Sẵn sàng du học – Dù mang trong mình bệnh tim, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng không may qua đời sớm vì căn bệnh hiểm nghèo, nhưng cô giáo Trịnh Thị Thơ vẫn kiên trì bám lớp, bám trường. Cuộc sống nghèo khó khiến nhiều năm qua, cô phải “chung sống” với những cơn đau do căn bệnh hành hạ…
Đối với nhiều đồng nghiệp công tác trong ngành giáo dục ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) không còn xa lạ với trường hợp cô giáo Trịnh Thị Thơ (SN 1972), là giáo viên công tác tại điểm trường Khu Giàng, thuộc trường Tiểu học Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê Yên Định (Thanh Hóa), năm 1995, cô Thơ lên công tác và lập gia đình rồi gắn bó với mảnh đất Lang Chánh hơn 20 năm qua. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Thanh Hóa, cô Thơ tình nguyện lên dạy học ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Nơi cô công tác là một xã miền núi, những ngày đầu lên với mảnh đất này, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, gian khổ. Ngày đó, cô Thơ phải đi bộ 5km đường rừng từ trường chính ở trung tâm xã đến dạy học tại khu lẻ Năng Cát, xã Trí Nang.
Sau nhiều năm gắn bó với điểm lẻ Năng Cát, năm 2008, cô được điều chuyển về điểm lẻ Khu Giàng, cũng thuộc trường Tiểu học Trí Nang. Đến năm 2010, sau khi thấy người mệt mỏi, cô Thơ đi khám và phát hiện mình bị mắc căn bệnh hẹp, hở van tim.
Mặc dù lúc đó, bác sĩ khuyên cô nên sớm phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao và có thể đảm bảo cho sức khỏe về sau. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chồng lại đau ốm, con cái còn nhỏ, nên cô Thơ chỉ chưa dám nghĩ đến chuyện phẫu thuật mà chỉ lấy thuốc về uống.
Suốt 17 năm qua, dù mang bệnh trong người, nhưng cô Thơ vẫn luôn cố gắng, nỗ lực để đến lớp với học trò. “Khoảng tháng 9/2015, gia đình thu hoạch 3 héc ta cây keo, bán được hơn 100 triệu đồng. Lúc đó, gia đình định dùng số tiền này để đưa tôi đi phẫu thuật tim, nhưng rồi chồng lại bị bệnh ung thư phổi. Thế là, toàn bộ số tiền dành dụm, cùng tài sản trong nhà phải dồn lại để lo cho anh ấy”, cô Thơ nhớ lại.
Đến, tháng 5/2017, chồng cô không may qua đời sau một thời gian dài chạy chữa. Chồng ra đi, để lại cho cô hai người con, cháu đầu năm nay đã 22 tuổi, đang theo học nghề, con út 11 tuổi đang học cấp 2.
Chồng mất sớm, bản thân lại mang bệnh tật, nhưng hàng ngày, cô Thơ vẫn luôn cố gắng đến lớp. Trong khi đó, anh em bên nội bên ngoại đều ở quê, cô chỉ còn biết nghĩ đến việc đi làm để có thu nhập và uống thuốc đều đặn rồi lên lớp bình thường.
“50 ngày chồng, tôi không về lo cho anh ấy được vì phải nằm viện. Còn sức khỏe thì tôi còn đi dạy. Các con còn nhỏ, chưa làm ra được gì để nuôi sống bản thân nên mình phải cố gắng thôi. Được cái, ở trường, các đồng nghiệp biết hoàn cảnh nên cũng giúp đỡ, hỗ trợ nhiều”.
Theo bác sĩ cho biết, kinh phí để phẫu thuật đối với cô khoảng 200 triệu đồng. Trong khi, vừa qua, cô đã quyết định đi mổ, nhưng vì nhịp tim thấp nên chưa thể mổ được, lại phải đặt máy hỗ trợ nhịp tim hết gần 100 triệu đồng. Sau 17 năm “chung sống” với căn bệnh tim, mới đây, cô Thơ đã được phẫu thuật thành công và trở về nhà điều trị.
Thầy Phạm Văn Thiếp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trí Nang, chia sẻ: Cô Thơ về trường giảng dạy từ năm 2001. Dù hoàn cảnh gia đình có chồng mất sớm và bản thân mang bệnh, nhưng cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về phía nhà trường luôn động viên tinh thần và hỗ trợ bằng cách quyên góp mỗi khi cô phải đi viện. Đồng thời, nhà trường cũng đã báo cáo hoàn cảnh cô Thơ về Liên đoàn lao động huyện để hỗ trợ cô trong những dịp lễ tết và báo cáo cấp trên để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cô trong công việc.
“Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ thấy cuộc đời mình khổ quá, muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến các con và còn muốn được cống hiến cho ngành nên phải cố gắng vượt qua. Giờ đây, chỉ mong sao có sức khỏe, để chăm sóc các con khôn lớn và tiếp tục được đứng trên bục giảng với các em học sinh”, cô Thơ chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Thư – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, cho biết: Cô Thơ là một trường hợp giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ngành. Bản thân cô mang trong mình căn bệnh tim, nhưng cô vẫn luôn có trách nhiệm cao với công việc, thương yêu học trò hết mực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Chúng tôi rất vui khi mới đây, cô Thơ đã được phẫu thuật căn bệnh và mong cô sớm hồi phục sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục.
Cá Domino (SSDH) – Theo dantri.com.vn