Du học và quyết định về hay ở?

0

Sẵn sàng du học – Du học, rồi trở về hay ở lại, đó là một quyết định cá nhân; một quyết định mà phương trình có nhiều tham số trong đó lòng yêu nước chỉ là một. Nhưng nếu hỏi một du học sinh Việt chọn cách ở lại rằng họ có yêu nước không, nhiều phần chắc chắn là có.

Thế giới rộng mở hơn với Ly, khi cô tự đi du học

Thế giới rộng mở hơn với Ly, khi cô tự đi du học

Họ, cũng như nhiều người Việt khác, đều mong mỏi đất nước ngày càng phát triển, để có cái mà tự hào khi giới thiệu với chúng bạn nước ngoài tôi là người Việt, và để mỗi lần đi ngang những cửa khẩu hải quan cầm trên tay cuốn hộ chiếu Việt Nam không còn bị hải quan nước ngoài soi mói, vặn vẹo đi đâu và làm gì. Họ, những du học sinh Việt chọn cách ở lại, đều đặn liên lạc với gia đình và bà con, gửi tiền và quà về chăm sóc bố mẹ, người thân. Và nếu định nghĩa rằng tình yêu nước giản đơn là tình yêu quê hương, chòm xóm, yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, thì hẳn những du học sinh chọn cách ở lại có tình yêu quê hương không kém gì những bạn chọn cách quay về.

Có một câu hỏi lớn hơn là làm sao đất nước tận dụng được năng lực của những du học sinh cho công cuộc phát triển đất nước, thay vì phán xét ở hành động ở hay về của họ. Tôi muốn kể bạn vài câu chuyện.

Câu chuyện về sự thành công của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc. Cho đến cuối những năm 70s của thế kỉ trước, các công ty điện tử của Hàn Quốc đa phần chỉ là những công ty lắp ráp hợp tác với vài công ty của Nhật. Một ví dụ là ở ngành sản xuất ti-vi màu bắt đầu từ năm 1974. Nó lúc đầu là hợp tác giữa công ty Matsushita Electric Co., Ltd và một công ty địa phương, theo sau đó là Samsung Electronics Co, Ltd, Goldstar Co., Ltd, và Taihan Electric Wire Co.,Ltd. Sau khi Matsushita tham gia vào Hàn Quốc thì Sony nối gót theo sau. Lúc đầu, các sản phẩm sản xuất chỉ dành để xuất khẩu, vì cho đến lúc đó Hàn Quốc vẫn chưa có hệ thống truyền hình ti-vi màu nên thị trường trong nước là con số không.

Đến cuối năm 1978 khi thị trường xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp này nhanh chóng chuyển sang thị trường trong nước nơi mà truyền hình ti-vi màu bắt đầu hoạt động. Tuy vậy, thị trường ti-vi màu cũng nhanh chóng bão hòa, khiến các doanh nghiệp điện tử phải tìm một chiến lược phát triển khác. Tình thế khó khăn khiến cả Matsushita và Sony quyết định rút khỏi thị trường Hàn Quốc.

Lúc này Samsung quyết định đầu tư vào thị trường công nghệ vi xử lý. Ban đầu Samsung định đấu giá mua bản quyền sản xuất công nghệ bộ nhớ động 64K-DRAM. Đấu giá thất bại khiến Samsung thực hiện một chiến lược tham vọng hơn nhằm phát triển riêng công nghệ VLSI cho chính mình, và quá trình được thực hiện ở Mỹ nhờ phần lớn vào các kỹ sư gốc Hàn ở đây. Samsung cho thành lập một phòng thí nghiệm ở thung lũng Silicon, Mỹ đặc trách việc nghiên cứu công nghệ này, và các kỹ sư gốc Hàn tốt nghiệp ở Mỹ đóng vai trò là cầu nối chuyển giao công nghệ từ trung tâm nghiên cứu ở California về Hàn Quốc. Chỉ mất 10 năm để ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc lột xác từ một ngành công nghiệp chuyên lắp ráp thành đứng đầu trong công nghệ DRAM. Công đó tùy thuộc rất lớn vào các kỹ sư gốc Hàn đang làm việc ở các trung tâm nghiên cứu ở Mỹ.

