Du học sinh Úc: “Tôi sống ở Australia, nhưng có mặt không bằng ở Việt Nam”.

0

Sẵn sàng du học – “Nhà ở Australia có thể có vườn, đất rộng hơn, nhưng ‘thấp tè’ so với nhà của người Việt”, anh Vinh, đang sống ở nước này, nhận xét.

Dưới đây là chia sẻ của anh Xuân Vinh, 28 tuổi, đang học tiến sĩ tại Australia, cung cấp góc nhìn khác sau bài viết Từ Anh trở về, tôi không dám đi ăn tiệm sang ở Việt Nam. Anh Vinh đã sống hơn 10 năm ở nước ngoài, trong đó có 9 năm tại Singapore và hiện giờ tại Brisbane – thủ phủ và là thành phố đông nhất của bang Queensland, Australia.

du-hoc-sinh-viet-nam

Người Việt ở Úc. (ảnh minh họa)

Nhiều lần nói chuyện với bạn bè sống ở Singapore và ở Australia, tôi nhận ra một điều: Mức sống và tiện nghi của tôi và gia đình tôi khi ở Việt Nam, ở một số mặt, cao hơn hẳn mức sống của tôi khi ở Singapore và Australia.

Ở khu vực tôi đang sống tại Australia, phần lớn nhà rất rộng, có vườn rộng, nhưng người ta chỉ làm nhà cao một tầng và nguyên liệu phần lớn là gỗ. Gỗ là vật liệu xây dựng rẻ nhất ở đây, rẻ hơn gạch và bê tông; và cũng là vật liệu tồi nhất: bị mọt, mau hư, khó sửa chữa, không bền. Những loại gỗ này cũng cách nhiệt rất kém: mùa đông nhà lạnh, mùa hè thì nóng. Trần nhà ở đây cũng rất thấp: tiêu chuẩn cho phòng ngủ chỉ là 2,4m, khiến người ở trong phòng cảm thấy rất chật chội và khó thở. Người dân Australia cao hơn người Việt nhưng nhà họ lại làm rất thấp, thấp đến nỗi một số nhà gắn quạt trần, tôi có thể với tay lên là cánh quạt sẽ chém trúng tay tôi (tôi cao chỉ khoảng 1m70). Lý do người ta xây nhà thấp rất đơn giản: xây tường cao gấp đôi chi phí sẽ tốn gấp đôi.

Tại sao người dân ở một đất nước giàu như Australia lại xây nhà bằng vật liệu xấu và trần thấp, trong khi người Việt nghèo hơn lại quan niệm “nhà cao cửa rộng”. Không chỉ nhà riêng biệt mà chung cư cao cấp, chung cư đắt tiền ở đây vẫn chỉ có trần nhà cao 2,4m. Tường giữa căn hộ này và căn hộ khác thì xây bằng gạch và bê tông, nhưng tường giữa các phòng trong cùng một căn hộ vẫn bằng gỗ và ván ép. Phòng của các căn hộ ở đây cách âm rất kém, đó sẽ là vấn đề cho các gia đình có con nhỏ.

Ở Việt Nam, những khi trời nóng, gia đình tôi có thể mở máy lạnh cả ngày. Đi vào quán cà phê, nhà hàng vào trưa nóng, ta vẫn thấy máy lạnh bật mát rượi. Tôi dám khẳng định nhiều người chúng ta sẽ không vào nhà hàng, quán nước ở Việt Nam trong những ngày nóng nếu ở đây không có máy lạnh. Nhưng khi tôi vào nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Australia, ngay giữa trưa nóng mùa hè, người ta không hề bật máy lạnh (điều này đặc biệt phổ biến ở các quán hàng do người Việt làm chủ). Tôi nói chuyện với nhiều bạn người Singapore và Australia, phần đông họ không dám mở máy lạnh cả ngày, cả đêm dù thời tiết nóng vì tiền điện quá cao. Khi trời lạnh, họ cũng hạn chế mở máy sưởi. Khi đi ngủ, họ đắp chăn dày thay vì mở máy sưởi. Nhà tôi đang thuê không lắp máy lạnh, nhà của nhiều người ở đây cũng không có máy lạnh,

Và còn nhiều ví dụ nhỏ nhặt khác tôi có thể kể. Nệm nằm tốt nhất là nệm cao su nhưng ở cả hai đất nước tôi từng sống, hiếm người mua nệm cao su vì đó là loại đắt tiền nhất, đa phần họ dùng nệm lò xo. Trong khi ở Việt Nam, gia đình bình thường cũng có thể mua nệm cao su.

Về đồ điện tử gia dụng, ví dụ các loại quạt điện, giá ở Australia rất rẻ nếu tính theo giờ lương của tôi nhưng chất lượng cái quạt rẻ nhất ở đây lại tồi hơn nhiều so với loại quạt rẻ nhất ở Việt Nam.

Có phải người Việt trước giờ phung phí khi xây nhà? Hàng quán cà phê của chúng ta lãng phí điện? Chúng ta xài nệm quá đắt tiền, sản xuất quạt quá tốt?

Câu trả lời rất đơn giản: Mỗi người chúng ta đều có tiền trong ví, chúng ta đều nhìn vào giá các mặt hàng và nhìn vào ví tiền của mình rồi ước lượng nên làm gì với tiền của mình.

Nhà ở Australia có thể có vườn, đất rộng hơn, nhưng lại không xây cao hơn nhà của người Việt; nhưng nếu tính tổng diện tích các tầng của nhà liền thổ Việt Nam so với nhà ở Australia, tổng diện tích hay số phòng không chênh nhau quá nhiều. Bù lại cho nhà rộng là cái trần nhà thấp.

Duy có một thứ tôi cảm thấy khác biệt rõ rệt nhất là giá cả thực phẩm tươi sống.

Giá thực phẩm tươi sống ở Singapore khá đắt, nhưng ở xứ sở chuột túi không đắt hơn Việt Nam bao nhiêu. Một kg bò bắp ở Australia giá chỉ trên dưới 200.000 đồng. Sự khác biệt lớn nhất là nếu so với đồng lương của người lao động, giá cả thực phẩm tươi sống ở Australia sẽ rẻ hơn rất nhiều ở Việt Nam. Bù lại, ở Australia, chi phí nhân công đắt hơn nhiều. Một ly trà sữa ở Australia là 100.000 đồng vì có chi phí cho người phục vụ. Vợ tôi ở Việt Nam có thể đi làm tóc với giá chưa đến 3 giờ lương; nhưng ở đây, vợ tôi sẽ mất khoảng một ngày lương, chính vì chi phí nhân công ở Australia cao hơn.

Theo tôi, giới trẻ Việt Nam dùng tiền không thể gọi là hoang phí. Điều đó phù hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam, giống như việc xây nhà ở Australia hay ở Việt Nam đều phù hợp với thực tế địa phương. Theo tôi, ngay cả khi các bạn trẻ muốn tiết kiệm cũng chưa hẳn là điều tốt nhất.

10 năm trước, khi tôi rời Việt Nam đi Singapore, tôi ăn một đĩa bánh cuốn giá 15.000 đồng. Gần đây, tôi về Việt Nam, cùng đĩa bánh ấy, cùng tiệm ăn đó, giá đã lên 50.000 đồng. Còn khi tôi học tiểu học, giá đĩa bánh đó chỉ có 6.000 đồng. Với tốc độ trượt giá như vậy, tiết kiệm tiền có lẽ không phải là biện pháp tốt nhất để giữ giá trị đồng tiền. So với Việt Nam, các nước như Australia, Singapore, hay Anh có mức lạm phát thấp hơn nhiều.

Vì thế, tôi cho rằng, việc các bạn trẻ Việt Nam đang tiêu tiền như hiện nay là một điều dễ hiểu và các bạn cứ nên tiêu tiền như mình đang tiêu, không có gì phải băn khoăn cả.

Thái Hải (SSDH) – Theo Xuân Vinh/Tinnuocuc.net

Share.

Leave A Reply