Bác sĩ 9X giành học bổng toàn phần tại ĐH Havard sau nhiều lần thất bại

0

Sẵn sàng du học – Nhận thấy nếu tiếp tục trở thành bác sĩ lâm sàng thì thực sự khó có thể giúp gì cho 70-80% người bệnh ung thư tại Việt Nam, những người chỉ phát hiện ra bệnh ở giai đoạn cuối, bác sĩ 9X Phạm Thanh Tùng cẩn trọng hoạch định từng bước đi để tiến đến mục tiêu xây dựng một chương trình sàng lọc và phòng chống ung thư như ở châu Âu.

Quá trình suy nghĩ và tìm kiếm đó đã đưa anh đến mục tiêu trở thành nghiên cứu sinh ngành dịch tễ và phòng chống ung thư, một nhánh chưa phát triển mạnh của Y tế Công cộng tại Việt Nam.

Trong 2 năm 2015-2016, kết quả ứng tuyển vào “hàng tá” chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trượt của bác sĩ trẻ đều trượt từ “vòng gửi xe”, tuy nhiên kinh nghiệm qua việc chỉnh sửa hồ sơ và các thất bại “không đếm xuể” này là nền móng cho các thành công về sau của Phạm Thanh Tùng.

Đôi nét về Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thanh Tùng

Sinh năm: 1992

– Hiện là Giảng viên bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Hà Nội và Điều phối của Dự án Research Advancement Consortium in Health (REACH)

– Nghiên cứu sinh, chuyên ngành dịch tễ và phòng chống ung thư, Trường Y tế Công cộng T.H.Chan, Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

– Học bổng toàn phần của VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) cho chương trình thạc sĩ Dịch tễ và Thống kê tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, Hoa kỳ.

– Học bổng toàn phần của Chính phủ Thuỵ Điển (Swedish Institute Study Scholarships) cho chương trình thạc sĩ ngành Dịch tễ tại Học viện Karolinska – nơi hàng năm trao giải Nobel Y học và Sinh lý học.

tung-pham-photo-smalledited-1600353970653

Trải nghiệm “bản lề” thay đổi thay đổi thế giới quan

PVChào bác sĩ Phạm Thanh Tùng, được biết anh đã được nhận vào chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ của Trường Y tế Công cộng T.H. Chan, trực thuộc Đại học Harvard. Anh còn nhớ cảm xúc của mình lúc đó?

Thạc sĩ – Bác sĩ Phạm Thanh Tùng: Mình vẫn còn nhớ mình nhận được thư báo hồ sơ của mình được “recommended for admission” (đề nghị nhập học) vào ngày 23 Tết Kỷ Hợi (2019), đúng ngày cúng ông Công ông Táo. Vào đúng ngày mùng 1 Tết thì mình nhận được thư nhập học chính thức của trường. Cảm giác lúc nhận được thư vô cùng đặc biệt: mình cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng sau 2 mùa nộp hồ sơ thì cuối cùng đã có một nơi dừng chân, kèm theo hỗ trợ tài chính cho 4 năm tiến sĩ.

Mình cũng đã từng đến Boston trước đó 2 lần: một lần là đi du lịch và lần thứ hai là khi đến trao đổi ngắn hạn tại khoa dịch tễ của trường. Thêm vào đó, mình cũng từng học Thạc sĩ tại Mỹ nên mình cũng đã hình dung được phần nào trải nghiệm học tập sắp tới. Đến những ngày sau đó, khi đọc cẩm nang giới thiệu của khoa thì mình bắt đầu chuyển từ cảm giác “nhẹ nhõm” sang “stress” khi nhìn danh sách môn học và yêu cầu của kỳ thi vượt rào (Qualifying Exam).

– Tùng cũng đã tốt nghiệp chương trình thạc sĩ về dịch tễ và thống kê tại Trường Y tế công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, anh có thể chia sẻ dấu mốc đáng nhớ của mình trong thời gian học thạc sĩ?

Với mình thì quãng thời gian học thạc sĩ ở trường Y tế công cộng Bloomberg là “A transformational experience” – một trải nghiệm làm thay đổi thế giới quan của mình và dẫn mình đến với định hướng nghiên cứu hiện tại.

Chương trình Thạc sĩ Y tế Công cộng ở Johns Hopkins với trọng tâm về dịch tễ và thống kê của mình kéo dài 11 tháng. Đây là chương trình vô cùng đặc biệt của Trường Bloomberg thiết kế dành riêng cho các ứng viên có 2 năm kinh nghiệm trở lên hoặc đã có (hoặc đang theo học) 1 bằng bác sĩ/tiến sĩ khác. Vì thời gian ngắn nên chương trình có tiến độ rất nhanh, phù hợp với các ứng viên chỉ có khoảng 1 năm nghỉ để học thêm kiến thức trước khi quay trở về tổ chức mình làm việc.

– Quá trình học thạc sĩ đã mang lại cho anh những gì? Anh ấn tượng điều gì với chương trình thạc sĩ ở Johns Hopkins?

Trong quá trình học, mình có cơ hội gặp gỡ và học hỏi rất nhiều từ các bạn trong cùng chương trình: Có bạn mình là Bác sĩ lâm sàng có nhiều năm kinh nghiệm, sau khi nghỉ hưu quyết định đi học thêm về Y tế Công cộng để tiếp tục một sự nghiệp thứ hai, hiện nay bác ấy vẫn đang “vi vu” ở nhiều nước trên thế giới. Có bạn khác thì đã dành nhiều năm làm việc cho tổ chức bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders – Médecins Sans Frontières), có người thì có tới 5 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu HIV tại Châu Phi.

Để tổng kết lại trải nghiệm này thì Giảng viên Benjamin Lozare của khóa lãnh đạo mà mình theo học có nói: “Với 33 học viên, các bạn mang đến khóa học này hơn 150 năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây chính là nguồn học liệu khổng lồ. Tôi mong chờ được học hỏi thêm từ các bạn!”.  Bạn không chỉ học được từ các giảng viên mà còn từ chính các cuộc thảo luận, từ chính kinh nghiệm dày dặn của các bạn khác trong lớp.

Với mình thì trải nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của mình về nhiều lĩnh vực trong Y tế Công cộng và nghiên cứu y khoa.

– Rất tích cực tham gia các hoạt động trao đổi giao lưu trong ngành, đâu là hoạt động khiến anh không thể nào quên?

Vào đầu năm thứ tư tại Đại Học Y Hà Nội, mình có cơ hội tham dự chương trình trao đổi sinh viên tại Học viện Karolinska và đây có thể nói là bước ngoặt (turning point) của mình.

Trong thời gian này, mình được tham gia khóa học lâm sàng về sản phụ khoa cùng các sinh viên trao đổi khác cũng như sinh viên y tại Thụy Điển. Lần đầu tiên mình được tiếp xúc với thực hành y khoa, nghiên cứu cùng như giáo dục tại một quốc gia phát triển. Chuyến đi này cũng làm mình nhận ra một hệ thống dự phòng hiệu quả chính là chìa khóa để cải thiện cuộc sống của bệnh nhân ung thư.

Trong một buổi seminar về sàng lọc và dự phòng ung thư cổ tử cung, tất cả các bạn sinh viên trao đổi từ khác nước Châu Âu khác bàn luận một cách sôi nổi về thành tựu của hệ thống dự phòng ung thư của nước mình. Chỉ trừ có bọn mình – sinh viên Việt Nam và một bạn khác đến từ Châu Phi là chưa chia sẻ được gì về nhiều.

Trải nghiệm đó đã thay đổi thế giới quan của mình về giáo dục và y học một cách sâu sắc.

Mình tự đặt ra câu hỏi: “Việt Nam cần làm gì để có được một hệ thống y tế và giáo dục như vậy?”

Khi trở về Việt Nam, hình ảnh của các bệnh viện ung bướu chật kín bệnh nhân vẫn đeo bám tâm trí mình hàng ngày. Hầu hết các bệnh nhân của chúng ta đều không có điều kiện về kinh tế nhưng lại mang trong mình căn bệnh “của người giàu”. 70-80% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối và rất nhiều trong số đó phải dùng toàn bộ gia sản để duy trì sự sống vì hệ thống bảo hiểm chỉ có thể chi trả một phần cho việc điều trị.

