Kinh nghiệm du học Mỹ thực tế của du học sinh Việt

0

Sẵn sàng du học – Ngày nay du học trở nên phổ biến hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn gây bỡ ngỡ cho nhiều các bạn trẻ, lần đầu tiên sống xa cha mẹ tại nền văn hóa khác biệt. Do đó, chuẩn bị trước những hành trang trước khi lên đường luôn là mục tiêu hàng đầu cho các du học sinh tương lai và các bậc phụ huynh. Hiểu rõ những lo lắng đó, bài viết lần này sẽ trang bị cho bạn những chia sẻ du học từ kinh nghiệm thực tế của các cựu học sinh du học Mỹ.

I.  Kinh nghiệm trước khi nhập học

Những chia sẻ của Jessica Phạm – sinh viên đại học năm 2

“Tôi đến Mỹ một ngày cuối tháng 8. Kinh nghiệm đầu tiên dành cho các bạn chuẩn bị đi du học: hãy đặt vé máy bay sớm từ… 4 tháng đến nửa năm, để chắc chắn rằng mình không phải nhận được những cái lắc đầu “hết vé” từ bàn giao dịch và cũng để tiết kiệm tối đa chi phí có thể.

Thông thường, vé một chiều sang Mỹ rẻ nhất khoảng 500 – 600 USD của Vietnam Airlines nhưng luôn hết từ đầu mùa. Các lựa chọn tiếp theo là Japan Airlines, American Airlines, China Airlines hay Cathay Pacific…

Kết thúc chuyến đi nửa vòng trái đất là 150 USD tiền taxi, tôi tự làm giàu vốn liếng của mình bằng một vài bài học nhỏ: “Đừng tiếc tiền mua vali tốt, vì 80kg hành lý không hợp với đồ “lởm” (vali của tôi đã hỏng khiến tôi không thể tiếp tục đi bus hay train)”.

 “Các bạn cũng nên lưu ý cố gắng qua Mỹ sớm và nhập học đúng ngày. Ngày đầu tiên rất quan trọng, nếu ai vắng mặt ngày này rất có thể phải đợi khóa sau. Bản thân tôi đã phải đợi ở nhà 3 tuần vì bị trễ học” – Hồ Vũ Ngọc Hân.

II. Những khó khăn ban đầu khi sang học

1. Tiếng anh và hòa nhập

Kinh nghiệm của bạn Hồ Vũ Ngọc Hân, du học sinh tại Houston, Texas:

ho-vu-ngoc-han

Bạn Hồ Vũ Ngọc Hân (phía bên phải)

“Tôi nhận ra rằng khi gặp vấn đề về ngoại ngữ lúc mới bước chân vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, hãy mạnh dạn chọn một nơi không có người Việt mà càng nhiều người bản xứ càng tốt. Vì điều này sẽ giúp bạn mau chóng luyện được kỹ năng nói tiếng Anh.

Những lý do chủ yếu dẫn đến đa số bạn trẻ “yếu” về khả năng nghe-nói:

  • “Ngại nói tiếng Anh vì sợ phát âm không chuẩn, nói ra sai thì mất mặt và quê lắm, tốt nhất im miệng cho qua và không nói, nghe người khác nói rồi học lại sau là tốt nhất”.

Giải pháp: Chủ động nhờ các bạn chỉnh sai và vui vẻ cám ơn, khả năng nghe nói của bạn sẽ tăng nhanh cũng như sự tự tin của bạn.

  • “Sao người bản xứ khó gần quá, họ nói gì mà mình chẳng hiểu gì hết, đến lượt mình nói thì họ cũng không hiểu, ngại nói chuyện với họ lắm”.

Giải pháp: tập lắng nghe và nói nhiều hơn, các bạn có rất nhiều nguồn thông tin nhưng đa số lại không biết tận dụng nó.

  • “Mình bận rộn tối ngày, chẳng có thời gian để trau dồi thêm cho tiếng Anh”.

Giải pháp: Thời gian rảnh hãy vận dụng để nghe đài, tin tức bằng tiếng Anh. Cứ lặp đi lặp lại thành một thói quen, kỹ năng Anh ngữ của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.

2. Chương trình và môi trường học khác biệt

Chia sẻ từ bạn Bùi Hà Phương – Du học sinh Mỹ năm 2 Đại Học Roger William

bui-ha-phuong

“Khó khăn lớn nhất khi sang học chính là tiếng Anh. Mặc dù đã học ở nhà, cộng với học thêm 4 tháng tiếng Anh nhưng khi chính thức bước vào học thì mọi thứ với em không hề dễ dàng. Khi chính thức học đại học, thầy cô mặc dù vẫn coi mình là sinh viên quốc tế, nhưng mình được cho là đã đủ trình độ tiếng Anh để vào học, vì vậy điểm số chấm rất chặt chẽ, ko có sự thiên vị giữa sinh viên Mỹ hay sinh viên quốc tế. Đồng thời lượng bài học cũng nhiều hơn, sách đọc nhiều từ mới, từ chuyên ngành khó hơn. Tốc độ giảng của thầy cô cũng nhanh hơn.

Trong phong cách học tập sinh viên Mỹ thường chủ động hơn trong việc học tập và tiếp thu bài giảng, các bài học trên lớp thường nhẹ nhàng và không nặng lý thuyết, số giờ học trên lớp khá ít và không khuyến khích sinh viên học quá nhiều môn học cho 1 học kỳ; sinh viên Mỹ năng động hơn, tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao và tích cực tìm các công việc làm thêm. Giờ học trên lớp giáo viên thường giảng nhanh, không giảng chi tiết, chủ yếu là sinh viên phải đọc sách, tài liệu và tự tìm hiểu.

Giải pháp: Các giáo sư luôn có office hour dành cho sinh viên và mình nên tận dụng điều đó để hỏi lại các bài học mình chưa hiểu, vì khi đến office hour, giáo sư có thời gian quan tâm đến mình nhiều hơn. Thay vì phải quan tâm từ 30-40 người thì họ chỉ giảng cho mỗi mình mình. Đến office hour cũng là cách để khiến các giáo sư thấy rằng mình là người ham học hỏi và có chí cầu tiến, vì vậy họ cũng sẽ ít nhiều châm chước các bài làm kiểm tra trên lớp (cái này thì tất nhiên người ta không nói như vậy, nhưng nếu chiếm được thiện cảm của giáo sư thì vẫn luôn tốt hơn cho mình)”.

3.  Sốc văn hóa

Phạm Minh Quang, hiện đang là SV năm 3, ĐH Brandeis, bang Massachusettschia sẻ

Cảm giác cô lập hay lạc lõng cùng với nỗi nhớ nhà là cảm xúc khi chân ướt chân ráo đặt lên đất Mĩ: “Khi ấy, mình cố gắng mở rộng cách suy nghĩ, hòa đồng và tham gia các CLB của các bạn Hoa Kỳ và các nước khác. Điều đó đã giúp mình hình dung và phần nào hiểu nền văn hóa đa sắc tộc của Hoa Kỳ. Có thêm bạn mới mình không còn cảm giác bị cô lập nữa”

Tệ nạn xã hội: “Tự do cá nhân với một số bạn đồng nghĩa với việc sống buông thả, không chú ý tới cuộc sống của mình là một du học sinh. Nhưng một số nơi trở nên quá sa đọa. Có lần mình gặp các bạn sinh viên hút cần sa trong bữa tiệc. Các bạn hỏi có muốn thử không. Tuy nhiên mình đã lịch sự xin phép và không thử”.

“Bọn mình nấu ăn chung, cùng nhau làm những việc đơn giản như làm cành đào từ các tờ giấy màu và cành lá thu lượm được. Mỗi lần gặp mặt như thế các thành viên sẽ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ các thành viên” – Minh Quang kể lại.

 Giải pháp: tham gia các diễn đàn, hội thảo để mở rộng vòng kết nối và tiếp cận những thông tin mang tính định hướng. Hòa mình trong tập thể, tăng cường trao đổi để tỉnh táo và có ý thức rõ ràng về những điều nên hay không nên. Càng chuẩn bị sớm, kỹ càng thì khả năng xảy ra những cú “sốc” sẽ được hạn chế, cũng như tránh nguy cơ sa đọa sau này.

Thái Hải (SSDH) – Theo Du học Amec

Share.

Leave A Reply