Bí quyết để du học sinh trưởng thành hơn tại Úc

0

SSDH – Môi trường học tập tại Úc yêu cầu du học sinh phải biết cách thu xếp việc học, việc đi làm, việc tham gia tổ chức xã hội để đạt được những mục tiêu cao nhất.

 

Úc là một trong những quốc gia mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam mong muốn “gửi gắm” ước mơ. Du học Úc có nhiều ngành nghề đa dạng để sinh viên có thể lựa chọn. Tuy nhiên, để trưởng thành trên đất Úc không phải là một điều dễ dàng, có thể làm một sớm một chiều được.

 

Không đọc trước giáo trình, sách báo là… “chết”!

 

Dù là sinh viên rất khá ngoại ngữ khi còn học ở Việt Nam nhưng những yêu cầu đậm chất “học thuật” không khỏi làm tôi choáng ngợp. Có những ngày giảng viên đưa 5-7 quyển sách hoặc một mớ tài liệu để sinh viên về… tự đọc, tự học và tự tìm hiểu trong vòng 1-2 ngày hay cao lắm thì một tuần. Bạn bè quốc tế đọc sách như đọc bằng tiếng mẹ đẻ, còn mình phải đánh dấu xanh, đỏ hết cả quyển giáo trình mà đôi lúc còn chưa thấm được vấn đề.

 

Thế nên không còn cách nào khác, lần đầu tiên trong đời, đứa du học sinh đến từ tỉnh lẻ của Việt Nam phải nghiêm túc đặt ra cho mình một kế hoạch học tập để có thể “sống sót”. Tôi chủ động tìm kiếm các anh chị du học sinh người Việt tại trường trên tôi 1-2 khóa để tìm ra “bí kíp”.

 du%20hoc%20sinh%20tai%20uc.jpg

 

Ở Úc, trường yêu cầu sinh viên đủ kiểu: Tiếp nhận và tổng hợp thông tin; phân tích và phản biện thông tin; mở rộng vấn đề… đối với một bài học.

 

Môi trường ở Úc khá thân thiện và thoải mái về giờ học, chọn môn học. Tôi chọn cho mình những môn học tôi yêu thích, có cảm hứng nhất để có động lực, đồng thời “chi ra” khoảng bốn tiếng để đi học buổi tối: Một tiếng học với giáo sư môn học và hai tiếng với người hướng dẫn (gần như trợ giảng). Sau giờ học, tôi dành thêm một tiếng để ôn lại tất cả kiến thức vừa học để có thể hiểu rõ, nhớ lâu.

 

Để làm tốt hết bốn tiếng đồng hồ, tôi phải dành ít nhất bốn tiếng mỗi ngày tại thư viện để đọc giáo trình, đọc tin tức qua báo chí, tra cứu thêm thông tin về vấn đề mà tôi quan tâm. Ngoài ra, việc xem tivi, nói chuyện với bạn bè bản xứ, các anh chị học cùng ngành cũng mang lại cho tôi những phát hiện thú vị để có thể trao đổi cùng giảng viên.

 

Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện gặp giảng viên hay người hướng dẫn với một cái “đầu rỗng”. Vì tôi biết biểu hiện của sự lười biếng, thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên cần sẽ không thể giúp tôi vượt qua được những môn thi viết 5.000 chữ khắc nghiệt, với số lượng liên tục hằng tuần chứ đừng nghĩ đến chuyện thành tích tốt hay có học bổng.

 

Tham gia các tổ chức xã hội để trưởng thành

 

Kết quả học tập khá giỏi (GPA từ 3 đến 4/4 điểm) là chìa khóa để tôi tiếp cận với muôn ngàn cơ hội: học bổng, cơ hội thực tập, việc làm… Tuy nhiên, tôi nhận ra kỹ năng sống và mức độ đóng góp xã hội là những gì nhà trường, tổ chức tài trợ học bổng, các giáo sư, hay các công ty… rất quan tâm.

