Cần xác định mục tiêu rõ ràng khi du học

0

SSDH – Cần xác định mục tiêu rõ ràng khi du học: Bản thân các em nếu thực sự muốn đi du học thì phải là những học sinh khá giỏi trở lên. Sự thiếu trang bị ngôn ngữ là một trong những sai lầm lớn nhất đẩy các du học sinh vào những bất trắc không mong muốn

 

Trong số hàng nghìn du học sinh Việt Nam đang du học tại nhiều nước trên thế giới, có một bộ phận không nhỏ du học sinh chỉ là “hữu danh vô thực”. Nguyên nhân do bản thân các du học sinh này đã không xác định được mục tiêu của việc đi du học…

 

Đứt gánh giữa đường

 

Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ lựa chọn đi du học theo cảm tính, quyết định nóng vội, không xác định được ngành nghề mình muốn học sao cho phù hợp với bản thân… Chính những sai lầm này đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam phải chịu cảnh đứt gánh giữa đường, không chỉ bỏ dở con đường du học mà còn mất đi nhiều cơ hội học tập trong nước. Trở về từ Pháp sau 3 năm học dự bị đại học mà không đủ điểm để vào đại học, Tuấn Anh ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ không dám liên lạc với bạn bè vì một năm nay chỉ ở nhà ăn bám bố mẹ. Tuấn Anh tâm sự: “Đến giờ em mới thấy quyết định đi du học của mình là sai lầm.

 

Cần xác định mục tiêu rõ ràng khi du học

 

Sau khi tốt nghiệp lớp 12 nghĩ rằng mình không đủ khả năng thi đỗ đại học ở Việt Nam nên em đã xin bố mẹ cho đi du học như một cách để trốn tránh thất bại. Không ngờ, sau 3 năm học tập ở một đất nước xa lạ, em không thu nhận được một chút kiến thức nào”. Sau 1 năm “xốc” lại tinh thần, bố mẹ Tuấn Anh đã phải nhờ người quen giới thiệu công việc cho cậu con trai nhưng cũng không qua được vòng tuyển chọn. Cuối cùng, họ đành phải “chạy” cho Tuấn Anh vào học lớp tại chức, cốt để có tấm bằng đi xin việc làm.

 

Bà Nguyễn Thu Phương, nguyên giảng viên tiếng Anh – trường Đại học Hà Nội thừa nhận: “Nếu những năm trước đây du học chỉ dành cho những học sinh có năng lực học tập thật xuất sắc thì giờ đây nó đã trở nên đơn giản hơn, bởi đối với những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc cho con đi du học nước nào họ cũng đều đáp ứng được cả. Tuy nhiên, hạn chế về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp thu bài kém, không hoà nhập được với nền văn hoá mới, không có kế hoạch cụ thể cho tương lai học tập đã khiến nhiều học sinh rơi vào ngõ cụt”.

 

Hoàng Minh, du học sinh tại Australia hối hận: “Bị nhà trường đuổi học gần 1 năm do không đủ điều kiện theo tiếp chương trình học, em đã không cho bố mẹ biết và tiếp tục ở lại Australia. Để chi trả tiền sinh hoạt phí em được một người bạn giới thiệu làm môi giới cho một đường dây chuyên làm visa giả. Sau khi người cầm đầu đường dây này bị bắt em đã phải bỏ trốn khỏi Australia. Không tiền, không bạn bè, em trở về Việt Nam cầu viện bố mẹ. Song vì quá thất vọng, bố em bị tai biến nằm một chỗ gần một năm nay…”. Được biết, mỗi năm số du học sinh Việt Nam đến du học tại các nước khá lớn với muôn vàn lý do. Một phần không nhỏ trong số đó phải bỏ dở giữa chừng.

 

Cần xác định mục tiêu rõ ràng khi du học

Cần xác định rõ mục tiêu khi du học

 

Bản thân các em nếu thực sự muốn đi du học thì phải là những học sinh khá giỏi trở lên. Sự thiếu trang bị ngôn ngữ là một trong những sai lầm lớn nhất đẩy các du học sinh vào những bất trắc không mong muốn như ngại giao tiếp, sợ tiếp xúc với người bản xứ, căng thẳng kéo dài, học lực kém…”, bà Trần Thuỳ Trang, giám đốc trung tâm tư vấn du học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chia sẻ. Trước khi quyết định cho con cái tiếp cận với những “chân trời kiến thức mới”, các bậc làm cha mẹ không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn. Nếu như trước kia, những trăn trở của các bậc phụ huynh nằm ở câu hỏi cho con du học nước nào là tốt nhất, môi trường học tập ở đó ra sao, chi phí học tập như thế nào… thì nay, những điều này đã trở nên đơn giản hơn. Sự liên thông và giao lưu văn hóa giữa các nước dễ dàng hơn, phụ huynh và con cái có nhiều lựa chọn ở nhiều nước thông qua các trung tâm tư vấn du học.

 

Để “an cư”, du học sinh thường có ba sự chọn lựa: sống ở ký túc xá của trường, sống cùng nhà với người địa phương, hoặc thuê căn hộ. Đa số du học sinh thường thích thuê căn hộ vì nếu tìm được người phù hợp ở cùng giá sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ gặp rủi ro. Phương Thảo, du học sinh ở Australia chia sẻ kinh nghiệm thuê nhà: “Đồng ý thuê một căn hộ gần trường, em được chủ nhà đưa hộ chiếu, giấy tờ nhà, bảng hợp đồng có chữ ký của luật sư cho xem để tạo lòng tin. Tuy nhiên, khi tìm kiếm tên người chủ nhà trên   internet thì em mới phát hiện ra bà ta là kẻ lừa đảo, chuyên lấy hộ chiếu của người khác dụ “con mồi” mướn nhà, đến khi nhận được tiền là “đánh bài chuồn”. May mà lần đó em phát hiện ra kịp không thì chẳng biết sự việc sẽ đi đến đâu…”.

 

Cũng theo bà Trần Thùy Trang khi xác định cho con đi du học thì bản thân phụ huynh và du học sinh phải xác định rõ mục tiêu. Độ tuổi đi du học phù hợp là 17-18 tuổi, đây là thời điểm mà tâm sinh lí các em đã phát triển tương đối ổn định, có mong muốn được thể hiện mình và sống tự lập. Tốt nhất, trước khi đi du học, các phụ huynh nên cho con em mình theo học chương trình dự bị đại học quốc tế tại Việt Nam để trang bị cho các em những kiến thức về văn hóa, về khả năng tự lập và quản lí thời gian cá nhân. Đây là một trong những bước khởi đầu để mỗi học sinh có thể làm quen với môi trường đa văn hóa sau này…

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường du học để có cơ hội mở rộng tầm hiểu biết và giao lưu với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Đây là điều gia đình và toàn xã hội vẫn khuyến khích. Nhưng đi du học như thế nào để đạt được mục đích “thành công, thành danh” là điều không phải ai cũng có thể đạt được. Vì vậy, để du học không bị “đứt gánh giữa đường”, những người trong cuộc cần phải có những bước chuẩn bị thật sự kỹ càng và chín chắn để có tương lai phục vụ tốt cho kế hoạch của bản thân khi trở về.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo An Ninh Thủ Đô

Share.

Leave A Reply