Sẵn sàng du học – Vương quốc Anh được xem là một trong nền giáo dục danh giá cùng những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới. Đi du học Anh là mơ ước của nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới, tuy nhiên quá trình phỏng vấn xin visa du học Anh được xem là khá khó khăn do những chính sách đặc biệt đất nước này đặt ra những năm gần đây. Nhưng nếu bạn có một sự chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ và nắm chắc các câu hỏi phỏng vấn thì cánh cửa du học Anh vẫn sẽ chào đón bạn.
1. Quy trình phỏng vấn xin visa du học Anh
Từ năm 2013, thủ tục xin visa du học Anh được công bố sẽ đơn giản hóa trong các bước chuẩn bị trong các khâu yêu cầu hồ sơ, nộp hồ sơ, phỏng vấn và chờ kết quả.
Theo đó, giai đoạn phỏng vấn giữa ứng viên xin visa và bên đại diện Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự của Anh hoặc nhân viên Cục Biên giới và Di trú Anh, sẽ được đơn giản hóa các bước, cũng như tạo được sự thuận tiện tối đa cho người xin visa bằng các hình thức phỏng vấn phone call hoặc video call qua các ứng dụng như Skype.. ngay vào ngày nộp hồ sơ xin visa và lấy dấu vân tay. Một số trường hợp đặc biệt, nếu bạn có nhu cầu phỏng vấn trực tiếp với bên nhân viên của Anh, hoặc được yêu cầu phỏng vấn trực tiếp, thì bạn sẽ phải có mặt tại Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, hoặc Tổng Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo tỉnh thành bạn đang ở sẽ được gọi đến cơ quan đó.
Những tiêu chí không đạt trong vòng phỏng vấn có thể kể đến như trình độ tiếng Anh không đạt yêu cầu, thông tin cung cấp không chính xác, không hoàn thành đủ các giấy tờ yêu cầu… sẽ khiến bạn có khả năng bị loại khỏi danh sách người được nhận visa du học tại Anh. Do đó, hãy đảm bảo thể hiện thật tốt trong vòng phỏng vấn, để xin visa thành công trong thời gian sớm nhất.
2. Những câu hỏi phỏng vấn xin visa du học Anh
Hầu hết những câu hỏi phỏng vấn du học Anh thường tập trung hướng đến các thông tin cá nhân của người xin visa có chính xác với những thông tin đã đề cập không, mục đích chính của việc xin visa có là vì đi du học hoặc muốn xác mình trình độ sử dụng ngoại ngữ cũng như khả năng học tập khi du học tại Anh.
Một số câu hỏi được nhiều bạn du học sinh cho biết là thường gặp nhất trong vòng phỏng vấn xin visa du học, có thể kể đến:
– Tại sao chọn Vương quốc Anh du học mà không chọn các quốc gia khác?
Để dành được sự tín nhiệm của nhân viên Lãnh sự, Đại sứ, Cục Biên giới và Di trú Anh, hãy trả lời câu hỏi với đầy đủ các chi tiết như: Vì chất lượng giảng dạy của các trường Đại học Anh rất tốt, chuyên ngành bạn chọn chỉ được đào tạo tại Anh… hơn là lý do bạn yêu thích nước Anh và muốn đến đó học tập, sinh sống. Bạn nên nhấn mạnh đến chất lượng đào tạo giáo dục ở Anh và xếp hạng của nó trên thế giới. Nếu chuyên ngành học của bạn không có ở trong nước thì bạn nên trình bày rõ ràng. Còn nếu trong nước có đào tạo chuyên ngành đó, hãy nhấn mạnh đến sự khác biệt về chất lượng giáo dục và cấu trúc khóa học ở Việt Nam và Anh. Cần nhất là bạn phải thuyết phục người phỏng vấn rằng khóa học ở Anh sẽ làm tăng giá trị hồ sơ của bạn. Nếu có thể dẫn ra những nghiên cứu về ngành học của bạn thì càng tốt.
– Sau khi tốt nghiệp, bạn có kế hoạch gì ở tương lai để phát triển sự nghiệp?
