SSDH – Bạn có thể chọn thuê nhà riêng, ở nhà trọ hay khu ký túc xá hoặc thuê phòng trong gia đình bản xứ khi đi du học…
Chia nhà, có nhiều phiên bản chia nhà
Đa phần các du học sinh thường chọn chia nhà với người Việt Nam để dễ dàng trong giao tiếp, đặc biệt là trong thời gian đầu mới sang. Họ có thể tìm một căn hộ có 2,3 phòng ngủ rồi chia nhau mỗi người một phòng. Những tiện ích còn lại như phòng khách, toilet hay bếp sẽ chia giờ dùng chung. Chia căn hộ chung giúp giải tỏa được phần nhiều áp lực tài chính, tuy nhiên cũng có nhiều bất cập nếu có khác biệt văn hóa vùng miền và những thói quen sinh hoạt chung như giờ đi ngủ, vệ sinh phòng ốc (phòng chung), mua sắm các đồ gia dụng… Nếu chia nhà với những người bạn thân hợp cạ từ khi còn ở Việt Nam, chuyện chia công việc nhà càng khó xử hơn vì dễ dẫn tới mích lòng nhau. Hình thức chia nhà với đồng hương cũng không được các thầy cô giáo ủng hộ bởi điều này sẽ làm hạn chế sự hòa nhập khả năng ngôn ngữ với người bản xứ. Cô giáo Marie-Claude (IUT de Besancon, Pháp) không hề cổ vũ chuyện chia nhà ở chung của những sinh viên người Pháp tham gia chương trình trao đổi Erasmus ở Hà Lan.
Thật vậy, sống với bạn bè nước ngoài sẽ giúp bạn có cơ hội làm quen với những nền văn hóa khác nhanh chóng hơn bất cứ lớp học bài bản nào. Nếu chia nhà với người Việt Nam, hẳn bạn sẽ không bao giờ biết được phong tục bỏ giày ra trước cửa nhà rạng sáng 6.12 để chờ đón quà “ngọt” (bánh kẹo/ trái cây) từ thánh Nicholas. Chính hai cô bạn chia nhà người Rumani và Mexico cũng đã cho Minh Trang (du học sinh Việt tại Hà Lan) nhiều kinh nghiệm nấu nướng như: làm bánh pancake, pha chocolat sốt kẹo dẻo. Điều hay nhất là bạn sẽ được sử dụng ngoại ngữ mỗi ngày chứ không chỉ chờ đến giờ lên lớp hoặc xuống đường gặp gỡ người bản địa. Tuy nhiên, nguy cơ sốc văn hóa cũng là một trong những đắn đo của sinh viên khi chia nhà với bạn bè quốc tế.
Kí túc xá cũng là một lựa chọn
Ở một số nước, các kí túc xá cũng áp dụng hình thức chia nhà để trộn lẫn các sinh viên không biết nhau từ trước. Quốc Định (du học sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ) trong kì trao đổi ở The Hague University of Applied Sciences đã được may mắn xếp ở với một anh bạn dễ tính người Bồ Đào Nha. Dù phải “chung đụng” nhau tất cả mọi tiện ích (cả hai chia nhau một căn phòng lớn gồm bếp, khu vực học tập, hai giường ngủ) nhưng vẫn vượt qua được những khác biệt văn hóa dễ dàng. Nếu chọn những hình thức chia nhà có phòng riêng với hai lối đi riêng, bạn sẽ phải trả phí cao hơn.
Ở kí túc xá, bạn có nhiều lựa chọn về kích cỡ và giá phòng. Những kí túc cho hai người hay một cặp đôi nam nữ được gọi là căn hộ. Thông thường khi nhắc tới kí túc xá, người ta vẫn nghĩ tới những căn phòng đơn 9m2 cho một người, được gọi là chambre (phòng). Tuy diện tích chỉ có 9m2 nhưng vẫn được thiết kế hợp lí với gần như mọi tiện ích cơ bản cần cho sinh viên: giường ngủ, bàn học, tủ áo quần, kệ sách, tủ lạnh. Thường sẽ có các lựa chọn cho bạn, tương ứng với từng mức giá riêng như phòng truyền thống sẽ chỉ có bồn rửa mặt (bạn phải dùng chung phòng tắm và toilet ở một khu riêng) hay phòng thay mới sẽ có hẳn phòng tắm và toilet riêng. Ở kí túc xá là lựa chọn tối ưu cho những sinh viên mới sang vì thủ tục không rườm rà, bạn lại có thể làm quen với nhiều người bạn mới sống ở cùng tầng. Khu học xá thường tập trung gần trường học, thư viện, khu thể thao, nhà hát của trường… Tuy nhiên, ở Pháp không dễ gì có được một suất trong kí túc xá nếu bạn không phải sinh viên học bổng hoặc là một người cực kì may mắn. Bạn phải đăng kí qua Crous (có nhiều phiên bản Crous riêng cho từng thành phố) để xin vào ở kí túc xá cho năm học mới từ tháng 2, tháng 3.
Homestay, ước mơ ngôi nhà hạnh phúc nơi trời Tây
Ước mơ lúc nào cũng đẹp và thực tế thì… hồi sau sẽ rõ! Lê Vi (du học sinh tại Nantes, Pháp) đã trải qua những ngày homestay “địa ngục trần gian” lúc mới sang vì phải sống cùng một bà chủ nhà khó tính, bủn xỉn. Có đêm học bài khuya, bà chủ thẳng tay tắt phụt cái đèn phòng ngủ của Vi, hay tắm quá 20 phút sẽ bị đập cửa phòng tắm. Quá uất ức, Vi đã xách va li ra khỏi nhà ngay trong đêm.
Vẫn có những sinh viên may mắn được sống với gia đình bản xứ thân thiện, quan tâm chăm sóc họ như con cái trong nhà. Điều này không thể tự bạn kiểm chứng được trước khi lên đường du học, nhưng bạn hoàn toàn có thể nhờ bạn bè, người quen đến gặp gỡ chủ nhà trước để tìm hiểu trước khi sang. Hơn nữa, bạn cũng hoàn toàn có thể quyết định việc đi hay ở của mình khi cảm thấy môi trường không hợp. Tuy nhiên sự thật là mô hình homestay chỉ phù hợp với các học sinh trao đổi hệ phổ thông hoặc sinh viên năm đầu. Chuyện ở homestay chỉ thực sự thoải mái thi bạn không phải đụng chạm với gia chủ nhiều.
Nguồn: NĐH