SSDH – Thử đọc qua những gạch đầu dòng dưới đây để biết bạn có thực sự hiểu về gap-year (năm nghỉ ngơi) không nhé.
Gap Year không còn là một khái niệm xa lạ với những bạn học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, rất nhiều bạn cũng đã lựa chọn một hoặc một vài Gap Year (năm nghỉ ngơi) cho bản thân sau khi kết thúc 12 năm học phổ thông hoặc sau khi hoàn thành kì thi đại học.
Thử đọc qua những gạch đầu dòng dưới đây để biết bạn có thực sự hiểu về gap-year không nhé.
Gap Year không có nghĩa nằm nhà và… đếm cừu
Mỗi người có một cách sử dụng Gap Year của bản thân mình. Tuy nhiên, đừng biến năm nghỉ ngơi của mình trở thành một năm vô ích và trống rỗng. Đừng chỉ ngồi ở nhà và “thả rông” hoàn toàn với lý thuyết đậm đặc tính chất biện minh một cách bảo thủ: mình đã học tập vất vả trong nhiều năm trời và đây là thời gian nghỉ ngơi. Gap Year nghĩa là bước ra ngoài và tích lũy những kiến thức từ cuộc sống chứ không phải giam mình trong nhà và kết bạn với máy tính, TV.
Gap Year cũng cần kế hoạch
Thông thường, mọi người thường sử dụng Gap Year của mình để đi du lịch, đến những miền đất mới hoặc ít nhất là trải nghiệm những công việc mới, những hoạt động khác nhau. Ngay cả khi chúng ta không thể biết điều gì đang chờ mình ở phía trước, hãy lập cho mình một kế hoạch cụ thể với nhiều phương án khác nhau. Ví dụ, bạn sẽ sử dụng 3 tháng đầu tiên vào việc ôn luyện tiếng Anh để thi lấy chứng chỉ và đăng ký một chương trình thực tập ở nước ngoài. Trong trường hợp, bạn không đạt được kết quả như mong đợi, bạn sẽ dùng chứng chỉ đó để đăng ký những chương trình tình nguyện hoặc đến những vùng đất cần người tình nguyện dạy tiếng Anh cho các em nhỏ, hoặc nộp đơn chấp nhận làm việc không lương cho một công ty dịch thuật nào đó để lấy kinh nghiệm. Để có thể sử dụng hiệu quả Gap Year của mình, bạn cần có kế hoạch, không chỉ một, mà còn là rất nhiều kế hoạch khác nhau để dự phòng.
Bạn chọn Gap – Year vì ai?
Ngay thời điểm Gap Year đang dần trở nên phổ biến, chúng ta phải đối mặt với tình huống nhiều bạn lựa chọn gác lại sách vở và lên đường khám phá thế giới chỉ bởi… “rất nhiều người bạn của tớ cũng làm như vậy”. Họ không hề nghĩ cho bản thân mình, không hề nghĩ mình sẽ được và mất gì từ chuyến đi ấy. Tất cả những gì họ quan tâm là chạy theo trào lưu của số đông. Không những vậy, rất nhiều bạn còn chọn gap-year như một cách chống đối bố mẹ, như một cách để chứng tỏ rằng bản thân đã trưởng thành.
Hãy nhớ, mục đích ban đầu và quan trọng nhất của Gap Year là giúp học sinh, sinh viên trải nghiệm cuộc sống bên ngoài sách vở, giúp họ hiểu rằng đâu mới là đam mê thực sự, đâu là ngành nghề họ phù hợp và muốn theo đuổi trong tương lai. Trước khi bắt đầu Gap Year, hãy thuyết phục bố mẹ bằng những thành tích trước đó, đơn giản như: có thể tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự kiếm việc làm thêm, tự trả tiền học,…
Không phải tất cả mọi người đều cần đến Gap Year để hiểu thêm bản thân mình. Suy nghĩ thật kĩ, và đừng bước đi vì một người nào khác, hãy bước đi vì chính bạn.
Gap Year, nên làm gì?
Nếu bạn muốn thử sức mình bằng một năm nghỉ ngơi, hãy thử những gợi ý dưới đây.
– Làm tình nguyện trong các trại trẻ mồ côi, trong các trang trại. (Bạn có thể google các trang web như WWOOF hay HELPX để tìm kiếm cơ hội làm tình nguyện ở các quốc gia khác nhau, nơi bạn được cung cấp chỗ ở và đồ ăn miễn phí, đổi lại bạn sẽ làm việc vài tiếng một ngày cho trang trại, hoặc văn phòng của họ).
– Xách ba lô lên và đi: Bạn nên lựa chọn những điểm đến một cách cẩn trọng. Ở bất kì điểm đến nào, ở bất kì quốc gia nào, bạn đều sẽ tìm được những bài học đáng giá, quan trọng là bạn có chủ động học hỏi hay không mà thôi. Bởi thế, đừng ép buộc bản thân mình phải đi quá xa. Một chuyến du lịch xuyên Việt để khám phá kĩ hơn quê hương, đất nước mình cũng không phải ý tưởng tồi.
– Trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Nếu điều bạn cần là kinh nghiệm chứ không phải tiền bạc, hãy chủ động liên hệ và bày tỏ ý kiến của mình với nhà tuyển dụng, bạn sẽ có cơ hội được nhận vào làm. Càng nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ hiểu đâu là điều mình thực sự muốn làm và muốn theo học ở trường đại học.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Kênh 14