‘Tự bơi’ khi du học

0

Sẵn sàng du học – “Du học vất vả, nhưng là 
sự vất vả đáng giá, giúp mình tự lập rất nhiều và trải nghiệm tất cả các yếu tố của một xã hội thu nhỏ”, cựu du học sinh chia sẻ.

Student visa tier 4 chỉ cho phép bạn làm 20 tiếng/tuần-SSDH

Student visa tier 4 chỉ cho phép bạn làm 20 tiếng/tuần-SSDH

Nguyễn Thái Mai Hoa (cử nhân kinh tế ĐH Quốc gia Singapore – NUS) và Lê Phú Quang (học THPT ở Trường Liverpool Boys tại TP Sydney (Úc) và cử nhân kinh tế ĐH Aston, Vương quốc Anh) đều là du học sinh đã về nước làm việc.

Với hai bạn, du học giúp trưởng thành không chỉ từ sách vở mà còn từ chính những khác biệt văn hóa.

Bài học từ cái đĩa rơi

Bước qua những bỡ ngỡ ban đầu khi rời xa gia đình, Mai Hoa chủ động tìm việc làm thêm ngay từ năm đầu đại học với suy nghĩ: đi làm bồi bàn cũng bình thường như bao nghề khác. Hơn nữa, môi trường làm việc đó cũng mô phỏng môi trường công việc nói chung khi có áp lực, vui buồn.  

Mai Hoa nghĩ làm thêm giúp bạn học cách sống chung, làm việc chung với người khác, học cách giao tiếp, hợp tác, cách giải quyết vấn đề.

Bạn kể: “Tôi nhớ nhất một lần làm ở nhà hàng Âu. Bát đĩa rất nặng và tôi làm rơi đĩa. Trong không gian im lặng đó, một cái đĩa vỡ cứ như một trái bom nổ (hoặc vì mình quá sợ hãi nên cảm tưởng như vậy). 

Anh quản lý rất bình tĩnh, ra phụ tôi nhặt mảnh vỡ, xin lỗi khách hàng và không la mắng gì, chỉ trừ lương tiền cái đĩa. Ngay lúc đó, tôi đã học được suy nghĩ “có làm, có chịu” và nhớ mãi cách xử lý tình huống rất hay của anh quản lý. 

Sau này khi học năm 3 tôi đã nhanh nhẹn hơn, xin được vào làm trong văn phòng của trường, công việc nhẹ nhàng, lương cao hơn. Trong suốt thời gian học, ngoài số tiền 3.000 đôla Singapore bố mẹ cho lúc lên đường, tôi chưa phải xin thêm đồng nào cả”.

Còn Lê Phú Quang là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Xa nhà trước tuổi 18, Quang chọn ở homestay cùng gia đình bản xứ ở Úc. 

Quang cho rằng khó khăn của sinh viên đi du học lớn hơn nhiều so với học sinh các tỉnh khác ở Việt Nam về thành phố lớn trọ học, vì du học sinh phải tự “bơi” trong một ngôn ngữ mới và một nền văn hóa khác hẳn ở quê nhà.

“Đầu tiên, tôi quyết tâm chinh phục thành công tiếng Anh để có thể làm chủ ngôn ngữ này trong học tập, sinh hoạt. Việc trò chuyện nhiều giờ mỗi ngày với gia đình chủ nhà giúp tôi hiểu về văn hóa đất nước mình đang sống, mở rộng những giới hạn về hiểu biết của chính mình. Chính vì vậy, sau này khi sang Anh học tiếp đại học, tôi cảm thấy như trở về “nhà” của mình” – Quang kể.

Vất vả đáng giá

Cả Mai Hoa và Quang đều đã về nước làm việc. Mai Hoa hiện làm quản lý trong một ngân hàng lớn của Anh. Còn Quang sau thời gian làm cho hãng kiểm toán Big 4, hiện đang điều hành một công ty của riêng mình.

Nói về quãng thời gian du học, hai bạn cho rằng đó là trải nghiệm quý giá, giúp mình trưởng thành. Chính quá trình chinh phục những khó khăn ở nước ngoài mà các bạn học được nhiều thứ như kỹ năng quản lý thời gian, quản lý tài chính, xây dựng mối quan hệ… 

“Những bài học còn mãi với mình và có rất ít thứ để mất” – Mai Hoa chia sẻ. Còn Quang cũng cho rằng “du học vất vả nhưng là sự vất vả đáng giá”.

Khi được hỏi có gì hối tiếc không, Quang và Mai Hoa ước rằng giá như họ chủ động chơi với bạn bè bản xứ, quốc tế hơn ngay lúc đầu sẽ học hỏi được nhiều hơn. Bạn bè quốc tế rất cởi mở nhưng do tâm lý ngại ngùng nên Mai Hoa và Quang chưa chủ động kết bạn và giao lưu nhiều lúc ban đầu.

“Nửa năm đầu tôi hoàn toàn không nghe được các bạn Singapore nói gì vì giọng Singlish (tiếng Anh kiểu Singapore – NV) rất khó nghe. Thầy cô nói Singlish, bạn bè nói Singlish. Có lẽ một phần vì vậy mà tôi e ngại, không giao lưu với các bạn Singapore nhiều. 

Tuy nhiên, được “tắm” trong môi trường Singlish nên nửa năm sau tôi đã theo kịp và tự tin hơn. Khi ở Singapore được 4-5 năm, giọng Singlish của tôi gần như là người bản xứ. Thật sự Singlish không quá hay nhưng khi mình dùng giọng của họ nói chuyện sẽ dễ gần với họ hơn” – Mai Hoa chia sẻ thêm.

Giúp bản thân tự lập rất nhiều

“Tôi nghĩ nếu điều kiện cho phép, các bạn nên đi du học. Nếu không có học bổng có thể tìm các khoản cho vay, càng hạn chế lấy tiền trợ cấp của bố mẹ càng tốt.

Đi du học giúp mình tự lập rất nhiều và trải nghiệm tất cả các yếu tố của một xã hội thu nhỏ. Những bài học đó “khá rẻ” so với khi mình lớn hơn và đi làm.

Ngày xưa khi học cấp III, tôi là một “mọt sách” và rất khờ. Nhưng khi quay về tôi cảm nhận mình hiểu cuộc sống nhiều hơn. Khi đi làm tôi hay được nhận xét là có kỹ năng giao tiếp tốt. Tôi nghĩ đó là do mình hiểu các tình huống nhanh nhạy và có các giải pháp phù hợp” – Mai Hoa tâm sự.

Còn Quang nói hiện nay thông tin du học có nhiều và phong phú hơn thời điểm bạn đi du học. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần tìm hiểu thật kỹ ngôi trường sẽ đến để đảm bảo lựa chọn của mình là phù hợp nhất.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply