Học tiếng Anh: Đừng giấu dốt

0

Sẵn sàng du học – Muốn nói tiếng Anh tốt thì đừng xấu hổ, đừng vì mình kém mà không dám nói.

GS-TSKH Trần Duy Quý hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, người Việt Nam có tố chất, có khả năng học hỏi và tiếp thu rất nhanh tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản, mục tiêu, mục đích không rõ ràng cộng thêm thiếu môi trường rèn luyện nên khả năng nghe, nói tiếng Anh rất kém.

Học sinh tham gia cuộc thi sẽ phải tranh luận bằng tiếng Anh. 

Học sinh tham gia cuộc thi sẽ phải tranh luận bằng tiếng Anh. 

Vị GS cho biết, đa số người học tại Việt Nam vẫn đang học theo hướng tự mày mò, tự tìm hiểu không có được một giáo trình thống nhất.

Chia sẻ từ bản thân, GS Trần Duy Quý cho biết, là một nhà nghiên cứu khoa học đi nhiều, làm việc nhiều với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu quốc tế nhưng tiếng Nga thì giỏi còn tiếng Anh cũng chỉ ở mức "đủ dùng".

"Mang tiếng làm việc với người nước ngoài rất nhiều nhưng tiếng Anh cũng chỉ có thể nói cho người khác hiểu chứ không thể trực tiếp tham gia ký kết các hợp đồng chuyên ngành", vị GS chia sẻ.

Có nguyên nhân như vậy vị GS cho biết một phần do ảnh hưởng từ yếu tố lịch sử.

Tại Việt Nam, tiếng Nga và tiếng Trung cũng được sử dụng thịnh hành hơn. Bên cạnh đó cũng do không được đào tạo bài bản từ đầu, khi cần mới học, học xong rồi thì không biết sử dụng ở đâu, nói với ai nên vốn từ cũng bị mai một, quên lãng dần.

Những năm gần đây do nhu cầu hội nhập, tiếng Anh được xem trọng và đưa vào đào tạo tại các trường học ngay từ các cấp tiểu học, trung học, vì thế, khả năng nói tiếng Anh của người Việt cũng được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, số những người có khả năng nói tiếng Anh tốt vẫn còn rất hạn chế, tiếng Anh vẫn chưa thể coi là một loại ngôn ngữ thứ hai được sử dụng thành thạo trong giao tiếp.

Nói về phương pháp học tiếng Anh, GS cũng đồng tình phải có phương pháp học nhưng phương pháp gạo cội chính là thực hành thường xuyên, là học từ bé.

"Cháu tôi năm nay mới học lớp 8 nhưng khả năng nghe, nói tiếng Anh còn tốt hơn tôi, một GS có cả mấy chục năm làm việc, nghiên cứu với người nước ngoài", vị GS kể và cho rằng, việc rèn luyện tiếng Anh từ bé và được nói thường xuyên rất quan trọng, giúp nói tiếng Anh chuẩn hơn.

Ông kể tiếp, khi thực hiện nghiên cứu sinh các nghiên cứu sinh bắt buộc phải học 9 tháng ngoại ngữ, ai đỗ mới được đi nước ngoài. Tuy nhiên, dù tập trung học tối đa nhưng khi sang nước ngoài hầu hết các nghiên cứu sinh tuổi 50 – 60 của Việt Nam vẫn bị những sinh viên 18-20 được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài từ bé chê nói tiếng Anh dở.

"Ở tuổi này luyện tiếng Anh cũng rất khó lại cộng thêm vấn đề tuổi tác khiến nhiều người ngại nói vì sợ bắt lỗi, sợ bị cười nên tiếng Anh lại càng kém.

Hay ví dụ ngay như ở miền Nam với miền Bắc cũng đã có sự khác biệt rất lớn về khả năng nghe nói ngoại ngữ. Ở miền Nam do môi trường văn hóa ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa phương tây nên khả năng học tiếng Anh của người miền Nam cũng tốt hơn người miền Bắc rất nhiều. Nhưng, một học sinh đang nói tiếng Anh rất tốt mà chuyển ra ngoài Bắc học thì cũng chỉ khoảng 2-3 năm là bị quên hết vốn từ do không có được môi trường thực hành, giờ tiếng Anh trên lớp lại quá ít, không đủ để các em phát huy", GS Trần Huy Quý nói.

Mặc dù vậy, ông cũng đánh giá khả năng nghe nói tiếng Anh của Việt Nam những năm gần đây đã khá hơn rất nhiều.

Vị GS đánh giá, muốn hội nhập, muốn giao tiếp tốt thì phải học ngoại ngữ. Để làm được như vậy, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế các cơ quan nên tăng cường nói tiếng Anh, dùng khẩu hiệu song ngữ, tăng cường nói tiếng Anh, tạo môi trường rèn luyện.

Nhất là ở các hội nghị khoa học cũng nên khuyến khích, thậm chí bắt buộc phải sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp.

"Ví dụ ngay ở Viện tôi, tôi cũng khuyến khích sử dụng song ngữ trong giao tiếp và làm việc. Vì lý do này mà tiếng Nga của tôi và đồng nghiệp rất tốt vì được giao tiếp, trao đổi thường xuyên", vị GS cho biết.

Tuy nhiên, nói về việc thực hiện song ngữ trong các cơ quan quản lý nhà nước, vị GS hơi băn khoăn, sợ nhiều người khó vượt qua được tự ái, xấu hổ vì mình kém mà không dám thực hiện.

"Bây giờ nhân viên trẻ được đào tạo bài bản, được giao tiếp nhiều hơn, nói tiếng Anh sẽ tốt hơn, nếu áp dụng sử dụng khẩu hiệu song ngữ hoặc nói song ngữ trong cơ quan e là nhiều sếp kém hơn nhân viên lại muốn giấu dốt, không muốn nhân viên biết mình kém hơn mà không muốn triển khai. Vì vậy, ở đây muốn triển khai được cũng không đơn giản, không phải ai cũng muốn khoe cái dốt của mình ra.

Bản lĩnh của người thủ trưởng ở đây đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thủ trưởng thích chơi cây cảnh quân sĩ cũng mê, thủ trưởng thích thể thao phong trào sẽ mạnh. Thủ trưởng nào quân sĩ ấy. Tiếng Anh cũng vậy, muốn nói tốt phải có phong trào, người khuấy động phong trào chính là người thủ trưởng", GS Trần Huy Quý nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Đất Việt

Share.

Leave A Reply