SSDH – Bạn trẻ Việt khi mới sang Mỹ du học thường bị học sinh Mỹ gốc Á nhìn bằng ánh mắt khác hay xì xầm sau lưng kiểu: “Ồ, nhỏ này mới qua chắc chả biết nói tiếng Anh, chả biết gì!”. Bài viết sẽ cho bạn những gợi ý để thoát khỏi sự cô lập tại trường và tự tin tỏa sáng khi là chính mình.
May mắn có cơ hội sang Mỹ du học từ cuối năm lớp 8, Từ Ái My (sinh năm 1995, tại Quy Nhơn) đã có hơn 8 năm tự lập ở xứ cờ hoa. Cô bạn đang là sinh viên năm cuối ngành Quản lý hệ thống thông tin của Viện Đại học Texas tại Austin.
Du học sớm dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng 9X luôn cảm thấy cực kỳ may mắn vì gia đình là chỗ dựa vững chắc. Trong thời gian sống tự lập tại Mỹ, cô bạn đã nhiều lần tự đưa ra những quyết định quan trọng cho bản thân từ chuyện học tập tới cuộc sống.
Cũng như bao bạn trẻ khác, quãng thời gian đầu khi Ái My du học Mỹ cực kỳ gian nan. Trở ngại lớn nhất của cô gái trẻ đến từ việc vốn liếng ngoại ngữ của mình chưa nhiều, cộng với sự tự ti tạo nên những rào cản vô hình ngăn cách cô với những người xung quanh. Nếu không đủ bản lĩnh, những ngày tháng ấy rất có thể sẽ trở thành trải nghiệm du học tồi tệ nhất mà bạn trẻ nào cũng phải trải qua.
Theo Ái My, một số ít du học sinh ở Mỹ nhiều năm hoặc người Mỹ gốc Á đôi khi sẽ tỏ thái độ dè bỉu hoặc có cái nhìn không hay về những du học sinh mới sang. Họ nghĩ “ma mới” là những người không giỏi tiếng Anh, không biết gì về cuộc sống ở Mỹ và không đáng để họ kết bạn.
Bạn nghĩ mình sẽ làm gì nếu bị cô lập trong một môi trường xa lạ như thế?
Từ những kinh nghiệm rất thật của bản thân, Ái My gửi đến bạn 4 cách mà mình cho là hiệu quả và đã áp dụng rất thành công, giúp bạn không bị “ma cũ” cô lập nơi trường học.
Tip #1: Bỏ ngoài tai lời đồn, chỉ thu nạp lời khuyên
“Thực ra, mình cũng từng bị những “ma cũ” coi thường và có ánh nhìn phân biệt ở trường học. Khi đó, mình rất buồn. Nhờ lời khuyên nhủ từ thầy cô và nhiều người bạn tốt khác, mình đã trải qua và dần dần chứng minh cho họ thấy: Là người mới, không có nghĩa là không thể hoà nhập và làm được những gì họ làm!”, Ái My chia sẻ.
Từ lời khuyên của các anh chị đi trước, 9X nhận ra muốn sống tốt ở trường Mỹ, bạn đừng để những gì người khác nói làm ảnh hưởng tới tâm lý của mình và cũng như việc mình đang làm.
Các bạn phải một mình tự chăm sóc bản thân và học xa nhà hơn nửa trái đất, vì thế các bạn phải tự hào về điều đó và cố gắng hơn. Đi học và trau dồi kiến thức mới là mục đích chính của bạn khi sang Mỹ, chứ không phải suốt ngày đính chính những tin đồn về bản thân. Bạn nên cố gắng học thật tốt để không uổng công của ba mẹ và phí phạm thời gian của chính mình.
Thực tế, Ái My đã làm được điều mình nói. Từ một du học sinh Việt bị nghi ngờ năng lực nói tiếng Anh ở những năm học đầu tiên, hiện tại, cô bạn đã được bầu làm Chủ tịch hội nữ sinh của trường. Đây là một chức vụ có sức ảnh hưởng trong cộng đồng học sinh và cho thấy nỗ lực không ngừng để khẳng định bản thân của cô gái Việt.
Tip #2: Chăm tham gia hội nhóm, nâng khả năng giao tiếp tiếng Anh
Ở Mỹ, ngoài chương trình học ở lớp nhiều trường học khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá. Viện Đại học Texas tại Austin mà Ái My đang theo học có 50.000 sinh viên, cơ hội kết bạn tưởng dễ nhưng hóa ra lại khó vô cùng bởi càng đông thì càng loãng.
Nhìn thấy thực tế này, học sinh đã lập ra rất nhiều hội học để giúp các bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình, gặp gỡ nhiều người khác và trở nên dạn dĩ hơn.
“Trường mình có 1.300 hội nhóm khác nhau, nên có rất nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Theo mình thấy, tham gia các hoạt động ngoại khoá không làm ảnh hưởng đến việc học mà lại còn có rất nhiều lợi ích. Ngoài giờ học, mình tham gia trong một số các hội học sinh như AIESEC, Asian Business Students Association (Hội học sinh châu Á trong các ngành Kinh doanh) và một sorority (hội học sinh nữ) gọi là Alpha Sigma Rho.
Tham gia nhiều hội học sinh ngoài việc học không chỉ giúp mình khuây khoả đầu óc, mà còn giúp mình học cách quản lí thời gian để hoàn thành tất cả các công việc một cách tốt nhất.
Mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều học sinh khác ngoài những người bạn của mình và phải làm chung nhiều project cho hội như gây qũy, tổ chức events…, nhờ đó cách giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày được nâng cao thấy rõ.
Ngoài ra, mình có thể áp dụng những gì đã học vào đời thực qua những project với mô hình nhỏ và học được nhiều kĩ năng mà trường không dạy như là làm sao để xin tài trợ cho các events, làm sao để gây quỹ cho hội.
Mình còn xây dựng nhiều mối quan hệ tốt không những trong việc học mà còn trong công việc sau này. Mình gặp được nhiều người bạn tốt mà xem mình như gia đình, nên cũng đỡ tủi thân hơn khi học xa nhà. Đây là một trong những điều quan trọng giúp mình hoà nhập với cuộc sống ở Mỹ khá nhanh”.
Tip #3: Không ngại chia sẻ về nơi mình sinh ra, lớn lên
Lúc mới sang Mỹ du học, Ái My nhận thấy mình hơi ngần ngại về việc chia sẻ về đất nước, phong tục của người Việt Nam với các bạn trẻ nước ngoài vì sợ họ không hào hứng hoặc không muốn biết.
“Mình bị một số thành phần nhỏ kì thị như mình nói lúc đầu nên mình hơi ngại”, 9X giải thích lý do.
Tuy nhiên, sau khi tham gia nhiều hoạt động trong trường, Ái My phát hiện ra rất nhiều học sinh khác luôn muốn tìm hiểu về nhiều văn hóa, phong tục, tập quán, tính ngưỡng của con người ở các vùng đất trên thế giới. Các bạn trẻ đặc biệt hào hứng với cách tìm hiểu văn hóa qua món ăn.
“Nhận thấy điều này, mình và một cô bạn khác đã nảy ra ý tưởng gây quỹ cho hội nữ sinh bằng cách lên một công thức làm bánh mì để bán cho các học sinh. Thật bất ngờ, bánh mì của bọn mình bây giờ khá là nổi tiếng trong trường.
Ngoài ra, trong các sự kiện giao lưu văn hoá, mình còn có cơ hội biểu diễn các tiết mục múa dân gian Việt Nam. Tiết mục đặc biệt nhất mình từng diễn ở trường là bài múa theo bài hát “Bánh Trôi Nước”.
Nó đặc biệt là vì không chỉ có các bạn Việt Nam cùng diễn mà còn có một bạn người Hàn Quốc; cô bé này rất thích thú với cả bài hát và những điệu múa dân gian Việt Nam. Bật mí nho nhỏ là tụi mình còn may mắn đạt giải Nhất trong chương trình đó.
Qua những kết quả đạt được, mình muốn nhắn nhủ đến các du học sinh khác: Đừng ngại giới thiệu văn hóa của đất nước Việt Nam đến với các bạn trẻ trên khắp thế giới. Chắc chắn họ sẽ yêu và muốn biết đến đất nước mình hơn bạn tưởng đấy!”, 9X nói.
Tip #4: Bạn sẽ không biết mình làm được gì cho đến khi bạn thử nó!
Điều cuối cùng Ái My muốn các bạn trẻ Việt đã du học hoặc đang có ý định du học Mỹ trong thời gian tới, giữ làm bí kíp cho mình, chính là quan điểm sống: “You don’t know what you can do until you try” (Bạn sẽ không biết mình làm được gì cho đến khi bạn thử nó).
Ái My nói: “Mình thấy nó đúng lắm. Sau khi mình bước ra khỏi những nỗi ngại ngùng của bản thân để ra ngoài gặp gỡ nhiều người, làm nhiều thứ khác nhau như tình nguyện, làm thêm trong trường, hay tham gia các hoạt động ngoại khoá… thì mình khám phá được nhiều kĩ năng mới của bản thân hơn và học hỏi được rất nhiều thứ mới lạ hơn.
Vì thế, mình nghĩ các bạn du học sinh nên bước ra khỏi giới hạn của bản thân và cứ ra ngoài tham gia nhiều hoạt động, gặp gỡ bạn mới từ nhiều nơi khác nhau, và thử làm những gì bạn muốn nhưng ngại vì sợ mình không làm được. Mình chắc chắn các bạn sẽ thấy bất ngờ với những gì bạn có thể làm và sẽ không còn ai có thể đánh giá thấp hay cô lập bạn ở trường”.
Hiện tại, Ái My đang đến California để thực tập vị trí Quản lý dự án cho một công ty xây dựng tại Mỹ trong 2,5 tháng. Chúc cho cô bạn gặt hái được nhiều thành công nhé!