SSDH- Học bổng chính phủ Hàn Quốc là loại học bổng du học Hàn Quốc có giá trị lên đến 100%. Hơn nữa, du học sinh theo diện học bổng sẽ không cần phải chứng minh tài chính. Vậy nên, săn học bổng chính phủ Hàn Quốc trở thành mục tiêu của nhiều học sinh. Hãy cùng SSDH bỏ túi ngay những bí kíp liên quan đến việc phỏng vấn cho Học bổng Chính phủ Hàn Quốc qua bài chia sẻ của bạn Minh Tâm nhé!
1. Phỏng vấn với Đại sứ quán.
Trước tiên là phỏng vấn với Đại sứ quán. Phần chính của buổi phỏng vấn của mình diễn ra trong vòng 7’, với 5 câu hỏi chính gồm:
-
Giới thiệu bản thân
-
Tại sao lại chọn Hàn Quốc?
-
Con viết trong này là chọn 3 trường aaa, bbb và ccc, vậy thì lý do nào đã khiến con chọn các trường này?
-
Kế hoạch tương lai của con sau khi học xong là gì?
-
Con bảo rằng con đang bảo lưu, tại sao con không chọn học bổng cho hệ thạc sĩ mà quyết định apply lại hệ đại học?
Bên cạnh đó mình còn xin thêm 1’ cuối để “trăn trối” và cảm ơn các thầy cô, nên tổng thời gian là 8’ nhé.
Mình được phỏng vấn qua Zoom, trong phòng có 3 thầy cô, nhưng tuy nhiên trường hợp của mình thì chỉ được 1 thầy và 1 cô hỏi thôi, còn 1 thầy còn lại là ghi chép thì phải.
Bầu không khi lúc phỏng vấn với đại sứ quán cũng vô cùng thoải mái, các thầy cô cũng cười nhiều lắm, trước phỏng vấn mình có run bao nhiêu cũng tan biến hết ấy. Mình nhớ lúc được hỏi câu “Kế hoạch sau khi tốt nghiệp”, mình trả lời cụ thể rằng “Sau khi về VN thì con sẽ xin việc vào công ty abc ạ” thì các thầy cô cười bảo là “Trời ơi chưa gì đã tính cụ thể thế luôn hả con?” =)))))
Thủ tục ban đầu lúc mới vào phỏng vấn sẽ là chào hỏi, kiểu 안녕하세요 các thứ ấy, tiếp theo là các thầy cô sẽ hỏi mình muốn trả lời bằng tiếng Anh hay Hàn, rồi sau đó là câu hỏi đầu tiên – giới thiệu bản thân. Do đó mà các bạn không cần lo chuyện có TOPIK nhưng vẫn muốn phỏng vấn bằng tiếng Anh hay là ngược lại đâu nha.
2. Phỏng vấn với trường.
Mục đích trường phỏng vấn với các bạn thực ra sẽ có 2 kiểu, một là để đánh giá khả năng của bạn, thường thì kiểu này sẽ “nghiêm túc” hơn, “gắt gao” hơn; và hai là để hiểu rõ bản thân bạn hơn, hay mình hay đùa là để “mơi” bạn vào trường đó. Đương nhiên là bầu không khí, rồi thời gian diễn ra phỏng vấn, rồi sự chuẩn bị cho từng trường hợp cũng sẽ khác nhau rồi.
Mình trải qua một lần phỏng vấn với Đại học Hanyang, lần còn lại là phỏng vấn với Đại học Dongseo. Với Đại học Hanyang, đây là những câu hỏi mình đã được hỏi trong vòng 10’ nha.
-
Vì đã có TOPIK 6 nên yêu cầu em giới thiệu bản thân bằng tiếng Hàn.
-
Em nói rằng em có thể nhận ra được yếu điểm của bản thân và sửa chữa nó, thế thì em có yếu điểm gì, vầ em đã sửa chữa nó như thế nào?
-
Khoa Media&Communication là một khoa rất hot ở Hanyang, vậy tại sao em lại chọn apply vào khoa và trường?
-
Em đã từng có kinh nghiệm đi du học hay sinh sống ở nước ngoài chưa?
-
Đi du học sẽ rất khác với đi du lịch hay trao đổi ngắn hạn, nếu có khó khăn thì em sẽ khắc phục nó như thế nào?
Chung quy lại thì chỉ có như vậy thôi. Còn trường Dongseo thì là phỏng vấn để hiểu được ứng viên hơn, nên bên cạnh 2 câu hỏi là “Hãy giới thiệu bản thân mình” và “Em mong muốn điều gì khi apply ngành này ở trường?” thì còn lại là mình sẽ được nghe giới thiệu về trường, về khoa, được giao lưu, tâm sự tuổi hồng rồi được đặt câu hỏi với các thầy cô.
Các cô ở trường Hanyang thì phỏng vấn trông hơi nghiêm trang, còn thầy cô tại Dongseo thì vui vẻ cởi mở lắm. Mình “phỏng vấn” với trường Dongseo những 32’ liền cơ.
Và đó là những trải nghiệm cùng kinh nghiệm của mình liên quan đến 3 lần phỏng vấn. Còn phần tiếp tục đây lại là những lời khuyên nha. Các bạn chuẩn bị tinh thần nhé, mình nghĩ là sẽ hơi dài đó.
Lời khuyên cho việc phỏng vấn.
-
Điều đầu tiên mình luôn luôn muốn nhắc đến đó chính là chuẩn bị trước các câu hỏi. Các câu hỏi phỏng vấn nên được chuẩn bị ngay sau khi các bạn nộp đơn, dù là bạn có nghĩ bản thân qua được vòng duyệt hồ sơ hay không. Đó là bởi vì tốc độ duyệt hồ sơ – thông báo đỗ – gọi phỏng vấn thật sự có thể nhanh hơn rất nhiều so với guideline. Như đợt đó track Đại sứ quán của mình là 8/10 deadline nộp đơn, 11/10 có kết quả hồ sơ và phỏng vấn vào 14/10, trong khi deadline “chung” cho thế giới như trong guideline lại là ngày 15/10 mới có kết quả duyệt hồ sơ. Mình bắt đầu chuẩn bị cho câu hỏi phỏng vấn vào ngày 10/10, mà đến sát phỏng vấn là 13/10 mới xong.
Các bạn nên chuẩn bị trước đó là:
- Giới thiệu bản thân
- Tại sao lại chọn Hàn Quốc?
- Tại sao lại chọn ngành?
- Tại sao lại chọn trường?
- Tại sao lại chọn apply học bổng này? Tức ý mình ở đây là sao không lựa chọn những chương trình học bổng khác.
- Kế hoạch học tập, tức phần 2 trong form Study plan.
- Kế hoạch sau tốt nghiệp, tức phần Future plan after study, phần 3 trong form Study plan.
- Những phẩm chất mà bạn nghĩ rằng có thể giúp bản thân mình đi được Hàn Quốc.
- Một số những câu hỏi khác về kinh nghiệm của bản thân khi sống xa nhà, sống một mình, đi nước ngoài chưa, đi Hàn chưa?
- Một số câu hỏi về văn hóa Hàn Quốc, chẳng hạn như 빨리 빨리 là gì, hay em thích điểm nào trong văn hóa của Hàn Quốc, hay là em thấy điểm nào giữa văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Việt Nam tương đồng với nhau.
- Nếu có khó khăn khi đi học xa nhà thì em sẽ làm cách nào để vượt qua.
- Sẽ làm gì để đóng góp vào quan hệ giữa hai quốc gia.
- Và những bạn nào apply vào năm 3 hoặc năm 4 đại học thì nên thủ thêm câu “Tại sao không chọn apply hệ thạc sĩ mà lại apply hệ đại học” nữa nha.
- Tạo nên phần “hook” của bản thân, tức là điểm gì đó đặc biệt trong phần trả lời phỏng vấn của bạn, ở phần đầu và cuối của buổi phỏng vấn. Phần đầu ở đây chính là câu “giới thiệu bản thân” đó. Bên cạnh tên, tuổi, quê quán, ưu điểm (mình không nói về nhược điểm mà đợi giám khảo hỏi thì mình mới trả lời) cùng với ước mơ là được học ngành truyền thông ở Hàn, mình đã chốt lại ở phần giới thiệu bản thân bằng một câu “Tên con nếu dịch sang tiếng Hán – Hàn sẽ là 명심, tức là khắc cốt ghi tâm, in sâu nhớ kĩ, cho nên con mong rằng bản thân có thể trở thành ứng viên mà đáng để được các thầy cô ghi nhớ”. Mình nhớ rằng lúc mình nói câu này thì screen của mình chỉ hiện ra một cô thôi, nhưng mà mình thấy cô cười tươi lắm.
Còn phần hook ở cuối phỏng vấn của mình chính là vào 1’ “trăn trối” mình xin thêm của các thầy cô, khi mà mình nói rằng “Cảm ơn các thầy cô đã thông cảm cho khả năng nói tiếng Hàn còn nhiều thiếu sót và chưa được trôi chảy của con, cũng như cảm ơn các thầy cô đã cho con cơ hội quý giá này”. Thực ra thì trước đó mình còn nói 2 câu nữa, những thôi, vì đây là dấu ấn cá nhân mà, mình nghĩ mình không nên chia sẻ quá tùy tiện =)) Một thầy khi nghe được câu này thì đã mỉm cười và bảo mình rằng “Con làm tốt mà”.
Mình nghĩ rằng phần hook ở đầu thì nên thể hiện sự mạnh mẽ, kiểu như là những cái quyết tâm rồi tự tin; còn hook ở cuối thì nên phô bày cái mềm mỏng – đó là sự khiêm tốn, lòng biết ơn,…
-
Khi bạn nêu lên nhược điểm của bản thân, hãy nói cả những tác động tiêu cực của nhược điểm đó lên bạn. Mình biết rất nhiều nơi dạy phỏng vấn khi tuyển dụng cho các học viên của họ rằng “hãy nêu lên một nhược điểm mà như ưu điểm”, và thế là 10 người thì cũng phải 9 sẽ bị “cầu toàn”, sẽ bị chỉn chu cẩn thận. Thực ra thì trong lúc phỏng vấn mình cũng bảo một trong những khuyết điểm bản thân là “cầu toàn”, là quá detail-oriented, nhưng thay vì bảo rằng “đây vừa là một nhược điểm vừa là một ưu điểm”, mình lại trình bày thẳng là “vì quá tập trung vào những tiểu tiết nên em rất dễ bị stress, em cũng chưa hoàn toàn khắc phục được điều này, nhưng em đang cố gắng hết sức bằng cách này cách kia. Mình biết là thật không dễ gì để thừa nhận những thiếu sót của bản thân, nhưng mà, như mình đã nói rồi đó, có thừa nhận thì mới có sửa đổi được mà.
-
Ngôn ngữ phỏng vấn không quan trọng, quan trọng là bạn thể hiện bản thân mình như thế nào. Thú thật là hồi phỏng vấn tiếng Hàn khi nói của mình không quá là trôi chảy, kém rất xa so với 3 kĩ năng còn lại, đây cũng là hệ quả của việc tự học quá nhiều. Nhưng mình vẫn cố sử dụng thứ tiếng Hàn hơi có phần ậm ừ của bản thân để sống sót qua 3 lần phỏng vấn. Mình cũng biết có những trường hợp khác, dù có TOPIK 6 nhưng lại không quá tự tin vào khả năng nói tiếng Hàn của bản thân nên đã chọn tiếng Anh để phỏng vấn, và cuối cùng vẫn được chọn. Hay có những trường hợp nói trộn cả 2 ngôn ngữ là Anh và Hàn trong buổi phỏng vấn, và bạn ấy vẫn được chấp nhận. Nên là mọi người đừng lo lắng quá về ngôn ngữ khi phỏng vấn nhé, làm thế nào mà thể hiện bản thân rõ nhất là được.
-
Bám sát vào những gì bản thân đã viết trong bài luận, không tô hồng cũng như không thu nhỏ bản thân mình lại. Như mình đã nói trong bài viết đầu tiên, bạn không thể nào từ một chú chim sẻ trong bài luận biến thành một con đại bàng khi phỏng vấn, vì như thế là bạn đang quá thổi phồng bản thân mình lên. Nhưng cũng không nên là một chú chim sẻ khi trên giấy tờ bạn lại từng là chú đại bàng. Hãy cứ là chính bạn của bài luận, là chính bạn của ấn tượng đầu tiên trong mắt hội đồng tuyển sinh thôi. Chim sẻ có cái hay của nó, và đại bàng cũng thế mà, hehe.
-
Nhất định phải cảm ơn các thầy cô, và không nên out khỏi phòng khi các thầy cô chưa yêu cầu. Mình nghĩ điều này thì chắc ai cũng biết rồi, nhưng có thể nhiều bạn sẽ cuống quá mà quên mất đó.
