SSDH – Theo các thống kê gần đây, khả năng ghi danh thành công vào trường Oxford đối với học sinh đạt điểm A ở các trường công lập thường thấp hơn so với học sinh thuộc khối tư nhân.
Mặc dù chính phủ cũng đã gây áp lực cho các trường đại học nhằm đa dạng hóa công tác tuyển sinh, nhưng vẫn có vấn đề nổi lên là số học sinh khả giỏi từ các trường tư thục vẫn có tỉ lệ được tiếp nhận vào các trường đại học lâu đời ở đây cao hơn 25% so với học sinh ở các trường công lập.
Dữ liệu thống kê cũng cho thấy là tỉ lệ ghi danh thành công đối với học sinh da đen và châu Á cũng thấp hơn so với học sinh da trắng. Điều này đã làm tiếp tục dấy lên những phê phán đối với hệ thống tuyển sinh của các trường đại học hàng đầu hiện nay. Một số học sinh cho rằng cánh cửa vào đại học Oxford thật ngặt ngèo, ít cơ hội và khô cứng.
Tuy nhiên, trường Oxford vẫn nhấn mạnh rằng những dữ liệu trên không nói lên được sự khác biệt học vấn giữa các ứng viên.
Một phát ngôn viên của trường cho hay Oxford không chỉ tuyển chọn sinh viên theo kết quả xếp loại mà dựa trên nhiều nhân tố như điểm thi tốt nghiệp A-level dự đoán, hiệu quả phỏng vấn và các bài kiểm tra năng khiếu. Hai học sinh đến từ hai trường khác nhau đều được trải qua các cấp độ tuyển chọn như nhau không phân biệt họ là đến từ trường nào. Sự lựa chọn không chỉ đơn thuần dựa trên trên kết quả A-level. Một điều dễ nhận thấy là hai ứng viên có thể có cùng một kết quả A-level nhưng chắc chắn kết quả GCSE hay bài kiểm tra năng khiếu và kết quả phỏng vấn không thể giống nhau được.
Năm ngoái Oxford có khoảng 5300 ứng viên đạt điểm A đăng ký vào trường. Trong đó tỉ lệ thành công đối với học sinh từ các trường tư thục là 29% còn từ trường công lập thì thấp hơn với 23%. Và trong số 3.888 học sinh da trắng điểm A đăng ký thì có 28% được tiếp nhận.
Các nhóm thiểu số khác có tỉ lệ vào trường thấp hơn rất nhiều. Với 67 học sinh da đen đến từ châu phi đạt điểm cao nhất đăng ký vào Oxford thì chỉ có 13 người tức khoảng 1/5 là được tiếp nhận. Học sinh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác cũng có tỉ lệ thành công khá hạn chế như vậy. Riêng đối với học sinh Bangladesh và Pakistan chỉ đạt khoảng 5%.
Lê Minh – Theo The Telegraph