“The Dreamers”: Sống như một nghệ sĩ thực thụ hay trần trụi với lý tưởng mộng mơ?

0

Sẵn sàng du học – Nếu "La La Land" là bản giao hưởng của những tâm hồn mộng mơ, thì "The Dreamers" (2003) lại bóc tách lối sống trụy lạc và trần trụi của những kẻ lãng mạn mù quáng ngay giữa thời hiện đại.

Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày Những kẻ mộng mơ (Tựa gốc: The Dreamers) ra mắt khán giả, thế nhưng cứ mỗi khi một bộ phim điện ảnh nào đó ra mắt nói về đề tài ước mơ và mộng tưởng, thì bộ phim táo bạo của đạo diễn Bernardo Bertolucci lại được nhắc đến như một phép so sánh điển hình.

Ra đời khi dòng phim nghệ thuật không còn có vị thế chiếm lĩnh trên thị trường, thế nhưng Những kẻ mộng mơ không vì vậy mà bị lép vế. Sau rất nhiều những cảnh nóng điên dại đan cài xuyên suốt cả mạch phim, hình ảnh đọng lại cuối cùng trong tâm trí khán giả hẳn phải là hình ảnh 3 người trẻ, nhân vật chính trong phim, vẫn lao đao trong thế giới nửa thực nửa mê cuộn tròn trong những thước phim cũ kĩ không hồi kết.

Sống trong chiếc hộp của ảo vọng

Từ tựa phim, người xem đã có thể lờ mờ đoán ra được khung cảnh nên thơ mà đạo diễn Bernardo dựng lên cho 3 nhân vật chính. Đó là một Paris ẩm ướt những ngày mưa, là bảo tàng lưu giữ những công trình nghệ thuật cổ điển, là một nước Pháp lãng mạn mà bên trong một căn nhà riêng tư, 3 người trẻ ấy đã lần lượt diễn lại những thước phim kinh điển, làm tình và không ngần ngại làm những trò trụy lạc cùng nhau.

ssdh-the-dreamers

Matthew (Michael Pitt) là một sinh viên Mỹ chuyển tiếp sang Paris học tiếng Pháp. Là một người mê phim ảnh, anh thường xuyên đến Viện tư liệu phim Pháp để xem những bộ phim cũ, ít người xem và kinh điển (Art House). Tại đó anh gặp hai thanh niên Pháp, là hai anh em sinh đôi, Theo (Louis Garrel) và Isabelle (Eva Green), có tư tưởng tự do, lối sống kì lạ và tất nhiên là cùng mê phim ảnh như anh. Họ nhanh chóng thân thiết, họ chia sẻ tình yêu và niềm đam mê trong những cuộc chuyện trò đầy thú vị.

ssdh-the-dreamers1

 

Câu chuyện hầu như chỉ xoay quanh ba người họ, tại một căn hộ ở Paris, nơi mà bố mẹ của Theo và Isabelle đang vắng nhà. Họ thắc mắc tại sao lại ít có các rock band hay ở Pháp, họ tranh luận xem ai hơn ai giữa Chaplin và Keaton, Hendrix và Clapton, họ đóng vai và bắt những người kia đoán về bộ phim họ đang muốn nhắc đến. Họ dẫn nhau chạy ra khỏi hiện thực như cách những nhân vật của Godard chạy xuyên qua bảo tàng Louvre mặc kệ tất cả khách tham quan và bảo vệ trong cảnh phim kéo dài đến hơn 9 phút.

Đôi lúc, người xem có cảm tưởng như những điều họ làm rất… biến thái. Bằng việc thách thức và chơi những trò chơi, người thua phải chịu hình phạt mang đầy dục tính từ người còn lại. Ba thanh niên trẻ – hai Pháp và một cậu trai Mỹ yêu văn hóa Pháp – đã đắm chìm vào dục vọng như vậy. Dường như ranh giới của giới tính, của luân thường đạo lý trong phút chốc biến thành một sợi chỉ mỏng manh và đứt làm đôi một cách dứt khoát.

ssdh-the-dreamers2

 

Cuộc sống của họ như không hề có bất kì âm hưởng hiện thực nào khác, ngoài chút phảng phất hiện thực khách quan đại diện bằng bức tượng bán thân của Mao Trạch Đông, bằng cuộc tranh luận về chiến tranh Việt Nam với bố của Theo trong bữa ăn đầu tiên Matthew đến nhà họ và bằng những âm thanh ồn ào ngoài đường phố đôi khi vọng vào vô thưởng vô phạt. Họ hoàn toàn sống ở thế giới khác, một thế giới xưa cũ được dựng lên bằng những thước phim điện ảnh, từ Hollywood đến Pháp. Thế giới của họ gói gọn trong tâm trí bằng những hình ảnh đại diện nền điện ảnh và bốn bức tường với những tấm séc bố mẹ cho để sống.

Theo và Isabelle thuần khiết và trong sáng, như hai đứa trẻ chưa chịu lớn, chưa sẵn sàng đối diện với thực tại, chúng nhập tâm những gì chúng xem qua phim ảnh hoặc đọc qua sách vở mà không hiểu được thực tế là gì. Chúng không hiểu những trò chơi của chúng về tình dục, về giới tính ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm và có dáng dấp đầy biến thái. Xem được hơn phân nửa bộ phim, người xem sẽ cảm tưởng như ba người họ cứ thế mà yêu, mà sống trong những bộ phim, thách thức, làm tình rồi cứ thế mà… chết. Isabelle đã có một kế hoạch tự sát thật tuyệt vời và… thi vị như trong những thước phim kinh điển, nhưng thực tế ngoài đời đâu phải lúc nào cũng rực rỡ như trên những bộ phim.

ssdh-the-dreamers3

 

Cuối cùng, đạo diễn chính là người đã quyết định đánh thức họ. Bernardo ném viên đá vào cửa sổ để đánh thức họ khỏi cơn mơ, nhưng mơ mộng là điều không chỉ dành cho những cơn say ngủ, nó còn dành cho những người tỉnh thức nhưng thần trí nằm ở thế giới khác không thuộc về thế giới này.

Mạch phim lúc nhanh lúc chậm, lúc quyến rũ ma mị, khi lại nhịp nhàng như bàn tay vỗ về của người con gái. Tính nghệ thuật của phim thể hiện rõ ở những cảnh quay với tông màu trầm ấm, tối tối nhưng vẫn đủ điểm nhấn, theo góc nhìn của chàng trai Matthew. Dường như camera trở thành một vật thể vô hình, lặng lẽ đi theo cuộc sống si mê của ba người trẻ mộng mơ. Đôi lúc, những thước phim đen trắng cắt ghép từ những bộ phim cũ được lồng ghép vào các cảnh quay, tạo nên sự nối kết tuyệt vời giữa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển và đam mê diễn lại phim của Theo, Isabelle và Matthew.

Bộ phim là một chuỗi những hành động đầy ám ảnh. Có người yêu thích bộ phim bởi tính nghệ thuật mà nó mang lại, cũng như những giấc mơ trái chiều, những mộng tưởng rất con người mà ai cũng ít nhất một lần mong muốn được sống tự do như vậy nhưng lại e dè và lùi bước. Nhưng cũng có những người chỉ trích bộ phim bởi sự táo bạo đến mức biến thái, hay việc cổ súy cho lối sống không lành mạnh và giết chết tương lai của những người trẻ chưa chịu trưởng thành.

ssdh-the-dreamers4

Cho đến tận nay, tuy vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều, thế nhưng bộ phim vẫn xứng đáng được xem là một tác phẩm nghệ thuật mà ai cũng nên một lần thưởng thức, để biết những kẻ mộng mơ đã sống và yêu như thế nào.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply