Sẵn sàng du học – Trăn trở gánh nặng về bệnh lao tại Việt Nam, Phan Triệu Phú thuyết phục được Hội đồng tuyển sinh Chevening cấp học bổng du học thạc sĩ tại ĐH Nottingham, Anh Quốc để theo đuổi ngành Y tế công cộng.
Phan Triệu Phú là cựu sinh viên ĐH Y Dược Huế là một trong số các học giả Việt tài năng nhận học bổng Chevening của Chính phủ Anh năm nay.
Chàng trai Bình Định sẽ theo học bậc thạc sĩ tại Anh với suất học bổng tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ học phí, ăn ở, vé máy bay hai chiều, bảo hiểm, chi phí ổn định cuộc sống khi đến và rời Anh…
Cùng PV Dân trí tìm hiểu câu chuyện hành trình Phan Triệu Phú chinh phục học bổng danh giá của Chính phủ Anh.
PV: Chúc mừng Phan Triệu Phú đã giành học bổng Chevening thực hiện ước mơ du học thạc sĩ tại Vương quốc Anh. Hành trình đó bắt đầu ra sao và nó có tác động thay đổi con người bạn như thế nào?
Phan Triệu Phú: Mình là một người khá nhút nhát khi còn là sinh viên nhưng sau khi có cơ hội tham gia nhiều chương trình cộng đồng và thiện nguyện thì đã thay đổi con người mình rất nhiều cả về tính cách lẫn cách nhìn nhận về cuộc sống.
Trong quá trình làm việc mình có cơ hội đi nhiều, làm việc với cả bệnh nhân và y bác sĩ ở các tuyển từ cao đến thấp giúp mình thấy được một số vấn đề còn bất cập trong hệ thống chăm sóc bệnh truyền nhiễm đặc biệt đối với bệnh lao khiến mình muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Đó cũng là động lực để mình chinh phục ước mơ du học Anh bậc thạc sĩ.
Chevening là một bệ phóng tốt cho mình có thể tiếp cận được một môi trường chăm sóc sức khoẻ tốt nhất trên thế giới đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh truyền nhiễm.
Hơn thế nữa, Chevening còn là cơ hội để mình có thể kết nối gặp gỡ được những học giả có cùng mối quan tâm đến từ các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Sau khi trở về từ Chevening mình sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu để có thể cho ra những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn trong việc thay đổi một số chính sách cũng như quy trình trong công tác chăm sóc bệnh nhân lao.
– Được biết, ở bậc đại học bạn là một trong những gương mặt sinh viên Việt mang nghiên cứu về bệnh dại đến Hội nghị Y tế tiểu vùng Mê Kông?
Trong quá trình học đại học mình đã tham gia một số nghiên cứu khoa học và may mắn đề tài của nhóm nghiên cứu mình được chọn để được báo cáo trong và ngoài nước, tiêu biểu là Hội nghị y tế công cộng các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) mở rộng lần thứ 8 diễn ra từ tháng 11/2016 tại Phnompenh (Campuchia) nghiên cứu về thực trạng phòng chống bệnh dại ở miền núi Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên mình tham gia báo cáo tại hội nghị quốc tế. Mình cho rằng ngành học của mình có liên quan đến nhiều vấn đề cần phải cập nhật thường xuyên. Nếu muốn có được kiến thức tốt và sâu rộng về một vấn đề nào đó thì các bạn trẻ hãy thử sức làm nghiên cứu.
Ngoài việc các bạn sẽ học được rất nhiều kĩ năng trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, các bạn còn có cơ hội được tham gia báo cáo tại một hội nghị mang tầm cỡ quốc tế, nơi các bạn có thể được thể hiện khả năng của bản thân qua việc trình bày nghiên cứu trước hội đồng giám khảo có uy tín, để từ đó trực tiếp trao đổi ý kiến và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia.
Mình cũng đã may mắn được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự một hội thảo được tổ chức tại Đại học Tufts của Mỹ về các vấn đề liên quan đến giải pháp “One Health” (phối hợp hành động giữa các ngành như y tế cộng đồng, thú y và môi trường để đạt được kết quả sức khỏe tốt nhất có thể cho tất cả các loài) và một số bệnh mới nổi trên thế giới.
Tại đây mình có cơ hội được tiếp xúc và trao đổi với các chuyên gia đến từ CDC ( Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến chống Ebola tại Tây Phi.
Ngoài ra mình cũng là một trong những ứng viên của Việt Nam tham gia chương trình Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Thái Lan.
Đặc biệt, việc tham gia nghiên cứu cũng như tham gia các hội nghị quốc tế có uy tín liên quan đến ngành học cũng là cơ hội tốt để các bạn có thể tìm kiếm được những học bổng sau đại học tại nước ngoài.
Ngoài thời gian học tập trên lớp mình còn tham gia một số tổ chức tình nguyện quốc tế tại Việt Nam như làm phiên dịch viên cho bệnh viện bay Orbis, Operation Smile, điều phối cho tổ chức thiện nguyện No Ordinary Journey Foundation tại Việt Nam,…
– Tại sao Phú lại chọn theo đuổi lĩnh vực Y tế công cộng và đặc biệt quan tâm trăn trở về căn bệnh lao?
