Bóc mẽ giấc mơ du học người Việt: Nhà giàu khoe… oai!

0

Sẵn sàng du học – Có ý kiến thẳng thắn nhìn nhận, trong số du học sinh du học hiện nay chỉ được một số ít đi du học có học bổng là chất lượng tốt.

Chia sẻ ý kiến trong 1 bài giảng tại Viện toán học – Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam mới đây, Giáo sư Neal Koblitz (Đại học Washington tại Seattle, Mỹ) cảnh báo xu hướng vì sùng bái phương Tây mà quá coi trọng bằng cấp nước ngoài của người Việt.

Trao đổi quan điểm cùng PV về vấn đề du học của Việt Nam hiện nay, anh Nguyễn Văn Thuấn (29 tuổi, quê Thái Bình, cựu học sinh trường Đại học Đại học Tổng hợp kỹ thuật Ulyanovsk) ví von:

"Du học với nhiều "công tử bột" thực chất là: Bán thời gian, mua bằng cấp. Với họ đi du học như 1 trào lưu, một món đồ trang sức, con phải đi du học thì mới khẳng định được đẳng cấp tài chính gia đình".

Theo anh Thuấn, có những người tìm mọi cách để được đi du học ở các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Úc,… gọi là đi du học nhưng thực ra chỉ học ở những trường xếp ở cuối bảng tại các nước này. Nhưng rõ ràng họ vẫn tự hào vỗ ngực rằng, họ đang đi du học tại Mỹ.

Du học phương Tây trở thành trào lưu của người Việt. Ảnh minh họa

Du học phương Tây trở thành trào lưu của người Việt. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một độc giả đưa ra lời nhận định gay gắt khi cho rằng, trừ một số ít đi du học có học bổng có chất lượng tốt, còn lại là học viên kém chất lượng. 

"Thứ nhất, không thi đỗ được trường nào của Việt Nam, thứ 2, có tiền thích sính ngoại", vị độc giả bình luận.

Còn anh Lê Minh Triết, trú tại TP.HCM (cựu sinh viên trường Đại học Vassar, Mỹ) lại kể một câu chuyện về cậu bạn để nói lên chất lượng của một bộ phận du học sinh tự túc.

Anh bạn này thường ngày chỉ mải ham chơi, đua đòi. Đang học năm nhất tại một trường cao đẳng tại TP.HCM, anh bạn này đùng đùng bắt bố mẹ phải lo lót cho đi du học tại Anh chỉ để theo cô người yêu đi du học. 

Nhưng, chỉ 2 năm sau đó, anh chia tay người yêu. Không theo kịp sức học bạn bè thế là nghỉ học, chơi bời 1 thời gian rồi cũng về nước.

Anh Triết nhìn nhận, có nhiều trường hợp "thích là đi, chán là về" như anh bạn kia. Tất nhiên anh Triết cũng cho rằng cũng không thể đánh đồng năng lực của tất cả các du học sinh tự túc với nhau. 

Còn Tô Thanh Thảo (22 tuổi, Hà Nội, cũng là một du học sinh tại Mỹ) lại nhận xét, nhiều du học sinh thường là các "công tử bột", được bố mẹ "vẽ đường" từ khi lọt lòng. Nhiều trường hợp du học về thì ngồi sẵn vào vị trí đã được sắp đặt làm bù nhìn rơm. Một số khác trong đầu vốn trống rỗng nên phải chuyển sang làm lĩnh vực khác hoặc tiếp tục lêu lổng.

"Nhà bạn mình, bố mẹ rất có điều kiện nên thực ra họ cũng không quan tâm đến kết quả học tập thực tế của con, bởi họ có khả năng lo trọn gói. Họ chỉ nghĩ đến việc mỗi tháng đều đặn chuyển tiền sang cho con, đến thời hạn là lấy bằng cấp, làm đẹp lý lịch", Thảo kể.

Theo nữ sinh, cũng chính vì vậy mà nhiều du học sinh ỷ lại, chơi bời, gian lận thi cử,… làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

Đang học tập tại Nga, anh Thái Bá Hoàng (23 tuổi, Hà Nội) nhấn mạnh: "Đẳng cấp giữa việc du học học bổng và tự túc khác nhau hoàn toàn. Du học tự túc không có gì phải lên án, thậm chí là rất tốt vì đây là cơ hội cho các bạn trẻ học tập, giao lưu cùng bạn bè quốc tế nhưng đáng lên án nếu họ không có ý chí phấn đấu, dựa dẫm".

Nhưng nam sinh cho rằng, mỗi cá nhân nên tự lượng được sức mình để lựa chọn con đường để phát triển bản thân. 

"Nếu không nhận được học bổng toàn phần thì không bao giờ em nghĩ đến việc tự bỏ ra số tiên lớn để đi du học mặc dù có khả năng chi trả. Em sẵn sàng lựa chọn một trường trong nước, thậm chí đó chỉ đơn giản là trường nghề nhưng hợp xu thế", Hoàng nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply