Sẵn sàng du học – Có nên dùng những từ ngữ 'đao to búa lớn' trong bài thi nói IELTS? Thầy Chris Pell của British Council sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về điều không nên làm khi thi IELTS Speaking.
1. Đừng học thuộc câu trả lời
Nhiều người nghĩ cách tốt nhất để đạt điểm cao khi đi thi IELTS Speaking là học thuộc câu trả lời mẫu và dùng ngay vào bài thi.
Đây là một ý tưởng rất tệ vì giám khảo rất dễ phát hiện ra những câu trả lời theo kiểu học thuộc đáp án mẫu.
Bạn sẽ không chỉ bị mất điểm mà giám khảo còn có thể hỏi bạn những câu hỏi khó hơn để có thể kiểm tra trình độ tiếng Anh thực của bạn.
2. Đừng bận tâm giám khảo đồng ý quan điểm của mình hay không
Một số bạn cho rằng mình chỉ có thể đạt điểm cao trong bài thi nói nếu giám khảo đồng ý với quan điểm của mình. Đây là suy nghĩ sai lầm.
Giám khảo thực sự không bận tâm quan điểm của bạn là gì. Họ chỉ muốn bạn cho họ thấy kỹ năng nói tiếng Anh của bạn thôi.
Bạn chỉ cần tập trung đáp lại các câu hỏi một cách trôi chảy và đúng ngữ pháp.
3. Đừng chèn quá nhiều từ ngữ 'đao to búa lớn'
Một quan niệm sai lầm phổ biến là chúng ta phải dùng những từ thật dài, thật 'phức tạp' trong tất cả các câu để đạt điểm cao ở bài thi nói.
Nếu bạn nghe cách người bản ngữ nói chuyện, bạn sẽ thấy họ không bao giờ nói như vậy, trừ khi bạn nghe ở một buổi hội thảo tầm cỡ của các giáo sư.
Bạn nên cho giám khảo thấy được rằng mình có vốn từ vựng phong phú, nhưng đừng cố dùng những từ mà bạn không thực sự hiểu hết nghĩa của chúng.
Nếu bạn dùng những từ ngữ quá phức tạp khi bản thân chưa hiểu rõ nghĩa của nó, bạn sẽ dễ mắc lỗi và mất điểm.
Hãy áp dụng quy tắc 100%: Nếu bạn không chắc chắn 100% về nghĩa hay dạng của một từ thì đừng sử dụng trong bài thi!
4. Đừng cố khoe khoang ngữ pháp
Cũng như ý trên, nhiều thí sinh cảm thấy phải 'thể hiện' cho giám khảo thấy mình giỏi ngữ pháp như thế nào để đạt điểm cao.
Điều nguy hiểm ở đây là bạn cố dùng những cấu trúc ngữ pháp phức tạp mà bản thân có thể không chắc chắn 100% nên không sử dụng chính xác.
Sẽ chẳng ai thêm điểm cho bạn chỉ vì bạn dùng thì tương lai hoàn thành tiếp diễn nếu không thích hợp với ngữ cảnh.
Hãy dùng những thì bạn thường dùng, tạo cho mình thói quen sử dụng các cấu trúc để đưa ra ý kiến, phản biện, nhấn mạnh,…
5. Đừng im lặng không trả lời
Lời khuyên có vẻ hiển nhiên – nhưng rất nhiều thí sinh lựa chọn giữ im lặng thay vì cố gắng trả lời câu hỏi.
Bạn nên cố gắng trả lời chứ đừng im lặng không nói gì hay vì không biết câu trả lời.
Trong bài thi nói IELTS, giám khảo không trộng đợi bạn đưa ra một câu trả lời hoàn hảo hay có kiến thức sâu rộng trong mọi lĩnh vực khác nhau.
Yếu tố chính là bạn thể hiện được kỹ năng nói của mình. Nếu không biết câu trả lời, bạn có thể nói gì đó như ‘I don’t have much knowledge of this subject, but I think…’ (Em không biết nhiều về chủ đề này lắm nhưng em nghĩ…) hoặc ‘I'm not really sure, but if I had to say….’ (Em không chắc lắm, nhưng theo em thì…) và cố gắng đưa ra một câu trả lời dựa theo quan điểm của bạn.
6. Đừng coi trọng ngữ pháp hơn lưu loát
Giám khảo chấm thi nói có các điểm riêng cho mức độ chuẩn về ngữ pháp và mức độ trôi chảy.
Thí sinh Châu Á thường lo lắng vấn đề ngữ pháp hơn trôi chảy và rồi khi đi thi lại bị mất điểm nhiều ở mức độ trôi chảy. Còn học sinh châu Âu thì ngược lại.
Hãy hỏi giáo viên để nhận lời khuyên về việc cải thiện ngữ pháp hay độ trôi chảy. Bạn có thể tập trung cải thiện dần từng yếu tố.
7. Đừng bận tâm về giọng
Nhiều học sinh quá bận tâm đến chuyện giọng nói của mình nghe kiểu Anh hay kiểu Mỹ.
Thực tế, giọng không phải là vấn đề quan trọng trong bài thi nói, miễn là nó không ảnh hưởng khả năng giao tiếp của bạn.
8. Đừng quá lo lắng
Lo lắng là trạng thái tự nhiên chúng ta thường có trước mỗi kỳ thi, nhưng sự lo lắng có thể khiến bạn mất điểm.
Có những bạn thường nói quá nhỏ khi lo lắng và do đó giám khảo khó hiểu được bạn nói gì. Có những bạn chỉ lí nhí trong miệng vì lo lắng.
Lời khuyên cho các bạn là hãy chuẩn bị chu đáo mọi thứ, bạn sẽ có thể cảm thấy tự tin hơn.
9. Đừng đến muộn
Bạn phải chắc chắn mình đến địa điểm thi kịp giờ và tìm được nơi mình sẽ thi nói.
Đến địa điểm thi sớm, bạn sẽ thoải mái hơn và tập trung hơn trong khi thi.
Đừng ngại hỏi các nhân viên nếu bạn có thắc mắc gì, họ sẽ sẵn sàng giải đáp.
10. Đừng phụ thuộc vào giám khảo
Có những thí sinh cho rằng giám khảo chấm thi nói sẽ nhắc nhở nếu bạn nói quá nhiều hoặc quá ít, nói không đủ to hay trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi.
Giám khảo không có nghĩa vụ làm những điêu trên, họ có thể sẽ để kệ bạn mắc lỗi mà không nhắc nhở gì.
Hãy kiểm soát phần nói của chính mình và đừng tìm sự trợ giúp hay gợi ý từ phía giám khảo.
Thái Hải (SSDH) – Theo Gia Đình Mới