SSDH – Xuất sắc vượt qua 2.000 người để nhận Giải thưởng Lloyds List Award – giải thưởng danh giá trong lĩnh vực hàng hải, Hoàng Đông Bách đã khiến cộng đồng những người làm nghề hàng hải quốc tế phải ngạc nhiên về khả năng tự học của mình.
Bố mẹ sinh trưởng ở Việt Nam nhưng sang Nga làm việc nên Hoàng Đông Bách được sinh ra ở Nga. Sau đó, gia đình Bách chuyển sang Ba Lan định cư cho đến nay. Tuy nhiên, từ nhỏ, bố mẹ đã dạy Bách giao tiếp bằng tiếng Việt, nên dù học tập ở Ba Lan nhưng Bách vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ trôi chảy.
Hằng năm, gia đình Bách đều về Việt Nam thăm ông bà cùng họ hàng đang sống và làm việc ở Hà Nội và TP.HCM. Những chuyến đi này đã thôi thúc Bách thực hiện ước mơ được sống và làm việc ở quê nhà.
Tốt nghiệp vào tháng 7/2011 ngành xã hội học và marketing ở Singapore Management University (SMU), tình cờ được gặp và trao đổi với ông Voytek Chelkowski, Chủ tịch Công ty Seamind có trụ sở ở Singapore, tại một cuộc thi piano quốc tế, Bách bắt đầu thấy ngành hàng hải rất thú vị và có triển vọng. “Tôi quyết định nộp đơn xin vào làm ở Công ty Seamind để tìm cơ hội”, Bách chia sẻ
Bách kể, khi mới vào công ty, Bách không có chút kiến thức chuyên ngành nào, nên được đồng nghiệp cho mượn các tài liệu để học lấy chứng chỉ của Institute of Chartered Shipbrokers (ICS), học viện chuyên ngành hàng hải.
Qua tìm hiểu, Bách được biết, thường người trong nghề muốn lấy được chứng chỉ này phải mất khoảng 3 năm để hoàn tất chương trình học. Mỗi năm thi 2 – 3 môn trong tổng số 7 môn thi bắt buộc, vì các môn học rất nặng và tỷ lệ đậu không cao.
Thế nên, rất nhiều học viên do vừa làm, vừa học nên có khi phải mất hơn 5 năm mới hoàn thành chương trình.
Bảy môn thi của ICS gồm: Kinh doanh hàng hải, Luật Hàng hải, Luật Hàng hải nâng cao, Kinh tế ngành hàng hải, Giới thiệu về ngành tàu biển, Quản lý tàu và vận tải đồ khô.
Lloyds List Award – một trong những giải thưởng danh giá trong ngành hàng hải đã thuộc về Bách nhờ quá trình nỗ lực học tập. Lloyds List Award được trao bởi Tổ chức Lloyds List, là tờ báo lâu đời và uy tín, cung cấp thông tin về ngành hàng hải từ đầu thế kỷ XVIII.
“Yếu tố quan trọng nhất giúp tôi vượt qua kỳ thi này là kết hợp lượng kiến thức từ sách vở với kinh nghiệm làm việc của những người đi trước truyền lại”, Bách tiết lộ. Anh cho biết, do rất mê học nên chẳng những không hề thấy mệt mỏi trong quá trình ôn thi mà còn rất hứng thú đón nhận lượng kiến thức mới khổng lồ. Bên cạnh đó, vì thi cùng lúc 7 môn nên Bách phải lên kế hoạch rõ ràng cho các môn học và cố gắng thực hiện tốt kế hoạch đó.
Trở thành thành viên của ICS, Hoàng Đông Bách đồng thời cũng là người môi giới hàng hải (shipbroker), cầu nối giữa chủ tàu và người muốn thuê tàu để vận chuyển hàng, hay buôn bán tàu thay cho khách hàng của mình. “Công việc của tôi khá bận rộn và thường phải di chuyển khá nhiều, chỉ trong hai tháng vừa qua tôi đã đi công tác ở Philippines, Nhật Bản, Anh, Đức và Ba Lan”, Bách kể.
Theo Đông Bách, để có thể thành công trong ngành này, điều quan trọng là shipbroker phải biết tạo dựng mối quan hệ tốt với nhiều người đến từ nhiều tầng lớp trong xã hội và có trình độ văn hóa khác nhau. Họ cũng cần phải tư duy nhanh, linh hoạt và có thể nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau cho khách hàng của mình trong thời gian nhanh nhất có thể.
Làm việc nhiều nhưng Bách chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Anh bảo, theo danh ngôn của Ba Lan “Không có chiếc thang máy nào dẫn đến thành công, mà phải đi bằng thang bộ”.
Thục Uyên (SSDH) – Theo tiin