Thêm vào đó, hệ thống ghi nhận ca bệnh ung thư cũng như dự phòng ung thư của Việt Nam còn chưa hiệu quả, dẫn đến chúng ta không có bức tranh toàn cảnh về gánh nặng của ung thư của Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó lại làm mình thêm quyết tâm trau dồi thêm kiến thức để tìm cách xây dựng một chương trình sàng lọc và phòng chống ung thư hiệu quả cho Việt Nam.

dsf-2186-1600352686724

– Đó có phải là ngọn lửa nhen nhóm cho bước đi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ Harvard của anh?

Đúng vậy! Vào thời điểm đó mình mới trở về sau chuyến đi trao đổi sinh viên từ Thụy Điển, và nhìn thấy sự khác biệt rất lớn của hai hệ thống y tế làm cho mình đặt câu hỏi về con đường đi bản thân trong tương lai.

Mình cảm thấy nếu mình tiếp tục trở thành bác sĩ lâm sàng thì thực sự mình khó có thể giúp gì cho 70-80% người bệnh ung thư tại Việt Nam, những người chỉ phát hiện ra bệnh ở giai đoạn cuối. Từ đó, mình bắt đầu suy nghĩ Việt Nam sẽ cần phải làm gì để xây dựng một chương trình sàng lọc và phòng chống ung thư như ở châu Âu.

Quá trình suy nghĩ và tìm kiếm đó đã đưa mình đến với ngành dịch tễ và phòng chống ung thư, một nhánh chưa được phát triển mạnh của Y tế Công cộng tại Việt Nam.

Khác với một số ngành khác, hầu hết các ứng viên tiến sĩ của ngành Y tế Công cộng hầu hết đều có bằng Thạc sĩ và có thể thêm 2-3 năm kinh nghiệm làm việc. Các kiến thức Y tế Công cộng tại Mỹ hay Châu Âu thì hầu hết chỉ được đào tạo từ bậc thạc sĩ trở lên (một số ít chương trình có đào tạo trong thời gian đào tạo bác sĩ và cử nhân, song số lượng rất ít).

Bởi thế, khi bạn muốn trở thành một ứng viên tiến sĩ thành công, có thể đảm nhận tốt công việc trợ lý nghiên cứu hay trợ giảng (mà ở đây là trợ giảng cho đối tượng học viên thạc sĩ trở lên) thì trường sẽ đánh giá cao việc bạn đã có một bằng thạc sĩ trong lĩnh vực liên quan.

Vì vậy ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ, mình tìm cách lấy thêm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy cũng như chuẩn bị cho việc học Thạc sĩ về dịch tễ và thống kê. Trong giai đoạn này (năm 2015-2016) thì song song với việc nộp hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ thì mình cũng thử sức nộp hồ sơ cho hơn 1 tá các chương trình tiến sĩ tại Mỹ và Châu Âu.

Kết quả đều trượt từ “vòng gửi xe” như mong đợi. Tuy nhiên kinh nghiệm qua việc chỉnh sửa hồ sơ và các thất bại “không đếm xuể” này là nền móng cho các thành công về sau của mình.

“Khi đã gần đến vạch đích, tại sao lại không cố gắng thêm chút nữa?…”

– Anh có thể chia sẻ về quá trình chinh phục học bổng tiến sĩ danh giá vào ĐH Harvard? Khó khăn, thuận lợi và kỉ niệm đáng nhớ nhất của anh trong thời gian đó?

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ thì mình trở về Việt Nam và tiếp tục công tác tại Đại học Y Hà Nội. Sau khi trở về thì mình bắt đầu chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ cho các chương trình tiến sĩ tại Mỹ.

Tại thời điểm này, sau khi đã có trải nghiệm với chương trình dịch tễ học ung thư thì mình liệt kê được khoảng 5 chương trình mạnh về mảng này mà mình muốn theo học.

Trong mùa apply năm 2017-2018, mình không quá thành công khi chỉ được nhận vào Đại học Washington (University of Washington). Hỗ trợ tài chính của Trường cho ngành Y tế Công cộng cùng không quá hấp dẫn khi học viên tiến sĩ sẽ phải tự tìm vị trí trợ lý nghiên cứu và trợ giảng theo từng năm một.

