Sẵn sàng du học – Lượng bài tập về nhà của học sinh do mỗi trường quyết định, nhưng nhìn chung các giáo viên và phụ huynh Hà Lan đều nhận thấy việc chơi đùa sau giờ học quan trọng hơn là chúi mũi đọc sách.
Đại học Utrecht, Viện Trimbos và Viện Nghiên cứu Xã Hội Hà Lan tiến hành nghiên cứu toàn diện 200.000 trẻ em trong độ tuổi 11, 13, và 15 tại 39 quốc gia khác nhau. Các em được hỏi các câu liên quan đến mức độ hạnh phúc, khỏe mạnh, mối quan hệ với bố mẹ và bạn bè, và trải nghiệm ở trường học.
Giáo sư Wilma Vollebergh, ĐH Utrecht, cho biết: ‘Hà Lan có nền văn hóa mang tính xã hội, với các mối quan hệ an toàn, cởi mở giữa bố mẹ và con cái, giữa trẻ em và bạn bè của chúng. Áp lực phải chứng tỏ bản thân cũng không quá cao so với ở những nước khác.”
2. Học sinh dưới 10 tuổi có rất ít hoặc hầu như không có bài tập về nhà
Lượng bài tập về nhà của học sinh do mỗi trường quyết định, nhưng nhìn chung các giáo viên và phụ huynh Hà Lan đều nhận thấy việc chơi đùa sau giờ học quan trọng hơn là chúi mũi đọc sách. Trẻ em Hà Lan bắt đầu có bài về nhà vào năm cuối tiểu học, nhưng không nhiều như các bạn đồng lứa ở Mỹ.
3. Học sinh được đánh giá trí thông minh tương đối
Cuối năm lớp 8 (khoảng 12 tuổi), mọi trẻ em Hà Lan đều phải làm CITO. Đây là bài kiểm tra đánh giá trí thông minh tổng quát của trẻ và kết quả của nó chỉ mang tính tham khảo.
Theo chính phủ Hà Lan thì “trường tiểu học gợi ý cho phụ huynh và học sinh mô hình giáo dục trung học phù hợp nhất, căn cứ vào điểm thi CITO, kết quả học tập các năm học trước, và sở thích cá nhân của các em.”
Điều quan trọng là gợi ý của nhà trường không mang tính bắt buộc. Ba mẹ và trẻ mới là người quyết định đâu là hướng đi mà trẻ cảm thấy thoải mái nhất cho việc học của mình.
4. Học sinh trung học ít chịu căng thẳng như học sinh các nước trên thế giới (như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, …)
Sau khi xem Race to Nowhere, một bộ phim về đời sống học sinh trung học điển hình ở Mỹ, các thiếu niên Hà Lan đều đồng tình rằng mình chưa hề trải qua bất cứ điều gì được mô tả trong phim.
5. Học lực trung bình hoàn toàn được chấp nhận
Alicia, một học sinh trường VWO được xem là loại trường chú trọng vào kiến thức hàn lâm, cho biết: “Em chỉ là một đứa học sinh 6/10 thôi. Em có rất nhiều hoạt động sau giờ học như học nhảy và chơi khúc côn cầu. Em có thể dành nhiều thời gian tự học hơn để đạt được điểm số cao hơn, nhưng em không muốn thế.”
Tâm lý này ở học sinh Hà Lan đôi khi kéo dài đến lúc các em vào đại học. Theo Đại học Twente, các sinh viên quốc tế ở Hà Lan có nhận xét: “Sự ganh đua hầu như không tồn tại trong văn hóa giáo dục Hà Lan bởi điểm số hiếm khi được dùng để xếp hạng học sinh. Giáo viên chỉ đặt ra mức điểm tối thiểu, học sinh đạt được điểm số này thì đều qua môn. Học sinh Hà Lan thường không bận tâm đến thứ hạng của mình trong lớp mà chỉ cần qua được môn học là đủ".
Cá Domino (SSDH) – Theo findingdutchland