Sẵn sàng du học – Không được nghỉ vì vướng bận lịch học, lịch làm, nhiều du học sinh Việt phải đón giao thừa, đón Tết ngay trên lớp học hoặc ở chỗ làm.
Điều háo hức, ý nghĩa nhất ngày Tết chính là được sum vầy cùng gia đình, cùng nhau ăn một bữa cơm Tất niên, cùng nhau xem Táo quân và chờ đón giây phút giao thừa, chào mừng một năm mới an lành, hạnh phúc.
Nhưng với nhiều bạn trẻ đang học tập và sinh sống xa Việt Nam, lịch học, lịch làm dày đặc vào những ngày này khiến cho việc đón Tết trở thành một điều gì đó rất khó khăn. Tưởng tượng ra cảnh phải đón giao thừa trên lớp học, hay chỗ làm, ngồi 1 mình trước màn hình laptop, ăn một chiếc sandwich, gói mì tôm qua loa cho xong bữa bạn sẽ hiểu được sự tủi thân, cô đơn của họ.
Trần Xuân Anh, du học sinh tại University Of Sunderland, Anh chia sẻ: "3 năm rồi không được ăn tết ở nhà – mỗi khi cận Tết đến là mình chỉ muốn gọi điện về nhà xem mọi người chuẩn bị Tết ra sao. Cuộc sống giáp Tết năm nay và năm xưa khi mình ở nhà có gì thay đổi.
Năm nay ngày 30 và mồng 1 Tết mình đều phải đến trường đến tận gần 6h chiều mới về. Ngày mồng 1 còn có một bài thuyết trình nên xem ra năm nay không có Tết rồi.
Mình nhớ nhất cảm giác cận Tết đưa mẹ đi chợ xuân, mua đồ đạc sắm tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng. Mình tự nhủ năm sau nhất định phải về vào dịp Tết đoàn viên, dù chỉ là 10 ngày thôi.
Biết con cái đón cái tết xa nhà buồn, tủi thân, bố mẹ mình cũng chăm gọi điện để động viên cũng như chia sẻ niềm vui đón năm mới của gia đình. Bên cạnh đó cùng những người bạn tại Việt Nam cũng đã gửi cho mình quà Tết sang tận London."
Phạm Anh Dũng, sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại Warsaw university of life sciences, Ba Lan ngày mùng 1 Tết năm nay vẫn phải đi làm như ngày thường: "Chắc sẽ khó tập trung làm việc lắm khi trong đầu mình chỉ có toàn những hình ảnh của Tết, hoa đào rực rỡ, bánh chưng xanh, những bao lì xì đỏ. So với các bạn du học sinh ở nơi khác thì mình cũng khá là may mắn vì ở Ba Lan có rất nhiều người Việt sinh sống. Mặc dù nhớ nhà nhưng có bạn bè cùng chia sẻ nỗi niềm nên mình cũng cảm thấy ấm áp hơn nhiều."
Nguyễn Mạnh Hiếu sinh viên khoa dự bị trường ĐH quốc gia Astrakhan, liên bang Nga cũng chịu cảnh phải đi học vào ngày mồng 1 Tết: "Đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của mình. Lần đầu tiên xa vòng tay bố mẹ, cùng các bạn, các anh chị chuẩn bị 1 cái Tết nơi xứ người. Mọi người cũng đã cố gắng kiếm cành cây khô về làm hoa đào, gói bánh chưng… cho có không khí. Sáng mùng 1 Tết ở nhà rồi nhưng theo lịch bọn mình vẫn phải đến lớp học bình thường. Cảm giác nhớ nhà, nhớ cái Tết cùng gia đình nhiều lắm, nhớ nồi thịt bò kho của mẹ… Ước lại được trở về đón Tết cùng gia đình như mọi năm."
Dưới đây là những chia sẻ vô cùng cảm động của bạn Vũ Thanh Huyền, du học sinh trường tiếng Nhật tại Chiba, Nhật Bản khi ngày 30, mồng 1 Tết phải đến trường đi thi:
"23h đêm. Đeo tai nghe, đi bộ chầm chậm về nhà sau khi kết thúc ca làm. Nhịp sống ở Nhật vẫn diễn ra bình thường như bao ngày. Bản thân mỗi người con Việt Nam đang sống và học tập tại Nhật vẫn ngày ngày cuốn trong guồng quay của chuyện học hành, làm thêm như cuộc sống du học vốn dĩ vẫn vậy. Cho dù có cố gắng giấu đi biết bao tâm tư, bao nỗi buồn tủi và cô đơn thì những kí ức về Tết cổ truyền vẫn ùa về trong vô thức. Tết đã đến thật gần!