-
Cười tươi và ngồi thẳng lưng để thể hiện sự tự tin. Các bạn chỉ có khoảng 10’ hoặc ít hơn để “tỏa sáng” thôi, nên là tỏa sáng hết sức có thể thì sẽ rất tốt phải không nào?
-
Có ấp úng cũng không sao đâu. Lúc phỏng vấn, do quá run mà trong phút chốc mình đã không thể nói được tên trường đại học mình đã theo học bằng tiếng Hàn, mà chỉ nói được tiếng Anh thôi. Mình đã ú ớ loay hoay tầm 5-7s ấy, và cũng phải mất thêm 1s sau đó để bình tĩnh lại. Dù như thế nhưng mà mình vẫn đỗ, nên là các bạn, nhất là những bạn lo lắng vì sợ phỏng vấn bằng tiếng Hàn không được trôi chảy, như mình cách đây nửa năm, thì không cần trăn trở quá nhiều đâu nha. Nếu cuống quá thì bạn cứ ngừng lại, hít một hơi thật sâu rồi trả lời tiếp là được. Các thầy cô cũng cởi mở và thông cảm cho lắm.
-
Kiểm tra camera, background và đường truyền. Trước ngày phỏng vấn và trường giờ G khoảng 1 tiếng, các bạn nên duyệt lại những yếu tố trên, để nếu chẳng may có sự cố nào xảy ra thì vẫn có thời gian để đối phó nhé.
Mình nghĩ rằng camera sạch sẽ không bám bụi sẽ giúp làm các bạn trông sáng sủa hơn. Ngoài ra các bạn cũng nên đầu tư ít 4G cho mạng được mượt nhất có thể nha. Tầm 2 hoặc 3GB là quá đủ cho cả tối tổng duyệt lẫn lúc phỏng vấn rồi đó. Như trường hợp của mình là cả tối chạy thử lẫn lúc phỏng vấn thật hết có tầm đâu 1.2GB thôi nè.
Bạn nào phỏng vấn ở nhà mà background hơi không được đẹp thì mình nghĩ nên tắt đèn phòng và bật đèn bàn nha. Hôm mình phỏng vấn thì đằng sau mình là bàn thờ ấy, nên là mình đã tắt đèn phòng và bật đèn bàn học của mình lên. Tuy da dẻ có hơi vàng vọt chút nhưng che đi được background gây phân tâm thì cũng đáng để thử lắm ấy. Hoặc trong trường hợp bất khả kháng thì các bạn nên cài đặt background nha, tuy mình không khuyến khích cách này lắm.
-
Chuẩn bị về mặt tinh thần, tối trước phỏng vấn và 1 đến 2 tiếng trước giờ G, các bạn nên mở Zoom, nhìn vào màn hình và thử tập nói, một mình cũng được mà có người call cùng cũng được. Điều này sẽ giúp các bạn làm quen được với cảm giác “nhìn mặt bản thân” khi thực hiện phỏng vấn online, cũng như đến lúc phỏng vấn thật thì sẽ bình tĩnh hơn ấy. Bên cạnh đó, bạn cần làm quen với phần mềm thực hiện phỏng vấn, như là Zoom, Skype…, cùng một số các thao tác cơ bản như bật – tắt cam, bật – tắt mic hay set background nếu có…). Như hôm mình phỏng vấn, khi được chấp nhận vào cuộc họp thì mic và camera đều bị auto tắt nên phải tự bật, lúc đó cũng hơi run nữa nên mình khá là cuống ấy. Nếu chẳng may mình không quen với Zoom thì bản thân chắc chắn cũng sẽ mất kha khá thời gian để loay hoay đó.
-
Ăn mặc trang trọng. Dù là phỏng vấn online và bạn ngồi ngay tại nhà thì mình nghĩ ăn mặc trang trọng vẫn là điều nên làm. Kể cả khi phỏng vấn ở dưới bạn có mặc quần cộc thì bên trên vẫn nên là một chiếc áo sơ mi được là ủi thẳng thớm phẳng phiu nha.
-
Các bạn nữ tóc dài thì nên buộc tóc nha, kẻo tóc cạ vào mic là interviewer nghe sẽ bị ồn và rè tiếng lắm đó.
SSDH ( Tác giả : Minh Tâm)