SSDH – Trong viết dưới đây này, SSDH sẽ chia sẻ về một số dạng bài tập điển hình của ngành Luật. Vì là một môn đặc thù, mang tính chuyên môn cao, các bài tập của môn Luật cũng sẽ có những đặc điểm riêng. Việt Nam có hệ thống pháp luật bị ảnh hưởng bởi các nước châu Âu lục địa (Pháp – Liên Xô cũ), khác với các nước nói tiếng Anh (Anh, Úc, Mỹ) theo hệ thống pháp luật Common Law, nên các dạng bài tập cũng theo phong cách khác.
Xem thêm
Luật là một môn khó, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho biết bao thế hệ sinh viên các khối ngành kinh tế vì môn Luật là một môn học bắt buộc (mandatory) phải có trong chương trình cử nhân (bachelor) của các ngành liên quan đến Business hay Commerce. Với các bạn đi du học hoặc học ở trường quốc tế tại Việt Nam, sự khó khăn lại nhân lên khi các bạn phải học môn Luật của các nước theo hệ thống Common Law (Anh, Úc, Mỹ, New Zealand, Can, Sing…), khác với hệ thống pháp luật Civil Law của Việt Nam. Đây là một thử thách lớn với chính sinh viên Luật của Việt Nam, chứ chưa nói đến sinh viên các ngành kinh tế.
Trong post này, tôi sẽ chia sẻ về một số assignment điển hình của ngành Luật. Vì là một môn đặc thù, mang tính chuyên môn cao (technical), các bài tập của môn Luật cũng sẽ có những đặc điểm riêng. Việt Nam có hệ thống pháp luật bị ảnh hưởng bởi các nước châu Âu lục địa (Pháp – Liên Xô cũ), khác với các nước nói tiếng Anh (Anh, Úc, Mỹ) theo hệ thống pháp luật Common Law, nên các dạng bài tập cũng theo phong cách khác.
Chính vì vậy bài viết này sẽ vô cùng hữu ích cho các bạn sinh viên Việt Nam chuẩn bị du học luật quốc tế hoặc các bạn sinh viên kinh tế (business students) đang học tại các trường quốc tế ở Việt Nam (RMIT, Vin Uni, BUV), giúp các bạn hiểu được dạng bài mình sẽ thực hiện khi học bộ môn Luật. Lý do vì đa số các bạn đều sẽ đi du học ở các nước Common Law, hoặc các trường Đại học quốc tế ở Việt Nam cũng có background của các nước Common Law đầu tư/kết hợp (RMIT là Úc, Vin Uni là Mỹ, và BUV là Anh). Vậy nên các môn Luật và đặc biệt là môn Business Law hay Commercial Law (Luật Kinh Doanh Thương Mại) các bạn sinh viên kinh tế học trên trường sẽ có các assignment theo phong cách của các nước Common Law, khác với phong cách làm bài ở trường đại học của Việt Nam.
Trong ngành Luật, chúng ta sẽ được giao ba (03) dạng bài tập phổ biến như sau: essay (viết luận), case-note (tóm tắt vụ việc), IRAC (xử lý tình huống).
1. ESSAY – VIẾT LUẬN
Essay: các bài luận phân tích là dạng bài cơ bản nhất ở trường đại học. Trong ngành Luật, cũng như nhiều ngành khác, Essay thường được sử dụng để giao cho các sinh viên làm nghiên cứu, phân tích, bình luận một chủ đề cụ thể.
Có ba dạng thức essay phổ biến trong ngành Luật bao gồm:
– Legal Theory: đây là dạng bài viết/bình luận về các học thuyết pháp lý
– Legal Reform: đây là dạng bài viết đưa ra ý kiến để sửa đổi pháp luật
– Legal History: dạng bài viết phân tích về lịch sử pháp lý
Essay được đánh giá là khá đơn giản, trực diện và dễ hiểu cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên thực tế đây không phải dạng bài phổ biến của các trường thuộc hệ thống Common Law, đặc biệt với các môn học thiên về thực tiễn như Luật Doanh Nghiệp, Thương Mại, Tài Chính – Ngân Hàng.
