GS Nguyễn Đình Đức: Người thầy, nhà khoa học xuất sắc trong cộng đồng khoa học quốc tế

0

Sẵn sàng du học – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học, Vật liệu – Kết cấu tiên tiến và Composite, đã công bố hơn 200 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 100 bài trên các tạp chí quốc tế ISI, ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sinh năm 1963, tại Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Quê nội ông ở thôn Huề trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương -những mảnh đất địa linh nhân kiệt và có truyền thống hiếu học.

Ông đã đỗ đầu kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh của Bộ Đại học và được cử sang làm luận án tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lô – mô – nô – xốp (MGU), thủ đô của Liên Xô (thời bấy giờ). Đây là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới.

GS Nguyễn Đình Đức

GS Nguyễn Đình Đức

MGU – bước ngoặt cuộc đời khoa học

Đối với ông, được học tập và làm việc ở trường MGU là bước ngoặt lớn trong cuộc đời khoa học. Tại đây, ông nhận được sự chỉ bảo, dìu dắt trực tiếp của nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc – GS.TSKH. Pobedrya B.E, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật liệu composite và ảnh hưởng của các nhà Cơ học xô viết lỗi lạc như Viện sĩ Sedov, Viện sĩ thông tấn Iliushin,…

Ông đã bảo vệ thành công xuất sắc Luận án tiến sĩ toán lý khi mới 27 tuổi về các tiêu chuẩn bền mới cho vật liệu composite. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công xuất sắc Luận án tiến sĩ khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi mới vừa tròn 34 tuổi.

Đề tài Luận án Tiến sĩ khoa học của ông nghiên cứu về vật liệu composite cacrbon-cacrbon 3 pha (gồm vật liệu nền, sợi và các hạt gia cường) có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm; những vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ, chịu được nhiệt độ cao lên đến hàng nghìn độ.

Với những phát hiện mới trong nghiên cứu về ứng xử của vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian và kết quả của Luận án có tính ứng dụng cao trong ngành hàng không, vũ trụ và tên lửa, ông đã được cấp bằng phát minh khoa học số 120. Kết quả của Luận án cũng đã đặt nền tảng cho các hướng nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu nano composite của ông sau này.

Tại Nga, ông được cộng đồng trí thức tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHKT Việt Nam tại LB Nga (1999 – 2001) và đã có những đóng góp nhất định cho cộng đồng trí thức Việt Nam tại đây.

GS Nguyễn Đình Đức và các học trò của mình trong phòng nghiên cứu

GS Nguyễn Đình Đức và các học trò của mình trong phòng nghiên cứu

Quyết tâm xây dựng nền khoa học và ứng dụng tại Việt Nam

Với thành tích nghiên cứu xuất sắc, vào thời điểm đó, GS. Nguyễn Đình Đức đã nhận được lời mời sang làm việc ở một số trường đại học danh tiếng trên thế giới. Tuy có nhiều cơ hội cho sự phát triển của sự nghiệp cá nhân và gia đình, nhưng ông lại quyết tâm quay trở về Tổ quốc với mong muốn gây dựng và phát triển ngành khoa học này vững mạnh, dù biết có nhiều khó khăn, vất vả.

Năm 2006, ông là Phó chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN, đã cùng các đồng nghiệp của Trường Đại học Công nghệ phối hợp với Viện tên lửa thực hiện thành công đề tài Nghiên cứu chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện chuyển động có điều khiển và với sản phẩm của đề tài, tập thể các tác giả đã được giải 3 Nhân tài Đất Việt năm 2008.

Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu còn khó khăn, nhưng GS.TSKH Nguyễn Đình Đức vẫn quyết tâm nghiên cứu ứng dụng composite phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ông đi sâu nghiên cứu, sử dụng các hạt nano titan oxit trong chống thấm cho đà máy tàu thủy và đã thử thành công ở Viện đóng tàu compiste của Đại học Nha trang từ năm 2012. Kết quả nghiên cứu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2016.

GS Nguyễn Đình Đức với các học trò của mình trong lễ nhận bằng GS năm 2013

GS Nguyễn Đình Đức với các học trò của mình trong lễ nhận bằng GS năm 2013

Với những đóng góp đó, ông đã gắn nghiên cứu cơ bản với ứng dụng, cũng như tạo lập nhiều hướng nghiên cứu mới, hiện đại cho ngành Cơ học của Việt Nam.

Luôn tiên phong trên lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu mới và cơ học

Những năm gần đây, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm. Ông đã nhanh chóng tiếp cận hướng nghiên cứu mới này, nghiên cứu bổ sung một cách hợp lý các hạt nano để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu nanocomposite, như khi chế tạo vật liệu phát quang hữu cơ OLED, hoặc để tăng hệ số chuyển đổi năng lượng của các tấm pin mặt trời, nghiên cứu độ bền và ổn định của các kết cấu 3 pha này (bao gồm nền polyme, sợi gia cường và các hạt nano) dưới các loại tải trọng khác nhau.

Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam tiên phong bắt tay vào nghiên cứu về vật liệu chức năng FGM và nano FGM có cơ lý tính biến đổi. Đây là những composite thế hệ mới, có cơ lý tính biến đổi, độ bền cơ học và bền nhiệt rất cao, vì thế được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ, các chi tiết máy,…

Ông cũng tiên phong nghiên cứu về ổn định và động lực học của kết cấu composite có lớp vật liệu auxetic (hệ số Poát xông âm) trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và xây dựng. Lớp auxetic là vật liệu đặc biệt, có tác dụng giảm chấn động cực mạnh và được sử dụng để bảo vệ các kết cấu, công trình chống lại các va đập, tải trọng nổ,…Ông cũng dành nhiều công sức nghiên cứu về ứng xử của các vật liệu mới, công trình đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu và các điều kiện khí hậu cực đoan,…

GS Nguyễn Đình Đức và các học trò tại công trình xây dựng Metro đầu tiên của Việt Nam

GS Nguyễn Đình Đức và các học trò tại công trình xây dựng Metro đầu tiên của Việt Nam

Các kết quả nghiên cứu của ông không chỉ được cấp bằng phát minh, sáng chế, mà còn được công bố trên những tạp chí quốc tế ISI có uy tín, góp phần cùng các đồng nghiệp trong nước làm cho ngành Cơ học vật liệu composite, vật liệu nano và các nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tiên tiến của Việt Nam được biết đến trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Truyền cảm hứng tới đồng nghiệp và học trò

Hiện nay, tại các trường đại học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, bộ môn là mô hình tổ chức cấp cơ sở triển khai đào tạo giáo dục bậc đại học, sau đại học phổ biến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại mô hình bộ môn và phòng thí nghiệm được hòa nhập “hai trong một” của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở một số nước, tiêu biểu như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế ở Việt Nam cũng đã chứng minh, mô hình Phòng thí nghiệm (PTN) kết hợp đào tạo với nghiên cứu là mô hình mới, ưu việt.

Tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến đã được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sáng lập. Sự hình thành và phát triển của PTN này là bài học kinh nghiệm để nhân rộng ở các trường đại học khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, con đường đi đến với thành công thường không dễ dàng. Ban đầu, nhóm nghiên cứu chỉ có thầy và một vài học trò. Nhưng là người thầy tận tụy và tâm huyết với nghề, GS Nguyễn Đình Đức không chỉ có những bài giảng hay với chuyên môn sâu mà quan trọng hơn, ông đã “thắp lên” ngọn lửa đam mê khoa học, tình yêu ngành nghề ở các học trò của mình, khơi dậy tiềm năng sáng tạo và sự tự tin cho thế hệ trẻ.

Được thầy tận tình dìu dắt, nhiều em sinh viên đã trở nên say mê học tập nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp đại học đều trở thành sinh viên giỏi và xuất sắc và đã có bài báo công bố trên các Tạp chí quốc tế uy tín, như các em Hoàng Văn Tùng, Trần Quốc Quân, Phạm Hồng Công, Phạm Toàn Thắng, Vũ Thị Thùy Anh, Vũ Đình Luật, Nguyễn Trọng Đạo, Hoàng Văn Tắc, Vũ Đình Quang, Vũ Minh Anh, Phạm Đình Nguyện, … Nhiều em đã trở thành những nhà khoa học trẻ tài năng. Tiêu biểu là em Trần Quốc Quân, một tài năng trẻ xuất sắc, đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá nhất của ngành Cơ học Việt Nam mang tên Nguyễn Văn Đạo (năm 2016) khi mới 26 tuổi đời và còn đang là nghiên cứu sinh

Trên cơ sở nhóm nghiên cứu mạnh của ông, năm 2015, Trường Đại học Công nghệ đã thành lập Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến. GS .Nguyễn Đình Đức được trường bổ nhiệm làm Giám đốc PTN.

Đây là sự kết hợp của hai mô hình: tổ bộ môn (đào tạo đầy đủ các bậc từ kỹ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ) và mô hình PTN (triển khai các nghiên cứu khoa học với các thiết bị hiện đại).

Mỗi năm thầy và trò công bố khoảng 15-20 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Phòng thí nghiệm đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang hàng với các nhà khoa học, PTN, trường đại học hàng đầu của thế giới và khu vực như Đại học Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne (Úc), Đại học Birmingham (UK), Sejong University (Hàn Quốc),…

GS. Nguyễn Đình Đức truyền đạt kiến thức và tình yêu nghề nghiệp cho học trò

GS. Nguyễn Đình Đức truyền đạt kiến thức và tình yêu nghề nghiệp cho học trò

Bên cạnh đó, PTN cũng đã tiếp nhận các nghiên cứu sinh ở nước ngoài về thực tập, thu hút được nhiều tiến sĩ trẻ của các trường đại học lớn ở trong nước như Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Việt Nhật, Đại học Bách Khoa Hà nội, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thủy lợi,….cùng tham gia hợp tác nghiên cứu và đào tạo.

Là nhà giáo yêu nghề và tận tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo, tất cả các nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn luận án tiến sĩ, trước khi bảo vệ luận án đều đạt chuẩn đầu ra như quốc tế, có nhiều kết quả công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, thậm chí có nhiều em có thành tích xuất sắc còn hơn cả nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài.

Từ mô hình nhóm nghiên cứu đến PTN xuất sắc của GS. Nguyễn Đình Đức đã rút ra bài học: Để một nhóm nghiên cứu thành công, trước tiên, phải có những người thầy tài năng và tâm huyết dẫn dắt; phải bắt nhịp được theo các nghiên cứu tiên tiến, hiện đại của thế giới; phải có môi trường đào tạo và nghiên cứu có hàm lượng học thuật cao và liên ngành (như ĐHQGHN); phải khơi dậy được hoài bão và sự say mê nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ; và cuối cùng, phải có sự quan tâm, khích lệ và ủng hộ của nhà trường và các cấp lãnh đạo. Đây là những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của mô hình nhóm nghiên cứu trong trường đại học.

Vươn tầm quốc tế

Các kết quả nghiên cứu mới của GS Nguyễn Đình Đức và các đồng nghiệp không chỉ được đón nhận công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín mà ông còn vinh dự là nhà khoa học đại diện cho Việt Nam được mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế lớn.

PTN của ông cũng đã đón tiếp nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của nước ngoài đến trao đổi và hợp tác. Những nghiên cứu về vật liệu composite carbon-carbon siêu bền nhiệt, về các vật liệu thông minh, vật liệu auxetic, về composite chức năng cơ lý tính biến đổi, vật liệu composite áp điện, nanocomposite, những vật liệu mới ứng dụng trong năng lượng xanh và sạch, các vật liệu tiên tiến làm việc trong các môi trường và điều kiện khắc nghiệt,…. của PTN và nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Đình Đức là những hướng nghiên cứu hiện đại, có tính liên ngành giữa cơ học với vật lý và CNTT, điện tử viễn thông, với phát triển bền vững và các lĩnh vực khác, bắt nhịp với thời cuộc và đón trước những thời cơ và vận hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực vật liệu mới.

Công thức phi tuyến xác định các mô đun đàn hồi cho composite hạt nano của ông đã được cộng đồng khoa học biết đến gắn với tên “Vanin – Nguyen Dinh Duc” (GS. G.A Vanin là nhà khoa học lỗi lạc của Nga – Trưởng PTN Vật liệu composite của Viện hàn lâm Khoa học Nga).

GS Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo mời tại phiên toàn thể tại Hội thảo quốc tế, ĐH Yonsei, Hàn Quốc (7/2017)

GS Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo mời tại phiên toàn thể tại Hội thảo quốc tế, ĐH Yonsei, Hàn Quốc (7/2017)

GS Nguyễn Đình Đức đã được mời làm chuyên gia nhận xét, phản biện cho 50 tạp chí ISI có uy tín của quốc tế và được mời là thành viên hội đồng quốc tế của các tạp chí quốc tế như: Cogent Engineering (NXB Taylor&Francis, Vương quốc Anh, ), Journal of Science: Advanced Materialsand Devices (NXB Elsevier, Hà Lan), Journal of Science and Engineering of Composite Materials (NXB De Gruyter, Đức), Journal of Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C, NXB SAGE, Vương Quốc Anh).

GS. Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam được Quỹ Newton của Viện Khoa học Công nghệ Hoàng gia Anh tài trợ nghiên cứu – hợp tác. Với những đóng góp xuất sắc cho khoa học và đào tạo, tên tuổi của ông và PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến do ông sáng lập đã được biết đến và có uy tín trong cộng đồng khoa học quốc tế.

GS Nguyễn Đình Đức đã được mời là giáo sư nghiên cứu, thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng của nước ngoài như học Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU), Viện nghiên cứu chế tạo máy (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến của Nhật Bản (JAIST), Đại học Birminhham (University of Birmingham, Vương Quốc Anh), Đại học Tổng hợp Sejong University của Hàn Quốc,..

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN trao Huân Chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước cho GS Nguyễn Đình Đức, 2016

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN trao Huân Chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước cho GS Nguyễn Đình Đức, 2016

Trong suốt chặng đường gần 40 năm kể từ ngày bước chân vào giảng đường đại học, kiên trì theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đến nay GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố hơn 200 công trình khoa học trong và ngoài nước với hơn 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI.

Không chỉ nghiên cứu cơ bản ở tầm cao, ông còn có bằng phát minh, bằng sáng chế và với thành công trong việc sáng lập ngành Kỹ thuật hạ tầng ở Trường Đại học Việt Nhật, ngành kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông ở Trường Đại học Công nghệ, ông đã góp phần tích cực trong việc chuyển ĐHQGHN từ đại học nghiên cứu cơ bản sang định hướng gắn kết chặt chẽ khoa học với thực tiễn, với công nghệ và kỹ thuật.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một tấm gương sáng của sự bền bỉ, nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách, kiên trì lao động và cống hiến hết mình cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức xứng đáng là nhà khoa học tiêu biểu, là người thầy tận tâm của thế hệ trẻ.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri.com.vn

Share.

Leave A Reply