Sau khi trải qua quá trình gap year (thường là 1 năm), bạn có nhu cầu bắt đầu một công việc nghiêm túc thực thụ dựa trên chuyên môn của bản thân. Như bao người không gap year khác, bạn cần chuẩn bị thư xin việc, CV và trả lời phỏng vấn.
Chắc chắn với sự xuất hiện của mục gap year được đề cập, bạn sẽ cần phải giải thích và làm rõ trong thư xin việc cũng như khi trả lời phỏng vấn. Nhiều người cho rằng đây là một thử thách và hầu như họ không biết cách truyền đạt một cách đầy đủ và hiệu quả về quá trình gap year của bản thân khi có ý định xin việc.
Hiểu được khó khăn này, bài viết dưới đây sẽ đưa ra cho bạn 5 cách giải thích về gap year trong thư xin việc và khi phỏng vấn.
Chia sẻ quan điểm cá nhân
Điều đầu tiên bạn cần phải làm để giải thích về gap year trong quá trình tìm việc làm nhanh đó chính là chia sẻ quan điểm cá nhân, góc nhìn chủ quan của bạn đối với xu hướng gap year nói riêng và kế hoạch sự nghiệp nói chung.
Bạn cần phải cho thấy được sự nghiêm túc, đồng thời bộc lộ suy nghĩ thấu đáo về quyết định gap year trước đó của bản thân. Tránh chia sẻ quá chung chung hoặc nhận thức sai lệch về gap year sẽ khiến bạn bị coi là chạy theo phong trào mà không hiểu gì về gap year từ đó làm hồ sơ của bạn bị đánh giá thấp mặc dù những hạng mục khác có ấn tượng đi nữa.
Sau một vài câu chia sẻ ngắn gọn về quan điểm cá nhân, tiếp đến bạn đừng quên mô tả một cách khái quát về quá trình gap year của mình. Những thông tin cần được đưa ra một cách chọn lọc bao gồm thời gian, địa điểm, hoạt động và kết quả của cả chặng đường. Một trong những sai lầm thường gặp phải đó là bạn mô tả quá chi tiết, cặn kẽ về từng mốc thời gian một trong thư xin việc hoặc nói quá nhiều đến những chuyện nhỏ nhặt xảy ra trong suốt thời gian gap year. Nên nhớ, nhà tuyển dụng không có quá nhiều thời gian và sự tò mò để tiếp nhận hết những tiểu tiết thay vì đại ý cô đọng, bao quát.
Trình bày lợi ích mà gap year mang lại cho bạn
Phần quan trọng nhất trong việc trình bày và giải thích về gap year đó chính là phần chỉ ra lợi ích mà gap year đã mang lại cho bạn. Những lợi ích này thường chỉ nên tập trung vào kỹ năng mềm, kiến thức xã hội, áp dụng chuyên môn,… việc trình bày những nhóm lợi ích này giúp nhà tuyển dụng đánh giá đúng mực về mục đích, lý tưởng và khả năng trau dồi trong lĩnh vực công việc bạn quan tâm và có nhu cầu ứng tuyển tại công ty, doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là cơ sở để nhà tuyển dụng đo lường mức độ phù hợp giữa bạn và doanh nghiệp của họ.
Nhấn mạnh về sự ổn định ở hiện tại
Thêm một điều mà các nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm khi ứng viên của họ đã từng gap year đó chính là tính ổn định trong công việc và và suy nghĩ. Bạn cần nhấn mạnh điều này trong thư xin việc, đồng thời trong khi trả lời phỏng vấn phải để nhà tuyển dụng nhận ra bạn đã hoàn tất việc trải nghiệm, tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng làm việc tại doanh nghiệp, công ty của họ. Đồng thời một vài từ khóa bạn cần dùng như “Tôi có ý định làm việc lâu dài ở đây” hoặc “Tôi nghĩ tôi có thể xây dựng sự nghiệp lâu dài” chính là cách bạn giải tỏa nghi ngại của nhà tuyển dụng vì có thể họ cho rằng bạn có thể bỏ việc bất cứ lúc nào để tiếp tục gap year.
Gap year không phải là yếu tố quyết định
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là một lưu ý tuy nhỏ nhưng quan trọng mà bạn nên để ý đó là đừng nên đặt năng việc gap year mà hãy chứng minh qua kỹ năng thực tế và kiến thức nền tảng. Nhiều người cho rằng gap year chính là một lợi thế lớn của họ so với những ứng cử viên không có cơ hội trải nghiệm điều này hoặc cũng có người cho rằng vì gap year nên họ đã bỏ lỡ cơ hội làm việc để có được kinh nghiệm như những ứng viên còn lại. Đây là hai suy nghĩ chỉ nên bổ sung cho nhau chứ không nên tách biệt để dùng trong thư xin việc hoặc trả lời phỏng vấn.
Trên đây là 5 lưu ý khi giải thích về gap year trong thư xin việc và khi phỏng vấn. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn chuẩn bị đầy đủ trong thư xin việc cũng như trả lời nhà tuyển dụng.
Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