Dưới đây là hai dạng bài phổ biến và khó hơn của bộ môn Luật ở các nước Anh, Úc, Mỹ, đó là Case-Note và IRAC problem-solving question (scenario-based). Đây là hai loại assessment có sử dụng đến án lệ (case-law) thường gặp nhất trên lớp. Cho dù là sinh viên luật hay sinh viên kinh tế ở Việt Nam, việc tiếp xúc với án lệ của common law đều còn xa lạ, và các bạn thường chưa biết bắt đầu từ đâu để việc xử lý án lệ được nhanh gọn và đạt hiệu quả cao nhất cho bài kiểm tra. Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn và tự tin hơn khi làm bài.
2. CASE-NOTE : BÌNH LUẬN – TÓM TẮT BẢN ÁN
Đối với các bài bình luận và tóm tắt bản án, chúng ta sẽ có hai dạng bài:
Một là Case-Brief: thực hiện một bài viết ngắn tóm tắt án lệ;
Hai là Case-Note, nâng cao hơn, yêu cầu sinh viên phải đưa quan điểm, bình luận cá nhân (Critical Analysis) đối với một phán quyết của toà.’
Với hai kiểu bài này, các bạn cần trình bày/quan tâm tới các nội dung cơ bản sau:
• Tình tiết (Facts): Tên các bên trong vụ việc, ai là nguyên đơn (plaintiff) và bị đơn (defendant); Các sự kiện xảy ra dẫn tới tranh chấp; Nguyên nhân khởi kiện (vd, Tort of negligence, Breach of contract); Quyết định của toà án đã xét xử vụ việc trước đó (nếu có).
• Vấn đề pháp lý (Legal issues): Nguyên đơn kiện bị đơn về vấn đề gì, thường được thể hiện dưới dạng câu hỏi: Whether A committed a tort of negligence against B?; Luận điểm của từng bên về các vấn đề pháp lý này.
• Quyết định của toà (Holding and Reasoning): Kết luận “Có” hoặc “Không” với vấn đề pháp lý đặt ra phía trên; Các nguyên tắc pháp luật (quy định – rules) được toà dẫn chiếu để đi đến kết luận này; Toà áp dụng nguyên tắc pháp luật vào các tình tiết như thế nào.
Nếu được giao Case Brief, sinh viên chỉ cần dừng lại ở các nội dung cơ bản trên, cùng với việc đưa ra bình luận về hàm ý của toà án (implications) đối với các vụ việc tương tự trong tương lai, ý nghĩa và vai trò của án lệ đối với chủ đề pháp luật đang xem xét. Nếu được giao dạng bài khó hơn là Case-Note, sinh viên sẽ cần thể hiện phân tích phản biện Crictical Analysis, thì phần quan trọng nhất, chiếm đến 60 – 70% số điểm, là các bạn cần đưa ra nhận định cá nhân về việc liệu quyết định của toà đã đúng, hợp lý, và thuyết phục hay chưa.
Dạng bài này không chỉ cần sinh viên đọc hiểu sâu về án lệ, mà còn đòi hỏi khả năng phân tích, bình luận, đánh giá. Cụ thể, các bạn cần chỉ rõ mình đồng ý hay không đồng ý với quyết định của toà; giải thích lí do cho quan điểm trên thông qua bình luận, đánh giá cách toà phân tích các nguyên tắc pháp luật và áp dụng pháp luật vào vụ việc; chỉ ra đâu là các vấn đề pháp lý mà toà bỏ sót (yếu tố này khá khó).
Một bài làm được đánh giá cao khi đạt được cả ba yếu tố: Cấu trúc rõ ràng và dễ đọc; Xác định đầy đủ và chính xác các vấn đề pháp lý; Thể hiện quan điểm cá nhân mạch lạc (đồng ý hay không đồng ý với phán quyết của Tòa), lập luận thuyết phục, phân tích logic.
