Sốc văn hóa ư? Đừng sợ!

0

Sẵn sàng du học – “Cú sốc văn hoá có thể được định nghĩa là cảm giác mất phương hướng khi bạn đến một nền văn hóa mới hoàn toàn lạ lẫm. Nếu bạn đang tham gia trao đổi học tập hoặc lần đầu ra nước ngoài và gặp phải cảm giác này thì hãy nhớ rằng đó là một điều vô cùng phổ biến và không phải là một lý do để hoảng sợ”. Hãy cùng nghe chia sẻ của Jessica Kear, du học sinh trao đổi từ Anh quốc, để xem cô đã trải qua cú sốc văn hóa tại đất nước New Zealand như thế nào nhé!

du-hoc-newzealand

“Tôi nhớ rõ ràng ngày mà tôi đang ngồi trên chuyến bay cuối cùng từ Sydney đến Wellington sau khi đi trải qua gần 30 giờ bay, thì viễn cảnh sống ở nước ngoài trong cả 1 năm khiến tôi vỡ mộng.

Ban đầu là cảm giác sung sướng đến tột cùng khi ngồi trên chuyến bay đến New Zealand, đất nước tôi đã mơ ước trong hơn một năm. Ngay khi hạ cánh tại sân bay Wellington, sự hân hoan và mong đợi của tôi bất ngờ chuyển sang trạng thái căng thẳng. Hàng loạt suy nghĩ cứ dồn dập ập đến: Tôi đã làm cái quái gì vậy ? Nếu chẳng may tôi ghét New Zealand thì vẫn chẳng thể nào về nhà lúc này. Tôi không thể gọi cho gia đình để trò chuyện do lệch múi giờ. Và mọi thứ chỉ trở nên khiếp sợ hơn. Nếu có vấn đề xấu với visa của tôi thì sao? Nếu họ không cho tôi vào trong nước thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không nói được tiếng Anh, và tôi sẽ không thể hiểu được bất cứ ai? Và đó là lần đầu tiên tôi bị sốc về văn hóa.

Cú sốc văn hoá có thể được định nghĩa là cảm giác mất phương hướng khi bạn đến một nền văn hóa mới hoàn toàn lạ lẫm. Nếu bạn đang tham gia trao đổi học tập hoặc ở nước ngoài và gặp phải cảm giác này thì hãy nhớ rằng đó là một điều vô cùng phổ biến và không phải là một lý do để hoảng sợ. Đây chỉ là một vài khoảnh khắc văn hóa vui nhộn mà tôi đã trải qua trong chuyến đi trao đổi của mình tới New Zealand.

Không biết phải làm gì ở sân bay nước ngoài

Sân bay Wellington là nơi đem đến cú sốc văn hóa đầu tiên cho tôi. Đến từ Anh, tôi thường chủ yếu đi quanh Châu Âu, vì vậy visa là một khái niệm tôi chưa từng phải xử lí. Vì vậy, khi tôi chuẩn bị đi trao đổi, tôi đã bị choáng ngợp bởi công cuộc xin visa. Có rất nhiều yêu cầu khác nhau và tôi đã dành hầu hết thời gian để gọi cho văn phòng nhập cư đến 5.000 lần một ngày cầu xin sự giúp đỡ.

Trong chuyến bay cuối cùng, nhân viên đã đưa ra các mẫu đơn chào mừng và chúng tôi phải điền vào để khai báo những gì chúng tôi đem vào đất nước họ. New Zealand là rất nghiêm ngặt với điều này và nếu bạn bị phát hiện nói dối bạn có thể sẽ phải chịu phạt nặng. Tôi không chắc tại sao tôi phải đấu tranh rất nhiều với mẫu đơn này, có lẽ bởi vì đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch một mình. Cũng chỉ là về hành lý xách tay thôi mà! Tôi cũng không biết mình đang suy nghĩ gì nữa. Vì vậy, khi họ hỏi chúng tôi có mang theo bất cứ thức ăn nào không, tôi vui vẻ chọn “không”.

Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng tôi đã kinh hoàng ra sao khi họ xếp vali của tôi trên máy quét X-ray, trong đó có sáu hộp bánh Jaffa và hai hộp trà Yorkshire lớn. Người phụ trách ngay lập tức phát hiện ra thức ăn và nhìn chằm chằm vào tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm là nhìn lại, mắt mở to, cố gắng biện minh với anh ta. May mắn thay, lời cầu xin của tôi đã được chấp thuận, và nhân viên tốt bụng ấy đã để tôi đi với những hộp Jaffa và Trà Yorkshire nguyên vẹn. (Cảm ơn bạn, người tốt bụng).