Cũng trong năm đó thì mình đã vào được tới vòng phỏng vấn của Đại học Harvard, tuy nhiên cuối cùng mình không được nhận vào chương trình này.

“Khi đã gần đến vạch đích như vậy, tại sao lại không cố gắng thêm chút nữa?”. Với sự động viên của gia đình thì mình tiếp tục nộp đơn cho mùa 2018-2019 vào Đại học Johns Hopkins và Harvard.

Mình liên lạc lại với giáo sư đã phỏng vấn mình tại Đại học Harvard để trao đổi thêm về hồ sơ của mình. Giáo sư Mucci, người đứng đầu chuyên ngành dịch tễ ung thư tại Harvard, là một người rất thú vị. Mình đã liên hệ với giáo sư Mucci từ khi mình nộp hồ sơ thạc sĩ vào Đại học Harvard năm 2015-2016 và nhận được thư trả lời vô cùng nhiệt tình.

Nếu bạn đã từng viết email cho các “Đại Giáo sư” thì các bạn cũng sẽ phần nào hiểu được những người nhiệt tình như vậy hiếm đến cỡ nào. Tuy về sau khi quyết định học thạc sĩ tại Johns Hopkins thay vì Harvard, mình vẫn luôn muốn có cơ hội vào việc tiếp với Giáo sư Mucci.

Qua trao đổi email thì Giáo sư Mucci cũng cho mình biết trong năm 2017-2018 thì tỉ lệ “chọi” vào chuyên ngành dịch tễ là 1 “chọi” 11-12. Bác có gợi ý mình về điểm GRE cần phải cải thiện phần “Verbal”, trong khi trước đó mình hoàn toàn không nghĩ đến đây là phần mình cần phải cải thiện nhiều.

Ngoài GRE, theo gợi ý của giáo sư và tìm hiểu hồ sơ (profile) của các ứng viên thành công trong chương trình này, mình bắt tay vào việc cải thiện hồ sơ cho mùa tiếp theo và kết quả sau một năm làm việc khiến hồ sơ được cải thiện đáng kể: Mình báo cáo tại 1 hội nghị quốc tế, xin thành công 2 tài trợ để tham gia các hội nghị và trao đổi nghiên cứu, xin thành công 2 khoản tài trợ khác để tiến hành các dự án giáo dục, và có 2 bài báo quốc tế được gửi đi tại thời điểm nộp hồ sơ.

Quan trọng nhất trong số đó phải kể đến chương trình Union for International Cancer Control (UICC) Technical Fellowships. Nhờ chương trình này và sự hỗ trợ của giáo sư Mucci, mình đến Đại học Harvard để trao đổi nghiên cứu trong 1 tháng để học hỏi thêm về hoạt động thể lực trong phòng và điều trị ung thư.

Trong thời gian này, mình đã có cơ hội gặp gỡ nhiều giáo sư khác trong khoa dịch tễ và có trò chuyện riêng với họ. Việc trực tiếp có mặt tại Harvard và gặp gỡ trực tiếp các giáo sư trong hội đồng tuyển sinh là điểm quan trọng giúp hồ sơ của mình ghi điểm trong mùa 2018-2019.

– Anh có thể “bật mí” một chút kinh nghiệm để được nhận vào chương trình tiến sĩ? Anh sẽ nghiên cứu ngành nào?

Ngành học chính của mình là dịch tễ và phòng chống ung thư. Mình hi vọng trong quá trình nghiên cứu sẽ có thể dùng một phần số liệu tại Việt Nam cho đề tài của mình. Về kinh nghiệm để nhận vào chương trình tiến sĩ thì mình muốn chia sẻ một số điểm nhỏ.

Đầu tiên, nhiều bạn hay nghĩ số lượng bài báo khoa học là yếu tố quan trọng nhất trong việc xin vào chương trình tiến sĩ. Mình thấy điều này chỉ đúng một phần với chương trình tiến sĩ dịch tễ học tại Mỹ. Qua quá trình học tập tại đây và lời khuyên của các giáo sư thì mình thấy các bạn nên có 1-2 bài báo quốc tế hoặc báo cáo tại hội nghị quốc tế đúng với chuyên ngành mà các bạn muốn theo đuổi. Trên bài báo đó thì bạn nên là tác giả chính. Điều này sẽ cho hội đồng tuyển sinh thấy bạn là người có tiềm năng trong nghiên cứu và đáng để đầu tư thêm.

Ngược lại, mình cũng đã gặp một số ứng viên có rất nhiều bài báo khoa học, điển hình như một bác sĩ người Ai Cập, tốt nghiệp thạc sĩ từ Johns Hopkins, có 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu tại Đại học Harvard với 19 bài báo quốc tế (11 bài là tác giả chính) nhưng khi nộp hồ sơ năm đầu thì trượt 11/13 chương trình tiến sĩ. Đến năm thứ hai thì anh mới đỗ vào chương trình tiến sĩ của Johns Hopkins và luôn nói với bọn mình là con số trung vị (median) số bài báo của ứng viên tiến sĩ của Johns Hopkins khi nhập học là 0.

Giáo sư của mình tại Johns Hopkins cũng chia sẻ rằng khi bạn đã có bằng bác sĩ, có bằng thạc sĩ và rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu thì bạn có đủ khả năng trở thành nhà nghiên cứu độc lập rồi. Nhiều hội đồng tuyển sinh sẽ rất đắn đo khi đưa ra quyết định vì họ cảm thấy không thể làm gì thêm để giúp bạn thành công hơn. Khi đó, đơn giản là bạn không còn phù hợp với chương trình đào tạo tiến sĩ nữa chứ không phải do hồ sơ của bạn không tốt.

Điểm thứ hai, làm nghiên cứu sinh là một chặng đường dài và bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi dấn thân vào con đường này. Các bạn ở Việt Nam nên lấy thêm kinh nghiệm nghiên cứu ngay tại Việt Nam trước khi đi học tiến sĩ. Như vậy thì bạn sẽ hiểu mình có hợp với ngành này không và ở Việt Nam thì ngành này tương lai sẽ phát triển ra sao.

Qua đó, bạn sẽ lựa chọn chủ đề nghiên cứu và các khóa học phù hợp khi ở nước ngoài, tránh những thứ mà có thể Việt Nam chưa áp dụng được trong tương lai gần. Bạn sẽ phần nào tránh được cú sốc “văn hóa” khi trở về Việt Nam và có những kỹ năng cần thiết để có thể làm khoa học tại Việt Nam một cách bền vững

Một nhà khoa học tốt phải chuyển được ngọn đuốc cho thế hệ tương lai

– Ước mơ lớn nhất đến thời điểm hiện tại của một bác sĩ trẻ như Tùng là gì?

Hiện tại mong muốn lớn nhất của mình là người Việt không còn phải đi ra nước ngoài để học kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghiên cứu y học cũng như nhiều ngành khác nữa. Vì vậy, mình và một số cựu sinh viên từ Johns Hopkins và Harvard đã thực hiện dự án Research Advancement Consortium in Health (REACH) với sự tài trợ từ quỹ VEF Alumni Grant năm 2018-2019 của Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Dự án tập trung vào cung cấp các khóa học online miễn phí cũng như các hội thảo về nghiên cứu khoa học tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2018-2019, bọn mình đã tư vấn và tài trợ 3000 USD cho 3 dự án nghiên cứu y học của các nhà nghiên cứu trẻ cả nước. Trong năm 2020, REACH đã tài trợ thêm cho 2 dự án mới cũng như mở rộng các khóa học online về các chủ đề nghiên cứu y học.

– Giành học bổng thạc sĩ sau đó được vào chương trình tiến sĩ của những đại học hàng đầu thế giới quả là một hành trình ấn tượng. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, đâu là những bí quyết cơ bản nhất của anh?

Để có được kết quả này thì mình thấy quan trọng nhất là bạn cần sẵn sàng theo đuổi ước mơ của bản thân, cụ thể với mình là nghiên cứu về dịch tễ và phòng chống ung thư. Trong quá trình này sẽ có nhiều lúc thất bại, nhiều lúc bạn chán nản, có nhiều các cơ hội khác để đi du học ở một ngành khác mà bạn có thể không thấy phù hợp, khi đó lựa chọn nằm ở chính bạn.

