành phố bạn đang sinh sống.
Việc tìm các chương trình này không hề khó, bạn nên tìm tới những thông báo từ phòng sinh viên quốc tế ở trường, hay đến các trung tâm dành cho người nước ngoài để tìm thông tin về các chương trình homestay. Bạn nên tập thói quen mỗi tuần đến phòng sinh viên quốc tế để đọc thông báo về các chương trình dành cho sinh viên, có vô số các chương trình giao lưu với học sinh bản xứ, các lễ hội ở địa phương bạn sinh sống cần lưu học sinh tham gia, hay các chuyến du lịch trong ngày miễn phí dành cho những ai muốn thư giãn sau những ngày học tập vào cuối tuần.
Các chương trình homestay ở Nhật Bản
Hầu hết các chương trình homestay ở Nhật Bản đều miễn phí cho sinh viên. Tuy nhiên một số chương trình đặc biệt như du lịch sinh thái ở các khu nông trại thì người tham gia phải đóng phí. Chương trình được tổ chức bởi trung tâm văn hóa của địa phương được miễn phí hoàn toàn, mức độ tin cậy cao vì các hộ gia đình ở địa phương đăng ký với đơn vị tổ chức.
Người Nhật tuy thân thiện, hiếu khách nhưng cũng rất thận trọng, nên họ cân nhắc rất kỹ khi cho người lạ đến nhà. Nếu bạn không phải là sinh viên có lý lịch tốt và được sự giới thiệu của các đơn vị có uy tín thì sẽ khó được nhận. Tùy vào chương trình, gia đình homestay có thể giao lưu văn hóa và tự do đưa bạn đi du lịch, giới thiệu những nét đặc sắc ở địa phương hay có thể tham gia một lễ hội đặc biệt tại địa phương.
Một số ít gia đình đòi hỏi bạn phải tham gia lao động nhẹ nhàng để giúp đỡ họ. Tuy nhiên việc này không bắt buộc và ít xảy ra ở Nhật Bản. Thật ra ngoài trường học, các tổ chức văn hóa ở thành phố, bạn có thể tìm kiếm vô số các chương trình homestay trên Internet. Tuy nhiên bạn phải xem xét mức độ tin cậy của các chương trình này. Các bạn có thể thử tìm các cơ hội homestay ở những trang sau: http://www.homestayinjapan.com/, https://www.homestay-in-japan.com/eng/program/homestay.html…
Ấn tượng về trải nghiệm homestay ở Arita
Đó là lần tôi vừa đến Nhật Bản khoảng hai tuần thì đọc được thông báo chương trình homestay do SPIRA (Tổ chức quan hệ Quốc tế tỉnh Saga) tổ chức cho sinh viên ở trường đại học Saga. Arita là một thị trấn nhỏ nổi tiếng là quê hương của gốm sứ ở Nhật Bản từ vài trăm năm trước. Tôi được tiếp đón bởi gia đình của Baba-san, một thợ gốm chuyên nghiệp ở địa phương. Như hầu hết các gia đình Nhật Bản khác, họ thật sự hiếu khách, nhưng có lẽ bất đồng về ngôn ngữ nên chúng tôi không thể chia sẻ nhiều câu chuyện về bản thân.
Sau khi gặp gỡ ở trung tâm thành phố, Baba-san chở tôi về nhà giới thiệu cùng gia đình rồi ăn trưa. Đó là một căn nhà một tầng nhỏ với đầy đủ tiện nghi. Gia đình chỉ có một cậu con trai hiện nay có thể đang học cuối cấp ba. Mọi người trò chuyện và bàn về chuyến đi đến Công viên giải trí Huis Ten Bosch trong ngày kế tiếp. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thực sự thoải mái và trao đổi rất nhiều về nền văn hoá của hai quốc gia.
Bạn cũng nên nhớ, đừng quên tặng cho chủ nhà một món quà lưu niệm nhỏ nhé! Người Nhật sẽ rất trân trọng thiện tình đó của bạn.
Du học là trải nghiệm, là tiếp thu những kiến thức, văn hóa mới có chọn lọc. Mỗi du học sinh là một đại sứ văn hóa của Việt Nam ở đất nước đang sinh sống. Điều quan trọng nhất là tích lũy những kỹ năng sống để sau khi tốt nghiệp hành trang có được không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp mà còn là những trải nghiệm chỉ riêng bạn cảm nhận được.
Thái Hải (SSDH) – Theo Ione