Những ngày ở Mỹ, gặp những bạn người Hàn Quốc đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ, hỏi bạn có định về Hàn Quốc không, bạn bảo chưa biết nữa. Tôi nghe, nghĩ nhiều đến câu chuyện trên đây, và hiểu ra tại sao các công ty công nghệ của họ nắm bắt thị trường năng động vậy, nếu chẳng nhờ một phần lớn ở các kỹ sư gốc Hàn ở đây.

Hai câu chuyện tiếp theo tôi muốn kể là ở Bắc Âu, nơi tôi học.

Những bạn học kinh tế vĩ mô tính toán (quantitative macroeconomics) hay thị trường không hoàn hảo (incomplete market) sẽ phải học qua mô hình Krusell-Smith; bài báo xuất bản năm 1998 trên tạp chí hàng đầu Journal of Political Economy. Per Krusell người Thụy Điển, tốt nghiệp tiến sỹ kinh tế ở Đại học Minnesota năm 1992, sau đó làm giáo sư cho các đại học ở Mỹ. Cho đến trước khi về lại Stockholm, Thụy Điển năm 2008 nhận chức giáo sư cho Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới (Institute for International Economic Studies — IIES) thuộc đại học Stockholm thì ông là giáo sư (full professor) của Đại học Princeton. Sự góp mặt của ông cùng hợp tác của các giáo sư khác biến IIES trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu kinh tế hàng đầu châu Âu. Nói thêm, một tỷ lệ lớn các giáo sư trẻ mới gia nhập IIES là gốc Đức.

Một ví dụ khác là một người thầy của tôi, giáo sư kinh tế Kjetil Storesletten ở Đại học Oslo. Kjetil Storesletten người Nauy, lấy bằng tiến sỹ kinh tế ở đại học Carnegie Mellon, Mỹ năm 1995. Sau đó ông bôn ba, làm giáo sư ở Viện nghiên cứu kinh tế IIES Stockholm, về lại Oslo làm giáo sư cho Đại học Oslo, tiếp theo đó ông qua lại Mỹ làm cố vấn chính sách tiền tệ (monetary advisor) ở Ngân hàng trung ương Mỹ Minneapolis (Fed Minneapolis) đến năm 2012 thì trở về lại Oslo làm giáo sư và là một trong các thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nauy. Sự trở về của ông kèm theo một dự án nghiên cứu được tài trợ bởi Ủy ban nghiên cứu châu Âu thông qua đó nhằm xây dựng một trung tâm nghiên cứu kinh tế tính toán ở Oslo. Chỉ trong một thời gian ngắn 3 năm trung tâm đã qui tụ được một lực lượng đáng kể các nghiên cứu viên về kinh tế tính toán, công đó nhờ vào những nỗ lực và mạng lưới làm việc của ông.

Ở trên, nếu hai vị giáo sư về nước sớm, hẳn các ông sẽ khó mà có được một mạng lưới liên kết nghiên cứu tốt cũng như kinh nghiệm nghiên cứu sâu nếu các ông không có cơ hội tương tác trong các môi trường nghiên cứu đỉnh cao.

Ở một góc khác trong cộng đồng Việt Nam, rất nhiều bạn nhận được sự giúp đỡ học bổng và hướng dẫn nghiên cứu của các giáo sư người Việt. Các giáo sư người Việt ở ngoài còn đóng vai trò là cầu nối về mặt học thuật giữa các đại học Việt Nam và thế giới.

Các ví dụ trên chỉ là vài trong vô số các ví dụ để cho thấy có một cộng đồng ở bên ngoài là một điều vô cùng cần thiết cho đất nước, với điều kiện các cơ quan trong nước biết cách giữ một mối quan hệ chặt chẽ. Cộng đồng bên ngoài đóng vai trò là cơ quan cập nhật thông tin và công nghệ khoa học cho đất nước.

Cuối cùng, tôi xin kể một câu chuyện về sự phát triển thành công ngành đầu tư mạo hiểm của Israel như là một trong rất nhiều câu chuyện thành công của họ nhờ ở cộng đồng Do Thái ở nước ngoài.

Những năm đầu sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, một lượng lớn dân Do Thái từ các nước thuộc Liên Bang Xô-viết đổ về Israel. Trong vòng 3 năm tổng số người nhập cư khoảng một triệu người, chiếm 20% dân số Israel. Trình độ dân nhập cư rất cao với 40% có bằng đại học trở lên. Để giải quyết công ăn việc làm cho những người này, chính quyền Israel khuyến khích họ lập những công ty khởi nghiệp. Vấn đề còn lại duy nhất là vốn. Lúc đầu chính quyền Israel chọn chính sách cho vay trực tiếp. Nhưng chính sách này sau đó nhanh chóng thất bại. Các công ty sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt nhưng thất bại ở khâu tài chính và phân phối, hàng làm ra bán không được. Chính sách thất bại khiến chính quyền Israel nghĩ sang thử nghiệm một hướng khác và lần này thành công.

Lần này chính quyền Israel định hướng lập ra một thị trường đầu tư tài chính mạo hiểm. Trước hết họ lập ra một công ty đầu tư trị giá 100 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ gọi là Yozma Venture Capital (YVC). Yozma trong tiếng Hebrew nghĩa là “khởi đầu”. Cùng với các đối tác chiến lược họ lập ra 10 quỹ, ở mỗi quỹ YVC bỏ ra 8 triệu đô, một tỉ lệ thiểu số so với đối tác, sau đó đầu tư trực tiếp vào 15 công ty. Điều kiện giao kèo là sau 5 năm, các đối tác chiến lược được phép mua lại hết cổ phần của YVC với các điều kiện định trước, thường là mức vốn ban đầu với một mức lãi suất cố định thấp. Việc lựa chọn các đối tác chiến lược trở nên dễ dàng hơn nhờ chính quyền tận dụng được các mối quan hệ với cộng đồng Do Thái bên ngoài vốn nổi tiếng ở các hoạt động tài chính.

Kết quả là 8 trong 15 công ty mà YVC đầu tư được đưa lên sàn chứng khoán hoặc được mua lại. 9 trong 10 quỹ các đối tác quyết định mua lại cổ phần của YVC. Kể từ đó ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm của Israel bắt đầu được hình thành và các công ty công nghệ thành công của Israel xuất hiện ngày càng nhiều.

Sự thành công trong chính sách dựng xây nên nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm của Israel sau đó được học hỏi và thực hiện ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nam Phi, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Slovakia.

Một câu hỏi cuối cùng đó là làm sao để du học sinh và người Việt ở hải ngoại có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước? Những người quan tâm đến đất nước và cả những nhà cầm quyền hẳn đã biết câu trả lời, vì nó đơn giản là nguyện vọng thiết tha của dân tộc mà rất rất nhiều người góp ý và lên tiếng bằng cách này hay cách khác trong suốt bao nhiêu năm qua: Hãy cho người dân được tự do chọn cho mình người lãnh đạo và người lãnh đạo hãy thực hiện những chính sách vì lợi ích của nhân dân. Chỉ một khi người dân, du học sinh và kiều bào hải ngoại, thấy rằng họ có tiếng nói và họ làm được những thay đổi có ý nghĩa ở quê nhà hẳn họ sẽ trở về hay góp công sức theo cách này hay cách khác nhiều hơn.

Những ngày ly hương dân Do Thái hay nhớ về cố hương và họ chúc tụng nhau rằng “Hẹn gặp ở Jerusalem” để nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó họ có một đất nước để quay về. Tôi cũng muốn ước rằng “Hẹn gặp ở Việt Nam” với những người bạn mong ước nhìn thấy một đất nước Việt Nam tự do cho tất cả mọi người, dù có theo đảng nào.

Theo facebook Nguyễn Huy Vũ

Thái Hải (SSDH) – Theo Trí Thức VN

Share.

Leave A Reply