Sẵn sàng du học – Mặc dù các kỹ năng “cứng” như kỹ năng viết, giải toán và khoa học rất quan trọng nhưng ngày càng nhiều các nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên của mình nắm chắc các kỹ năng “mềm”.
Kỹ năng mềm bao gồm khả năng thích ứng với những sự thay đổi và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Dưới đây là 5 kỹ năng mềm quan trọng mà các nhà tuyển dụng thường yêu cầu đối với sinh viên đại học khi xin việc:
Kỹ năng hợp tác
Điều bắt buộc đối với sinh viên đại học là phải hoạt động nhóm hiệu quả, hợp tác trong các dự án và chấp nhận những lời chỉ trích, phê bình mang tính chất xây dựng khi làm việc chung với những người khác.
Học sinh có thể rèn luyện kỹ năng hợp tác bằng cách tham gia các hoạt động thể thao hay ngoại khóa. Họ cũng có thể lựa chọn nghiên cứu các dự án khoa học làm việc theo nhóm trong những năm cuối trung học.
Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ
Các nhà tuyển dụng có nhận xét những người trẻ tuổi chưa biết cách nói chuyện hiệu quả, không thể làm những việc như đặt câu hỏi, lắng nghe tích cực và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt. Khả năng giao tiếp bị giảm một phần do sự phổ biến của các thiết bị điện tử.
Kỹ năng này là vô cùng quan trọng trong việc giao tiếp với các giáo sư, tìm kiếm tài liệu tham khảo, tham gia các cuộc phỏng vấn đại học và xin việc… Học sinh trung học có thể cải thiện các kỹ năng này bằng cách trò chuyện trực tiếp với giáo viên, giáo sư giảng dạy hoặc xin thực tập tại một công ty cũng là cơ hội tuyệt vời.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Sinh viên sẽ phải đối mặt với một số thử thách bất ngờ trong cuộc sống mà không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Họ phải tự đưa ra các phương án giải quyết, sáng tạo cho các vấn đề không có công thức sẵn.
Học sinh có thể nâng cao kỹ năng này bằng cách đăng ký tham gia các lớp học chủ yếu dựa trên việc sử dụng kinh nghiệm thay vì học thuộc lòng, hoặc tự đặt mình trong những tình huống mới mẻ như tranh luận tại một câu lạc bộ hay Olympiad Khoa học.
Kỹ năng quản lý thời gian
Học sinh trung học nên có kỹ năng tự sắp xếp các công việc để hoàn thành bài tập kịp thời. Điều bắt buộc là họ phải hoàn toàn tự chủ trong việc quản lý quỹ thời gian của mình và biết ưu tiên công việc nào trước tiên.
Để cải thiện kỹ năng này, học sinh có thể xin đảm nhận nhiều vị trí trách nhiệm tại trường học hay tham gia các hoạt động tình nguyện.
Kỹ năng lãnh đạo
Mặc dù việc hoạt động nhóm một cách suôn sẻ được đề cao, nhưng cũng rất quan trọng khi thể hiện được kỹ năng lãnh đạo trong một số trường hợp cần thiết. Và đây cũng là cơ hội tốt để thể hiện bản thân trong môi trường đại học cũng như làm việc.
Cách tốt nhất để phát triển kỹ năng này khi chuẩn bị bước chân vào đại học là tìm kiếm các cơ hội lãnh đạo tại trường trung học như làm đội trưởng đội thể thao, tham gia các câu lạc bộ sinh viên hoặc lãnh đạo một nhóm ngoại khóa.
Người dịch: Bảo Dung (SSDH)