Có lẽ đối với mỗi người con xa xứ, điều mà họ sợ nhất là mỗi khi Tết về. Giống như thể cuộc sống xa quê của họ vẫn bình lặng, họ vẫn ngày ngày cố gắng trên con đường họ đang đi, Tết chợt đến khiến mọi suy nghĩ trong họ về cuộc sống thường ngày bỗng đảo lộn.
Đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn mà khi nghĩ về không khí nhộn nhịp giáp Tết ở Việt Nam, nước mắt đã trào ra từ bao giờ. Đến nay, tôi sắp trải qua hai cái Tết xa nhà. Chẳng có niềm háo hức đi sắm đồ trang hoàng nhà cửa, chẳng có niềm hạnh phúc những ngày cuối năm tỉ mỉ gói bánh chưng rồi kiên nhẫn trông nồi bánh chưng, chẳng có nụ cười sung sướng khi tiếng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời lúc đón giao thừa cùng đứa em gái, ánh mắt lấp lánh cùng tiếng cười giòn tan hoà cùng tiếng pháo hoa khiến con tim vui phơi phới,… tất cả đã trở thành kí ức của Tết những năm trước.
Những kí ức đẹp đẽ và ấm áp tình cảm gia đình. Sống trong những kỉ niệm quá đỗi ngọt ngào nhưng tôi cũng nhanh chóng quay trở lại với thực tại. Ngày mai và ngày kia, đúng 30 và mùng 1 Tết tôi có rất nhiều bài kiểm tra ở trường. Khi giáo viên thông báo sắp có bài kiểm tra lớn, mặt cả lũ ngắn tũn lại. Người Nhật, đâu thể hiểu được nỗi lòng của những đứa con xa nhà đang nhớ quê đến da diết. Mấy ngày nay đến trường, du học sinh Việt lại nói với nhau về Tết, cố mở những bài nhạc xuân vui tươi, sôi động ngồi hát với nhau để quên đi nỗi nhớ. Nhưng trong lòng vốn chẳng vui thì bao nhiêu yếu tố khách quan tác động cũng đâu vui lên được.
Hôm qua, sau khi tan học, tôi cũng ra quán bán đồ Việt Nam mua gà và bánh chưng về ăn cho đỡ thèm thuồng cái hương vị quê hương. Ở Nhật, đồ Việt hầu như chẳng thiếu thứ gì, đồ ăn cho Tết lại càng không thiếu. Thế nhưng, dù trên bàn có rất nhiều đồ ăn, vẫn là bánh chưng xanh nhân thịt ấy, vẫn là gà luộc ấy, nhưng cái cảm giác thưởng thức những món ăn truyền thống ấy ở một nơi không phải quê hương mình, nơi không có gia đình bên cạnh, nơi không được hoà chung không khí náo nức những ngày giáp Tết, niềm vui đã vơi đi hơn một nửa. Càng ăn lại càng nhớ gia đình, nhớ Việt Nam vô cùng!
Trong gần hai năm du học Nhật, đã có biết bao lần ngược xuôi trên phố dài, một mình và nước mắt trực trào như này. Biết bao lần muốn từ bỏ, muốn quay về nơi luôn có những người yêu thương chờ đợi. Thế nhưng, câu chuyện về quê với mỗi người con xa nhà không đơn giản chỉ là mua một chiếc vé, lên máy bay 6 tiếng là đã có thể lao vào vòng tay của gia đình. Câu chuyện đó chứa đựng biết bao nhiêu là lo toan, là khó khăn, là những dự định đang chất chồng…
Vội vàng lau nước mắt như những lần trước, lại cố giấu đi nỗi nhớ quê, lại tự dặn lòng phải mạnh mẽ và bước tiếp, bước về nhà thật nhanh vì… ngày mai có vài bài kiểm tra đang đợi ở trường."
Thái Hải (SSDH) – Theo TTVN