SSDH – Không phải ai cũng có thể có mối quan hệ tốt với người bạn cùng phòng với mình, nhất là khi, rào cản về ngôn ngữ và phong cách sinh hoạt là một trở ngại lớn. Sau đây là một số bí kíp giúp bạn dễ dàng hơn trong việc sắp xếp cuộc sống sinh hoạt hợp lí và tạo mối quan hệ tốt với người bạn cùng phòng của mình.
Đi du học, bạn không chỉ phải đối mặt với những khó khăn trong học tập, tìm cho mình những người bạn trong lớp mà còn phải học cách thích nghi với cuộc sống, văn hóa bản địa và một điều ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống du học đó là cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với người bạn cùng phòng. Không phải ai cũng có thể có mối quan hệ tốt với người bạn cùng phòng với mình, nhất là khi, rào cản về ngôn ngữ và phong cách sinh hoạt là một trở ngại lớn. Sau đây là một số bí kíp giúp bạn dễ dàng hơn trong việc sắp xếp cuộc sống sinh hoạt hợp lí và tạo mối quan hệ tốt với người bạn cùng phòng của mình.
Sòng phẳng trong chuyện tiền bạc
Tốt nhất mọi người trong phòng nên thống nhất một ngày cụ thể để nộp một khoản tiền gọi là quỹ chung, khoản tiền đó sẽ được dùng để trả tiền nhà, tiền điện nước, mua đồ dùng chung trong phòng, mua thức ăn,…Cẩn thận hơn, bạn có thể mua một quyển số, đề nghị mọi người ghi những khoản chi tiêu khi dùng quỹ để dễ quản lí hơn và tránh gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, điều đó chỉ nên áp dụng trong trường hợp người bạn cùng phòng là một người kĩ tính, hoặc cũng có thể là một người chi tiêu không hợp lí. Bởi vì, đây là một vấn đề nhạy cảm, dù sòng phẳng là điều cần thiết nhưng không nhất thiết quá chi li, sẽ gây ra tâm lí không thoải mái cho mọi người.
Phân công rõ ràng
Không phải ai cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi và sức lực để giữ cho căn phòng luôn sạch sẽ, gọn gàng. Vì vậy, bạn nên phân công mọi người công việc cụ thể để có áp lực phải bắt tay vào công việc nhà, đặc biệt ở những khu sinh hoạt chung.
Một người bạn của tôi (Linh Trang – du học sinh tại Anh) khi chia nhà chung với hai cô bạn Ấn Độ và Mexico cũng đã cùng họ lên hẳn một bảng phân công công việc rạch ròi được dán lên tủ lạnh. Cứ chủ nhật tuần này Trang dọn nhà vệ sinh thì hai người kia sẽ đảm nhiệm khu vực bếp và phòng khách, còn phòng riêng thì mỗi người tự lo.
Ngoài lợi ích được sống trong một căn hộ sạch sẽ, bạn còn có thể tranh thủ cơ hội kết thân với những cô bạn cùng nhà khi cùng làm việc và nhất là hạn chế tối đa việc bị trừ tiền đặt cọc nếu chủ nhà nhận thấy nhà cửa bị bỏ lơ không ai dọn dẹp.
Thẳng thắn nói trước về tính cách, thói quen sinh hoạt của mình
Đừng ngại chia sẻ về tính cách cũng như những thói quen sinh hoạt của bản thân ngay khi bước vào căn nhà chung, đó là cách để người kia hiểu bạn rõ hơn và dễ dàng hơn trong việc chấp nhận một văn hóa khác với mình, từ đó giúp cho việc chung sống dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, việc này sẽ giúp mọi người tránh được những tình huống khó xử. Chẳng hạn, trong khi bạn là một người trầm tính, thích không gian yên tĩnh để học tập và nghỉ ngơi, thì người bạn cùng phòng lại thích tiệc tùng và rất hay mời bạn bè về nhà chơi, điều đó sẽ gây cảm giác ức chế, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, hãy thành thật với nhau ngay từ khi bắt đầu sống chung sẽ giúp các bạn cuộc sống ôn hòa, dễ thở hơn rất nhiều.
Nhiệt tình, cởi mở
Tuy rằng việc chia sẻ không gian, vật dụng sinh hoạt hay thậm chí đồ dùng cá nhân cho những người bạn chưa thân quen là một điều khá lạ lẫm đôi khi khiến bạn không thoải mái, nhưng nếu bạn cởi mở và tích cực chia sẻ với những người bạn cùng phòng sẽ giúp phát triển mối quan hệ và tạo sự thân thiết. Mới đầu, chúng ta thường ngại ngùng vì nhiều thứ như sự khác biệt về văn hóa, phong cách sống, ngôn ngữ nhưng hãy cố gắng mở cửa trái tim, chẳng có lí do gì mà mọi người không nhiệt tình đón nhận. Bạn có thể bắt đầu bằng việc gõ cửa phòng mỗi sáng và ‘say hi’ hoặc rủ họ cùng làm những món ăn truyền thống hay những món ăn yêu thích chung của mọi người.
Và hãy nhớ rằng, nếu có bất kì khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người bạn cùng phòng đầu tiên vì họ là những người luôn bên cạnh bạn có thể suốt khoảng thời gian du học này.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Học Bổng Hay