Thực ra không dễ để các bạn sinh viên đưa ra bình luận cá nhân sau khi đọc án lệ, chỉ cần hiểu hết được bản án sau khi đọc xong case summary là quá tốt rồi. Đâu dễ để bắt các bạn có thể bình luận quan điểm/lập luận của một ông thẩm phán. Có một trick các bạn có thể áp dụng, đó là tìm kiếm và đọc các publication bình luận về án lệ như bài báo đăng tạp chí – journal articles, hoặc trong các sách chuyên khảo khác trên thư viện online (peer-reviewed book). Các tài liệu này sẽ giúp các bạn có định hướng trong việc đưa ra bình luận trong bài của mình.
Các bạn lưu ý, không nhất thiết các bạn phải ‘bất đồng quan điểm’ với phán quyết để tạo sự khác biệt. Chúng ta hoàn toàn có thể đồng ý (hoặc đồng ý một phần) với phán quyết, điều quan trọng là lập luận (reasoning) phải rõ ràng và được đầu tư phân tích, cũng như được củng cố bằng các facts, evidences và các references khác.
3. PROBLEM SOLVING QUESTION (SCENARIO-BASED): XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG GIẢ ĐỊNH
Đối với Problem Question, đây là bài tập đánh giá khả năng sinh viên hiểu án lệ/quy định và áp dụng chúng để giải quyết các tình huống giả định (scenario-based question). Với bài case note, án lệ được tóm tắt và phân tích bình luận; còn đối với Problem Question, án lệ (case-laws/precedents) hoặc quy định của luật thành văn (statutory laws) được sử dụng với tư cách căn cứ pháp lý (legal basis) củng cố luận điểm và câu trả lời trước câu hỏi tình huống đặt ra.
Problem solving question sẽ khó hơn Case-note, vì các bạn không biết đáp án, và có thể áp dụng sai quy định dẫn đến kết luận không chính xác. Trong bài case-note, chúng ta không thể sai khi chỉ cần bình luận phán quyết của người khác (tức đã có sẵn kết quả và chúng ta bình luận về kết quả đó). Ở dạng bài tập tình huống này, sinh viên đóng vai Thẩm phán, là người đưa ra kết luận cho vấn đề pháp lý trong vụ việc giả định (dựa trên những quy định/án lệ chúng ta lựa chọn). Do đó, yếu tố quan trọng ngay từ đầu là các bạn phải lựa chọn được đúng quy định/chế định có thể áp dụng để giải quyết tình huống.
Các bạn nên có cho mình một bộ notes án lệ cho từng chế định được dạy. Trong từng ngành Luật cụ thể, có những chế định lớn nào, và các án lệ tiêu biểu của chế định đó. Ví dụ: trong chế định Undue Influence của Contract Law (Luật Hợp Đồng) có những án lệ tiêu biểu nào, khi cần áp dụng chế định đó, các bạn sẽ viện dẫn đến những án lệ này.
Việc chuẩn bị các án lệ tiêu biểu cho từng chế định để dùng về sau là quan trọng, và tránh được trường hợp sai lầm khá ngớ ngẩn (nhưng phổ biến trên thực tế) là sinh viên sử dụng án lệ của nước khác. Ví dụ: các bạn đang học Luật của Úc thì phải dùng án lệ Úc, chứ không được nhầm lẫn sử dụng án lệ của Mỹ, Canada hay New Zealand.
Tra cứu và vận dụng án lệ thực tế mệt mỏi và tốn nhiều thời gian hơn tra cứu văn bản pháp luật thành văn. Và đây là khó khăn lớn nhất của sinh viên Việt Nam khi học Luật của các nước Common Law. Tuy nhiên, khi quen và hiểu được dạng bài, công thức để làm các dạng bài này, các bạn hoàn toàn có thể ghi được điểm số cao ở trường quốc tế và có trải nghiệm học tập tích cực hơn.
Mong những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn sinh viên ở mọi ngành học tập bộ môn Luật tốt hơn trên giảng đường các trường đại học quốc tế.
SSDH (tác giẩ Victor Tran)