Du học: Làm sao để tránh ‘tiền mất tật mang’?

0

Sẵn sàng du học – Những câu chuyện xoay quanh vấn đề du học và câu hỏi làm thế nào để du học không bị ‘tiền mất, tật mang’ luôn được đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm. 

du-hoc-chau-au

‘Vỡ mộng’ khi đi du học

Nhiều bạn trẻ trước khi đi du học chưa xác định được đúng mục tiêu và nghĩ khi sang trời Tây sẽ được “trải thảm hồng”. Thực tế, nhiều du học sinh bị “vỡ mộng” trước môi trường hoàn toàn mới.

Với nhiều năm kinh nghiệm đi du học, Thạc sỹ Đại học Harvard Trương Phạm Hoài Chung cho biết: “Một số em học sinh sang Mỹ du học ở cấp phổ thông phải chuyển trường vì không hòa nhập được với bạn, môi trường mới, hoặc phải chuyển nhà vì không hợp với lối sống của gia chủ”.

Bên cạnh đó, du học xong, một số bạn quyết định về nước với niềm tin sẽ tìm được công việc ở vị trí quản lý lương cao. Nhưng “cuộc sống không giống ước mơ”, nhiều người thành công sau khi du học, một số người không may mắn lại thất bại.

Võ Thị Minh An tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sỹ tại Đại học Stirling (Scotland), nhận giải thưởng Outstanding Committment Awards, và được cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc đến 2 lần trong bài diễn văn. Với thành tích xuất sắc, An tự tin khi về Việt Nam sẽ tìm được công việc ở vị trí quản lý, lương cao. Nhưng An từng đã phải mất 4 tháng mà không tìm được việc như mong muốn.

Ai cũng nghĩ sau khi du học về nước sẽ tìm được công việc với mức lương cao. Nhưng thực tế, nhiều bạn khi về nước mãi không tìm được việc, hoặc có nhưng lương thấp.

Ông Thăng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con du học Mỹ chia sẻ: “Tốn gần 5 tỷ đồng cho nó ăn học bên kia 4 năm mà giờ vẫn phải lo xin việc, quá lỗ”. Con trai ông Thăng học ngành Tài chính Ngân hàng tại Mỹ sau 3 tháng về nước dù rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng nơi thì từ chối vì đòi hỏi kinh nghiệm, chỗ thì trả lương thấp.

Làm thế nào để đi du học không bị ‘tiền mất tật mang’?

Để tránh tình trạng này các bạn sinh viên cần xác định rõ mục tiêu cũng như phải chuẩn bị hành trang thật tốt trước khi du học.

Thạc sỹ ĐH Harvard, Trương Phạm Hoài Chung với kinh nghiệm du học nhiều năm cho rằng, khi con du học, bố mẹ rất khó giúp đỡ vì ở xa. Khi đó, các bạn học sinh hãy đến văn phòng tư vấn tâm lý miễn phí ở trường để được trợ giúp.

Lý giải câu chuyện các bạn du học về thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Nhân sự VPBank thẳng thắn: “Đi học nước ngoài về thất nghiệp rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là do các bạn kỳ vọng quá cao”.

Thạc sĩ Lã Thị Linh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục cho biết, việc người trẻ sau khi du học về chưa lập tức thành công cũng là điều bình thường. Khi về Việt Nam, phần lớn du học sinh cảm thấy không nhiều thì ít có sự hụt hẫng.

Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply