Sẵn sàng du học – Mùa tựu trường đến gần nên ngày ngày lên group đều thấy hằng hà sa số câu hỏi của các em học sinh hỏi về vấn đề du học, đặc biệt là du học ở Hà Lan.
Cá nhân mình cũng nhận được vô số câu hỏi về việc đi học ở bên này như nào, tiền học phí ra sao, đi lại, ăn uống tốn kém lắm không, và đặc biệt là “Chị ơi tìm cái ấy ở đâu chỉ em với?”.
Nhân dịp vừa có một em trên group cũng hỏi câu tương tự như thế, mình dành hẳn một note thật dài để trải lòng cho các anh/chị/em/cô/dì/chú/bác có ý định du học/cho con cái du học hiểu thêm.
1.Em không đủ tiền nhưng em muốn học ở Hà Lan, vậy có khả năng không?
KHÔNG. Không đủ tiền thì nhất quyết không nên du học ở Hà Lan. Học phí dành cho sinh viên quốc tế NGOÀI EU dao động từ 8.090€ đến 11k+/năm chưa tính phí sinh hoạt. Phí sinh hoạt 1 năm ở HL mức tối thiểu để chứng minh tài chính dựa theo ind.nl là 870,46€/tháng, tức là 10447,68€/năm. Vậy tóm lại, một năm học ở HL bạn tốn 18.537,68€, tương đương 500.517.360VNĐ cho bậc HBO, đại học ứng dụng (tỉ giá 27.000VNĐ).
2. Vậy em đi làm thêm có gánh nổi tiền sinh hoạt không?
KHÔNG. Hà Lan là một trong các nước phải nói là “bóc lột lao động trẻ” một cách kinh khủng. Các bạn được phép đi làm từ năm 15 tuổi với mức lương minimum wage khoảng 2,8€/h. Vị chi bạn 18t, mức lương theo giờ của bạn sẽ được khoảng 4,37€/h.
Sinh viên quốc tế nếu gặp chủ dễ thương, làm đúng luật thì bạn sẽ được hưởng mức lương của người 22t là 9,20€/h.
Nhưng phần lớn là gặp chủ dễ ghét nên họ tính theo số tuổi của bạn mặc kệ là sai luật hoặc không thuê bạn làm cho rảnh việc. Một tuần sinh viên quốc tế chỉ được làm 16h maximum /tuần HOẶC full-time trong 3 tháng hè. Làm hơn mức ấy sở thuế sờ gáy chủ và bạn cũng chẳng còn sức để học hành. Mà học không đủ tín chỉ thì sớm muộn cũng sẽ nhận tấm vé mời rời khỏi trường.
3. Vậy em xin học bổng?
VẪN KHÔNG ĐỦ. Học bổng chính phủ chỉ là cái chiêu lừa bịp của công ty du học để lôi kéo bạn nghe cho oai thôi. Sự thật thì số tiền bạn nhận được không bằng nổi cái móng tay bạn phải chi ở cái đất nước này.
Tuy nhiên, được đồng nào hay đồng nấy. Mình vẫn khuyến khích các bạn xin học bổng du học nhé.
4. Chị gợi ý cho em các nước khác như Đức, Áo, vv. nhưng em không thích học tiếng khác ngoài tiếng Anh?
Có hai lựa chọn. Một là ở nhà, hai là hi sinh.
Bạn nghĩ là đi học ở Hà Lan xong phủi đít ra trường chỉ với vốn tiếng Anh là đủ để xin được việc để định cư? Lúc này phải xem ngành bạn chọn là gì, mức độ cạnh tranh ra sao, khả năng và trình độ của bạn tới đâu. Không thiếu trường hợp ra trường vẫn tìm được việc nhưng không đồng nghĩa họ tìm được việc thì bạn cũng tìm được trong khi vốn bạn chẳng có gì.
Nếu tìm được việc để định cư rồi sao nữa? Bạn định ở cả phần đời còn lại ở cái chốn ấy mà một chữ bẻ đôi cũng không muốn học? Vậy ở Việt Nam để được dùng tiếng mẹ đẻ cho nhàn bạn ạ.
Mình có vốn tiếng Anh, tiếng Đức, và cả tiếng Hà Lan mà còn lo là sau này ra trường ngỏm củ tỏi vì gì thì gì vẫn là “người nước ngoài” lại học phải cái ngành trên trời nữa đây.
Cả nhà Thomas TẤT CẢ ĐỀU GIƠ HAI TAY ĐỒNG Ý không có tiếng Hà Lan thì coi như cơ hội tìm được việc làm bỏ xa bạn chạy đến cuối chân trời. Công thức này áp dụng cho tất cả các nước.
5. Vậy rồi bây giờ sao chị? Em muốn du học quá thì làm sao?
BỚT NGẠI. BỚT MÀU HỒNG HÓA CUỘC SỐNG DU HỌC. BỚT Ỷ LẠI. BỚT MƠ MỘNG.
*Nếu bạn ngại việc phải học ngôn ngữ 3 thì lựa chọn các nước chỉ nói tiếng Anh. Nếu không đủ điều kiện tài chính thì phải chấp nhận hi sinh.
*Xin học bổng du học là một cách nhưng không phải là tất cả, cũng không phải học bổng nào cũng tài trợ bạn 100%.
* Đừng để bản thân bị tẩy não với mấy bài báo “em A đạt học bổng 9xxxx ở đại học B”. Đằng sau con số đấy là cả một câu chuyện chả đâu vào đâu. Cá nhân mình, nói theo kiểu báo thì em Hà được nhận học bổng 15k500€ CHIA RA THÀNH NHIỀU NĂM, năm 1 được 5k€, năm 2,3,4 NẾU em đạt được 55EC/60EC thì mỗi năm được thêm 3k5€.
Cộng lại chia ra thì vẫn thiếu lên thiếu xuống tính đến tiền chục nghìn euro hay trăm triệu VNĐ.
Nếu bạn không đủ quyết tâm để vươn lên, vượt qua khó khăn tài chính bằng cách chấp nhận hiện thực và cố gắng học thêm ngôn ngữ mới thì sự thật là nên ở nhà. Vì ngoài tài chính, bạn còn phải đối mặt với sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, vân vân và mây mây.
Có những đêm mình khóc nức nở với Thomas trách tại sao người ở đây sống vô tâm, không thật lòng như thế, tại sao họ chỉ chơi với nhau bề ngoài là nhiều, tại sao mình cố gắng nhiều đến như thế mà họ vẫn không chịu mở lòng. Mà, bạn nào chơi với mình thì biết mình cởi mở nhiều như thế nào vậy mà vẫn không tránh khỏi stress tới mức bức bối trong người luôn.
Nếu không chuẩn bị trong người một hành trang thật vững vàng, nếu bạn không có một Thomas bên cạnh như mình thì bạn thử hình dung cuộc sống của bạn nơi đất khách nó sẽ tệ đến mức nào?
Chuyện du học, đặc biệt ở một nơi xa nhà như này, thật sự không phải là đơn giản. Có tiền hay không có tiền là một lẽ. Sống là để hạnh phúc, không phải là để âu lo. Nếu bạn có quan niệm sống khác, thì chúc bạn vui với cuộc sống của bạn.
Còn mình, khẩn cầu tha thiết những anh/chị/em/bạn bè thật sự khao khát muốn thoát khỏi chế độ giáo dục tệ hại ở nhà thì hãy suy nghĩ thật kĩ lưỡng trước khi bước đi.
Thái Hải (SSDH) – Theo nguồn học bổng