Không thể phát âm bất cứ thứ gì

Tôi nghĩ rằng một trong những khác biệt văn hoá quan trọng nhất giữa Anh và New Zealand là có một ngôn ngữ khác với tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở New Zealand. Vâng, tất nhiên họ nói tiếng Anh, nhưng tôi đã nhận ra hầu hết các địa danh đều có tên bằng tiếng Maori. Cái nhìn đầu tiên của tôi về điều này là khi tôi xuống máy bay được chào đón bằng từ “Kia ora”. Lẽ ra tôi nên nghiên cứu và học một vài cụm từ Maori cơ bản trước ở nhà.

Kỹ năng Maori dở tệ của tôi sẽ là một vấn đề thường xuyên trong suốt chương trình trao đổi. Tôi nhớ một lần tôi đã cố gắng đến một thành phố ở phía bắc của Wellington tên là Porirua. Tôi vui vẻ lên xe buýt và yêu cầu người lái xe buýt người Maori quay trở lại Porirua. Tôi đã phát âm nó là Por-eye-ru-ay. Người lái xe buýt chỉ nhìn chằm chằm vào tôi, cố gắng nhịn cười và sửa lại cho tôi, điều đó khiến tôi quằn quại suốt cả ngày hôm đó.

Tôi sớm biết được rằng mỗi nguyên âm được phát âm khác biệt ở Maori. Và có một số kết hợp chữ cái tạo nên những âm thanh hoàn toàn khác với tiếng Anh. Ví dụ, ng được phát âm như trong từ singer và wh được phát âm giống như f. Tôi nghĩ rằng mọi người nước ngoài sống ở New Zealand đã phát âm từ whakapapa sai ở một số chỗ. May mắn thay, người New Zealand có thường ngọt ngào và sẽ hiểu được nội dung của những gì bạn đang cố gắng nói.

Không thể tìm thấy bất cứ thứ gì trong các cửa hàng

Việc mua sắm ở nước ngoài luôn gây cho ta những rắc rối, nhưng, tôi đã nhầm khi nghĩ rằng sẽ không có bất kỳ vấn đề gì ở New Zealand. Thay vào đó, mọi thứ đều có một cái tên khác. Ớt không còn là pepper nữa, mà chúng được gọi là capsicums. Dưa chuột là zucchinis. Sốt cà chua được gọi là Watties …. Tôi thấy mình mất phương hướng khi lang thang quanh các cửa hàng.
Mọi thứ còn tệ hơn khi tôi đã dùng hết hai túi trà Yorkshire lớn trong tháng đầu tiên. Tôi chạy xuống Countdown (một siêu thị gần nhà) để tìm kiếm loại trà tuyệt vời nhất nước Anh này. Họ có nó? Không. Vì vậy, tôi đã chạy đến siêu thị gần nhất kế tiếp, họ đã có nó nhưng giá của nó là 12$. Tôi không muốn trả nhiều tiền như vậy cho nên tôi đã phải mua thương hiệu trà New Zealand rẻ nhất mà tôi có thể tìm được, không tốt như trà Yorkshire. May mắn thay, bạn bè đã gửi trà Yorkshire sang cho tôi.

Không hiểu điều mọi người nói

Một điều người ở xứ sở chim Kiwi dường như luôn luôn làm là nói lầm bầm. Tôi phải liên tục yêu cầu họ nhắc lại lời vậy mà tôi vẫn chẳng thể hiểu họ đang nói gì. Vì vậy, tôi chỉ cười một cách lúng túng, hy vọng nó sẽ bù đắp cho thực tế là tôi không biết những gì đang xảy ra.

Khi bắt đầu các bài giảng, một số giảng viên New Zealand sẽ nói chuyện bằng tiếng Maori. Bạn không phải là một sinh viên trao đổi thực sự nếu bạn không trải nghiệm điều này và bắt đầu run sợ, nghĩ rằng mình đã vô tình đăng ký nhầm lớp tiếng Maori.

Tiếng lóng của New Zealand cũng là điều tôi phải làm chủ. Lần đầu tiên một ai đó nói, “sweet as” (nghĩa là “tuyệt vời”) với tôi, tôi nghĩ họ đang khen cơ thể của mình. Vâng, điều đó thực sự xảy ra, và nó thật xấu hổ.

Vì vậy, như bạn thấy đấy, cú sốc văn hoá có thể xảy ra thậm chí ở một nơi đơn giản và không đe doạ như New Zealand. Những tuần đầu tiên ở nước ngoài luôn là điều đáng lo ngại nhất, nhưng hãy nhớ rằng sẽ qua nhanh thôi. Sốc văn hóa có thể sẽ ám ảnh bạn mãi nhưng bạn sẽ thấy những điểm tích cực của nó. Khi bạn không biết điều gì đang xảy ra, đó sẽ là cơ hội để bắt đầu những cuộc trò chuyện, thường thường người bản địa sẽ giúp đỡ bạn và quan tâm đến bạn hơn.
Vì vậy, đừng lo lắng, cười vào chính mình, và trải qua cú sốc văn hóa. Ít nhất là khi về nhà, bạn sẽ có rất nhiều câu chuyện hài hước để kể!”

Người dịch: Hải Yến (SSDH)

Share.

Leave A Reply