Trong quá trình học tập tại trường Y, mình không có ấn tượng với những con số liên quan đến bệnh lao. Cho đến khi ra trường, mình bắt đầu đi làm trợ lý nghiên cứu cho một dự án về lao và bắt đầu trau dồi kiến thức thêm cho bản thân về căn bệnh này.
Trong quá trình làm việc mình nhận thấy Việt Nam hiện nay vẫn là một trong số nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 170.000 người mắc lao và khoảng 11.000 người chết do lao, số tử vong do lao đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Chính vì lý do đó nên mình mong muốn đóng góp một phần vào việc giải quyết gánh nặng về bệnh lao tại Việt Nam.
– Thực tế và những thách thức trong chẩn đoán, điều trị, quản lý căn bệnh lao ở Việt Nam ảnh hưởng thế nào tới quyết định chọn điểm đến du học thạc sĩ của Triệu Phú?
Trong quá trình làm việc mình có cơ hội được tham gia một số nghiên cứu liên quan đến việc triển khai trên cộng đồng các chương trình dự phòng cho người nhà bệnh nhân lao và nghiên cứu để tìm ra những phương pháp chẩn đoán đặc hiệu mới dành cho người mắc lao đa kháng thuốc.
Công việc cho mình cơ hội làm việc với các đơn vị khám và điều trị lao ở tuyến thấp nhất trong chương trình chống lao tại Việt Nam để hiểu sâu hơn về các quy trình chẩn đoán, điều trị và quản lý lao.
Mặc dù số người chết do lao mỗi năm giảm nhưng không đáng kể, hơn thế nữa số ca mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng trong khi phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao thì dài ngày nên đòi hỏi cần phải có sự tiếp cận vấn đề từ một hướng khác để giải quyết.
Chính vì lý do đó đã thôi thúc mình cần phải đi học thêm để có thể trau dồi thêm các kiến thức về đánh giá tình hình và đưa ra các chương trình can thiệp hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung và lao nói riêng.
Mình có cơ hội được làm việc trong một môi trường nghiên cứu và tiếp xúc với các chuyên gia về dịch tễ học và y tế công cộng đến từ Anh nên mình nhận thấy rằng các giáo sư ở Anh, đặc biệt là những người làm về các bệnh truyền nhiễm, mảng mình đang quan tâm, hầu như đều có một số năm làm nghiên cứu tại các nước đang phát triển trước khi quay trở về Anh để tiếp tục công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Việc này giúp họ có một góc nhìn khác hơn về những khó khăn thực tế và thách thức mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang gặp phải, để từ đó xây dựng một chương trình học tập và nghiên cứu phù hợp hơn đối với những sinh viên viên nước ngoài đến từ các quốc gia đang phát triển như mình.
– Theo Phú, để ứng tuyển thành công học bổng Chevening ứng viên cần đáp ứng những yếu tố gì hay nói cách khác, học bổng tìm kiếm điều gì ở ứng viên?
Đối với mình Chevening không tìm một ứng viên thực sự xuất sắc về thành tích học tập vì mình không thuộc nhóm sinh viên đứng đầu lớp khi còn học đại học nhưng ngược lại kinh nghiệm làm việc và mục tiêu nghề nghiệp mới là cái giúp mình tự tin để apply học bổng này. Chevening hướng tìm kiếm những người có tiềm năng lãnh đạo trong tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải là một người có một vị trí cao hoặc có tiếng nói ở thời điểm hiện tại để có thể apply học bổng này mà điều quan trọng là bạn cần cho hội đồng tuyển chọn thấy những ví dụ cụ thể của bạn trong quá khứ và mục tiêu của bạn trong tương lai để chứng minh cho họ bạn sẽ là một nhà lãnh đạo tiềm năng sau này. Bạn có thể tạo nên một sự thay đổi nào đó tích cực cho cộng đồng của bạn ở bất kỳ lĩnh vực nào.
– Phú đã vượt qua những cửa ải, thách thức nào để có học bổng danh giá này?
Đối với học bổng Chevening bạn phải trải qua 2 vòng: vòng hồ sơ (mỗi năm thời gian apply kéo dài trong 3 tháng nhưng riêng năm nay là 2 tháng) và vòng phỏng vấn. Trong vòng hồ sơ bạn sẽ phải viết 4 bài luận liên quan đến các nội dung:
Khả năng lãnh đạo.
Khả năng xây dựng mối quan hệ.
Lý do bạn chọn ngành và trường bạn sẽ theo học tại Anh nếu được chọn?
Mục tiêu của bạn trong tương lai là gì?
Lúc mình ứng tuyển Chevening cũng là lúc mình đang phải thực hiện một nghiên cứu mới mà mình đang phụ trách nên việc hoàn thành 4 bài luận của Chevening là một thử thách đối với mình. Mình chỉ tranh thủ được buổi tối và cuối tuần để viết bài.