Đây là một câu hỏi mang tính thăm dò về khả năng bạn có ở lại định cư và làm việc tại Anh hay không. Hãy trả lời trung thực và cụ thể một chút, để chứng minh với người phỏng vấn những lý do bạn đi học tập tại Anh là xác đáng, và tốt nhất hãy trả lời, bạn mong muốn phát triển tại Anh nếu có cơ hội nhưng vẫn muốn về nước khi tốt nghiệp, hoặc sau một vài năm làm việc tại nước ngoài.
– Tại sao lại chọn trường Đại học này và quá trình tìm trường như thế nào?
Để chuẩn bị cho câu hỏi này, bạn có thể vào trang web của trường mà bạn chọn, ghi những thông tin về trường, đặc biệt những thông tin về xếp hạng của trường trên thế giới, các cơ sở nghiên cứu, thông tin giảng viên,… và trình bày những hiểu biết của bạn về trường (có tiện ích gì cho sinh viên theo học, cơ sở vật chất, chế độ học bổng,…)
Với những câu hỏi này, bạn nên trả lời chi tiết nhưng tập trung vào trọng tâm với những lý do tương xứng với câu hỏi đầu tiên như trên. Bạn cũng cần phải hiểu rõ các thông tin của trường, thông tin xếp hạng của trường trên bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới…
Tại sao lại chọn ngành học này mà không phải ngành khác?
Bạn nên trình bày rõ ràng kế hoạch tương lai sau khi hoàn thành khóa học. Hãy chuẩn bị câu trả lời thật tốt và làm rõ các vấn đề như: tại sao bạn lại quan tâm đến ngành này? (vì đam mê, sở thích,…), bạn sẽ làm gì với những kiến thức học được ở Anh?, nếu không liên quan đến ngành học trước thì tại sao bạn lại quyết định chuyển ngành?,…
Với lý do chọn ngành, hãy cho người phỏng vấn được biết quá trình bạn tìm hiểu ngành học, thông tin về ngành học tại trường bạn đã chọn… để chứng minh với người phỏng vấn, nhu cầu xin visa du học của bạn là vì mục đích học tập nghiêm túc.
– Khi du học Anh, bạn sẽ sinh sống ở đâu?
Trong quá trình làm hồ sơ xin du học Anh với trung tâm tư vấn và phía đại diện của trường, chắc bạn cũng đã có những kế hoạch cụ thể cho nơi ở của mình lúc mới sang. Do đó, chỉ cần trả lời trung thực với người phỏng vấn là bạn đã có chỗ ở tại Kí túc xá của trường, hoặc đã có phòng ở với bạn, người nhà bên ngoài, chỗ ở homestay…
– Bạn có dự định nhập cư tại Anh sau khi học xong?
Đây cũng là một trong những câu hỏi thường được gặp nhất trong các vòng phỏng vấn, do vậy hãy trả lời thật cẩn thận về các vấn đề liên quan. Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn có sẵn sàng quay trở về sau khi học xong hay không. Bạn nên tham khảo kỹ thông tin về chính sách nhập cư của Anh và trình bày thật cẩn thận và rõ ràng. Nếu muốn ở lại Anh, hãy nêu ra những điều kiện mà bạn đáp ứng đầy đủ theo chính sách nhập cư. Còn nếu không, bạn có thể trình bày về kế hoạch trở về nước của mình.
– Bạn có kế hoạch gì khi học xong?
Người phỏng vấn muốn biết kế hoạch tương lai của bạn, nhưng sâu xa hơn là muốn kiểm tra liệu bạn có nghiêm túc với ngành học mà mình theo đuổi. Bạn nên thể hiện rõ điều này
“Khi học xong ngành kinh tế, tôi sẽ trở về nước, xin vào làm ở một công ty có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và học hỏi kỹ năng thực tế. Tôi muốn mở một công ty riêng nên sẽ tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm. Hiện tôi đang nhắm đến làm việc tại công ty A…”
– Bạn dự tính mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền sau khi tốt nghiệp?
Nếu trước đó bạn đề cập đến việc sẽ quay trở về nước thì câu trả lời tốt nhất nên đưa ra con số theo Việt Nam đồng. Đừng đưa ra một con số không thực tế. Hãy nghiên cứu mức lương của ngành đó tại Việt Nam, mức lương của một số du học sinh về nước và tham khảo số tiền mà cựu học sinh trường đại học đó kiếm được và đưa ra con số chính xác dựa trên những số liệu này.
– Người tài trợ cho việc học của bạn là ai? Họ sẽ tài trợ bao nhiêu?