Mình đã từng thấy rất nhiều ứng viên tiềm năng nhưng không thành công ở mùa giải đầu tiên. Do nhiều áp lực, các bạn này thường lựa chọn các quyết định “dễ dàng”: đi học ở ngành chưa hẳn phù hợp nhưng có học bổng, đi học ở trường thấp hơn… thay vì cố gắng cải thiện hồ sơ cho mùa tiếp theo.

Mình biết việc ở lại để cố gắng tiếp là một quyết định khó khăn, bản thân mình cũng có lo âu trong quá trình đó nhưng “Khi đã gần đến vạch đích như vậy, tại sao lại không cố gắng thêm chút nữa?”. Mình hi vọng các bạn có thể hiểu được là rất ít người có thể thành công ngay từ lần đầu tiên nộp hồ sơ và nhiều khi xin học bổng là cuộc thi sức bền chứ không phải sức bật. Đừng bỏ cuộc sớm với ước mơ của mình.

– Anh sẽ trở về đóng góp cho quê hương trong tương lai?

Với mình, một nhà khoa học tốt không chỉ tạo ra kiến thức mới mà còn phải chuyển lại ngọn đuốc tri thức cho thế hệ tương lai. Ngoài lĩnh vực dịch tễ ung thư, mình còn rất quan tâm đến giáo dục trong y khoa. Một trong những trăn trở chính của mình là người Việt vẫn phải ra nước ngoài để học thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghiên cứu y học cũng như nhiều ngành khác nữa.

Vì vậy mình quyết định ở lại trường Đại Học Y Hà Nội, tham gia giảng dạy cũng như tham gia xây dựng chương trình đào tạo mới cho các thế hệ bác sĩ và nhân viên y tế tương lai. Chỉ một số người như mình đi ra nước ngoài học thì không thể tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong ngành y, chúng ta sẽ cần một thế hệ mới được đào tạo ngay tại Việt Nam để làm việc đó.

Một hướng nghiên cứu của mình trong giáo dục y khoa là tìm hiểu các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần và cảm nhận của sinh viên về môi trường học tập. Trong nghiên cứu này, các sinh viên y khoa không có động lực học tập nội tại, ví dụ như những người vì gia đình và vì những yếu tố bên ngoài tác động nên mới theo đuổi ngành y, có tỷ lệ trầm cảm cao gấp 2,6 lần và tỷ lệ có ý tưởng hành vi tự sát cao gấp 2.3 lần các bạn có động lực học tập nội tại.

Hiện tại, với sức giúp đỡ của các thầy cô từ Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, nghiên cứu này đã được mở rộng đến 8 trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Mong muốn của mình là với những kết quả này, xã hội sẽ có một góc nhìn khác về việc lựa chọn chuyên ngành và lựa chọn trường đại học.

Theo ý kiến cá nhân của mình thì điểm số hay điểm thi đại học chỉ quyết định một phần sự thành công của sinh viên, một động lực đúng đắn để theo đuổi chuyên ngành đã chọn mới có thể đưa đến thành công lâu dài. Việc lựa chọn không đúng chuyên ngành sẽ dẫn đến giảm động lực học tập và có thể mang đến những hậu quả lâu dài về sức khỏe tâm thần ở sinh viên.

– Xuất sắc giành học bổng và hiện đang nghiên cứu chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ, dự định gần nhất của bác sĩ Tùng sắp tới là gì?

Ngoài công việc nghiên cứu thì mình sẽ cùng các bạn trong nhóm tập trung vào dự án REACH. Mục tiêu là tạo ra nhiều khóa học online chất lượng với nguồn học liệu từ chính các đại học uy tín như Johns Hopkins và Harvard. Trong năm tới, mình cũng hi vọng tổ chức thêm một số hội thảo để chia sẻ thêm về kinh nghiệm nghiên cứu ở Việt Nam.

Cảm ơn Thạc sĩ – Bác sĩ Phạm Thanh Tùng, chúc anh tiếp tục thành công trên con đương đã chọn!

Theo Dân trí

Share.

Leave A Reply