Mỗi người có một cách viết khác nhau nhưng cá nhân mình đã thuyết phục hội đồng tuyển chọn của Chevening bằng cách kể câu chuyện cá nhân của mình từ lúc còn đi học cho đến khi đi làm.
Mình chỉ chọn những vấn đề tiêu biểu để đưa vào bài và điều quan trọng là nó phải có được yếu tố lãnh đạo, tạo dựng mối quan hệ và mục tiêu nghề nghiệp trong đó.
Mình khá may mắn đã nhận được sự hỗ trợ từ một số anh chị bạn là người đã từng được nhận học bổng Chevening và đồng nghiệp tư vấn thêm cho mình về cách viết cũng như làm thế nào để câu chuyện của mình mang tính thuyết phục hơn.
Lời khuyên của mình cho vòng này là viết cô đọng súc tích và hãy là chính bạn khi kể về câu chuyện bản thân. Hãy nhờ một người thực sự hiểu bạn để góp ý cho bạn.
– Còn vòng phỏng vấn thì sao, bạn có lưu ý gì đến các bạn trẻ cũng muốn thuyết phục thành công Hội đồng tuyển chọn Chevening?
Sau khi được chọn vào vòng phỏng vấn bạn sẽ được hội đồng tuyển chọn Chevening phỏng vấn khoảng 45-60 phút. Những câu hỏi sẽ xoay quanh những gì bạn viết trong bài luận nên việc hiểu rõ được câu chuyện của cá nhân mình thì bạn hoàn toàn có thể thuyết phục được hội đồng tuyển chọn.
Hồi đó mình phỏng vấn online vì đang lúc giãn cách xã hội nên mình rất lo. Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo trước đó, ví dụ như chất lượng wifi, vị trí ngồi phỏng vấn và đặc biệt là hiểu được câu chuyện cá nhân đã giúp mình bình tĩnh và tự tin khi bước vào vòng phỏng vấn.
Lời khuyên của mình cho vòng này: Bình tĩnh, đừng suy nghĩ quá nhiều vào việc hội đồng giám khảo sẽ hỏi gì vì chắc chắn sẽ xoay quanh những gì bạn đề cập trong bài luận.
Chính vì vậy điều quan trọng vẫn là chính mình với những gì bạn đã thuyết phục họ ở vòng hồ sơ. Nếu chưa tự tin bạn có thể nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp làm một số buổi mock interview để bạn tự tin hơn.
– Với học bổng Chevening, Triệu Phú sẽ đến Đại học Nottingham theo đuổi chuyên ngành Y tế công cộng. Việc chọn trường đại học khi ứng tuyển học bổng Chevening thực hiện cụ thể ra sao?
Việc bạn apply trường là hoàn toàn độc lập và Chevening sẽ không can thiệp. Chỉ khi nào trường chấp nhận cho bạn thư mời nhập học thì lúc đó Chevening mới cấp học bổng cho bạn.
Chính vì vậy nên việc bạn thuyết phục trường cho bạn thư mời nhập học cũng chứng minh kết quả học tập cũng như kinh nghiệm làm việc của bạn chứng tỏ bạn xứng đáng được theo học tại một trường danh tiếng tại Vương quốc Anh.
Kết quả học tập của mình không quá xuất sắc nhưng bù lại kinh nghiệm nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên cũng như kinh nghiệm làm việc đã giúp mình được nhận vào chương trình Thạc sĩ của Đại học Nottingham.
– Lý do gì thôi thúc Phú nộp đơn vào Đại học Nottingham?
Mình chọn học ngành Thạc sĩ Y tế công cộng tại trường Đại học Nottingham vì một số lý do.
Trường có bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm đào tạo chương trình Thạc sĩ y tế công cộng với nhiều người nổi tiếng đã tốt nghiệp từ ngành này, tiêu biểu là Giám đốc tổ chức Y tế thế giới hiện nay Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng là cựu sinh viên của ngành mình.
Năm 2019 chương trình Thạc sĩ Y tế công cộng của trường được phong tặng danh hiệu cao quý Lord Dearing Award về chất lượng giảng dạy và học tập.
Lớp học của mình học viên đến từ nhiều nước và châu lục khác nhau, nhiều mảng khác nhau nên điều này sẽ giúp mình có nhiều góc nhìn khác nhau khi tiếp cận và giải quyết một vấn đề y tế công cộng.
Chevening không chỉ hỗ trợ tài chính cho bạn 1 năm thạc sĩ tại một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới mà chính cộng đồng Chevening Việt Nam và trên thế giới mà bạn sẽ xây dựng mối quan hệ sẽ giúp ích rất nhiều cho phát triển sự nghiệp của bạn sau này.
– Bạn có dự định gì sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh?
Việc có cơ hội học một năm thạc sĩ y tế công cộng tại Anh sẽ giúp mình định hình hướng nghiên cứu trong lương lai, đặc biệt là quá trình theo học tiến sĩ sau này và trong tương lai là các chương trình can thiệp cộng đồng liên quan đến việc quản lý và điều trị lao tại Việt Nam.
Cảm ơn Phan Triệu Phú vì những chia sẻ hữu ích!
Theo Dân trí