Họ muốn kiểm tra và xác minh nguồn tài trợ của bạn, vì vậy bạn nên cung cấp đầy đủ thông tin và khớp với những gì bạn đã chuẩn bị trong hồ sơ. Nếu có giấy chứng minh tài chính thì tốt hơn nên mang theo. Còn nếu bạn được học bổng thì cũng nên xin giấy xác nhận mức học bổng từ tổ chức đó để chứng minh cho người phỏng vấn. Còn nếu bạn du học tự túc, bạn hãy trình bày rõ chức vụ của ba (mẹ) trong cơ quan làm việc, thu nhập hàng tháng, tài khoản ngân hàng,…
– Bạn có người thân nào ở Anh không?
Hãy trung thực và khôn khéo khi gặp câu hỏi này. Nếu bạn có người thân ở Anh nhưng khá xa nơi bạn theo học hoặc họ hàng xa, có thể không cần đề cập nhiều về họ. Nếu bạn có họ hàng lưu trú bất hợp pháp hay quá hạn visa ở Anh thì đây sẽ là một bất lợi.
– Triển vọng nghề nghiệp của bạn?
Bạn nên trả lời câu này một cách rõ ràng và nhấn mạnh ngành học này có vị thế như thế nào ở Việt Nam.
“Tôi chắc chắn rằng với nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh của Việt Nam (có thể đưa ra số liệu phát triển cụ thể), cơ hội sẽ rộng mở cho tôi phát triển công ty của mình. Những kiến thức tôi học được ở Anh chính là chìa khóa cho tôi thành lập và mở rộng công ty và có thể trong tương lai sẽ giúp tôi liên kết với các công ty khác ở Anh hoặc của nước khác”.
3. Các lưu ý khi phỏng vấn visa du học Anh
Thứ nhất, hãy chuẩn bị một bộ hồ đầy đủ theo yêu cầu của đại sứ quán, phù hợp với từng hoàn cảnh và khoá học của các bạn.
Thứ hai, như đã nói ở trên, coi cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện, vậy đầu tiên bạn nên cho họ thấy là bạn sẽ có một cuộc nói chuyện hấp dẫn đấy bằng cái vẻ bề ngoài của mình. Ý tôi không phải nói chỉ những bạn xinh đẹp hay các hot girl, hot boy mới xin được visa, mà hãy quan tâm đến vẻ bề ngoài một chút: đầu tóc gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ đủ lịch sự mà không cần formal quá. Bí quyết là hãy mỉm cười và cho họ thấy mình là người thân thiện với một vài câu hỏi hay.
Thứ ba, có một sai lầm cho các bạn du học sinh là khi có những câu hỏi phủ định: Tiếng anh của bạn chưa đủ tốt thế này làm sao học được tại Anh? Đừng cuống. Hãy nói với họ rằng, tiếng Anh của tôi chưa đủ tốt, vì vậy tôi mới đăng ký khoá học tiếng Anh ngắn hạn trước khoá học chính khoá, với môi trường học tốt như vậy cùng với sự chăm chỉ, cầu tiến của tôi, chắc chắn tôi sẽ đáp ứng tốt khoá học của mình.
Thứ tư, nếu không nghe rõ bạn nên hỏi lại. Đừng ngại hỏi, vì chỉ có như vậy bạn mới trả lời đúng câu hỏi.
Thứ năm, nội dung cuộc nói chuyện đương nhiên sẽ do người phỏng vấn định đoạt, mới đầu sẽ là như thế, và đôi khi nên tự cho mình trở thành người phỏng vấn nhưng sau đó thì chưa chắc, nếu bạn có thể chuyển hướng chủ đề thì bạn chắc chắn có visa 100%.
Cuối cùng, điều gây trở ngại lớn nhất cho các bạn xin visa chính là sự nghi ngờ của nhân viên phỏng vấn đối với việc bạn sang đó có du học thực sự không, có trở về Việt Nam không. Hãy xây dựng một chương trình học tập và làm việc chặt chẽ và logic, hãy cho họ thấy rằng đất nước của bạn tốt thật, đẹp thật và giầu thất đấy, nhưng tôi sẽ trở về Việt Nam, với những lý do hết sức thuyết phục của mình.
Thái Hải (SSDH) – Theo MegaStudy