 

Nhà trường có thể cho tôi 70%-100% học phí; các giáo sư có thể chọn tôi để cùng tham gia nghiên cứu, tài trợ chuyện học hành; chính phủ Úc có thể đài thọ cho tôi toàn bộ tiền học, chi phí sinh hoạt; hay các doanh nghiệp có thể “rinh” tôi vào các suất thực tập hay việc làm… nếu họ thấy tôi có khả năng lãnh đạo, khả năng giao tiếp, dễ hòa nhập, thân thiện và có những đóng góp nhất định cho trường lớp, thầy cô, bạn bè, xã hội.

 

Muốn thế, tôi cần tham gia những tổ chức đoàn thể, phi chính phủ hay các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Tôi chọn tham gia Mô hình xã hội Liên Hiệp Quốc (thuộc tổ chức Đa diện Liên Hiệp Quốc tại Úc) và nhóm tình nguyện tổ chức sự kiện… Đây là hai nơi đã cho tôi trải qua nhiều vị trí khác nhau, nhiều ngành khác nhau (marketing, truyền thông…) dù ngành tôi học là quan hệ quốc tế.

 

Tôi biết cách thuyết phục một nhóm gồm nhiều sinh viên đa quốc gia cùng làm việc theo một “guồng máy” để hoàn thành một chương trình sự kiện, học được cách “nói không” mà đối phương vẫn hài lòng, khi xã hội dạy tôi phải chia sẻ để khi tôi khó khăn sẵn sàng có người xuất hiện phụ tôi việc này, giúp tôi việc kia. Từ đó những cảm nhận, kinh nghiệm làm việc, sự trưởng thành đã giúp tôi thuyết phục nhà tuyển dụng tại Úc “gật đầu” cho tôi vào thực tập khi du học.

 

Ba sai lầm của du học sinh

 

Từ bản thân mình và quan sát bạn bè xung quanh, tôi rút ra được ba sai lầm mà du học sinh Việt như tôi cần tránh:

 

1. Không giữ sức khỏe: Nhiều sinh viên qua Úc bị “sốc” thời tiết. Đã vậy còn ăn uống thất thường, đi chơi khuya hoặc học và làm việc không khoa học nên lao lực. Dù trước khi du học, du học sinh có mua phí chăm sóc sức khỏe nhưng thực tế chỉ dành cho khám mắt, khám răng. Nếu chẳng may bị bệnh thì du học sinh phải trả rất nhiều tiền, có trường hợp phải nghỉ học chữa bệnh.

 

2. Mải mê kiếm tiền: Nhiều du học sinh “mắc bẫy” của đồng tiền. Hằng tuần tôi dành cho mình 20 tiếng để đi làm thêm. Mức thu nhập 14-16 USD/giờ làm việc đã hỗ trợ nhiều cho chi phí học hành, sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều du học sinh vì “mê thu nhập” mà thiếu chú tâm vào việc học, đặc biệt với những tuần có lịch thi dày đặc. Không ít du học sinh vì tiếc vài trăm USD mà phải nhận điểm thấp, thậm chí là học lại.

 

3. Không chịu nấu ăn: Thay vì đi làm nhiều để có tiền, du học sinh có thể “tiết kiệm”. Một trong những giải pháp hữu hiệu là… tự nấu ăn. Người Việt ở Úc rất đông và bán thực phẩm không quá đắt đỏ. Thế nên nếu biết nấu ăn, tranh thủ thời gian nấu ăn học bài thì vừa học tốt, vừa tiết kiệm.

 

Để chọn trường cho tốt 

Du học sinh cần biết mình thích ngành nào. Sau đó tìm kiếm tất cả trường có ngành học thông qua mạng Internet. Lên các diễn đàn cựu du học sinh tại Úc, bạn sẽ dễ dàng được tư vấn chọn trường nào có hạ tầng tốt, ngành học uy tín, các môn học bạn yêu thích, các cơ hội phát triển kỹ năng, nghề nghiệp… với giá học phí tối ưu, phù hợp với gia đình.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Anh Lê

Du học sinh ĐH Macquarie, Úc

 

Share.

Leave A Reply