Thư người xa xứ: Làm điều dưỡng ở Nhật

0

Sẵn sàng du học – Những ngày qua tuyết rơi trắng xóa trên đường phố Tokyo mẹ ạ, 3 năm ở Nhật, đây là lần đầu tiên con thấy tuyết rơi. Trên đường phố những chiếc xe ô tô ngập trong tuyết và bị bỏ lại giữa đường, những chuyến tàu dừng chạy và mọi người mắc kẹt ở sân bay vì hơn 250 chuyến bay quốc tế bị hủy… nhưng mẹ biết không, người Nhật không bị những rắc rối đó làm phiền lòng.

Typing on Laptop

Typing on Laptop

Đặc biệt, nhiều người còn lạc quan bảo, nhờ hiện tượng thiên nhiên này mà chúng tôi được trở về tuổi thơ với những người tuyết vô cùng sinh động và đẹp mắt. Nhật Bản vốn là xứ xở của các loài động vật đáng yêu nên dịp này, nhiều người có cơ hội tạo ra những tác phẩm vô cùng tuyệt vời.

Mẹ biết không, mùa đông ở Nhật Bản kéo dài từ đầu tháng 12 cho tới hết tháng 2 dương lịch. Đây là mùa lạnh nhất trong năm ở xứ xở mặt trời mọc, tuyết rơi trắng đường, tuy nhiên khí hậu lại tương đối nhẹ và khô nên cũng rất dễ chịu. Tranh thủ tuyết rơi, hôm qua  sau giờ làm con đã kịp ghi lại những bức hình để gửi về cho gia đình. 

Hôm qua, phòng con có thêm một người bạn, bạn cũng sang đây để làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở vùng Miyakonojo, Miyazaki. Ở đây, cứ có thêm bạn là thấy ấm áp mẹ ạ. Những ngày này ở quê, chắc mẹ đã chuẩn bị Tết được nhiều rồi nhỉ? Thú thật con dám gọi điện về vì sợ nghe mẹ tả không khí chuẩn bị Tết, con lại khóc vì nhớ…

Hôm trước, mẹ có hỏi con có hai chị muốn xin sang đây làm điều dưỡng, thì con phải chia sẻ thế này, làm việc ở Nhật Bản không dễ dàng như tại các nước sử dụng tiếng Anh.

Với mức lương của một điều dưỡng viên gần 60 triệu đồng/tháng, con  đã phải sống rất tiết kiệm, hạn chế những chuyến du lịch, vui chơi, thậm chí ở chung phòng trọ mới dành ra được mỗi tháng 20 triệu đồng gửi về quê để mẹ trả nợ và lo cho các em. 

Nhưng mẹ biết không để đạt được mức lương đó không hề đơn giản, đặc biệt là kỳ sát hạch tiếng Nhật. Ứng viên phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tại Nhật Bản.

Sau đó,  phải trải qua các kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý, và có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3 (chưa kể chi phí, thời gian xét hồ sơ và đào tạo ở Việt Nam). Ngoài ra, môi trường làm việc khá khắc nghiệt,  thường không có nhiều thời gian chết trong quá trình làm việc.

Khó khăn là vậy nhưng nếu bắt nhịp được với cuộc sống mới thì nhiều người lại cảm thấy học hỏi được rất nhiều từ tác phong làm việc của người Nhật, đặc biệt là lớp trẻ. Chả thế mà con gái mẹ đã trưởng thành rất nhiều. Giờ thì con tự hào có thể sống, làm việc độc lập cũng như có rất nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cho những người đồng hương mới sang.

Nhớ mẹ rất nhiều!

Con gái

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Người đưa tin

Share.

Leave A Reply