SSDH – Để chuẩn bị cho mùa săn học bổng du học MEXT sắp tới. Nhằm giúp các bạn có đầy đủ thông tin về loại học bổng nổi tiếng này của Chính phủ Nhật, bài viết xin chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng của 2 bạn du học sinh tại Hà Nội và TPHCM đã nhận được học bổng du học MEXT thời gian qua
1. Kinh nghiệm xin học bổng du học Nhật MEXT từ một du học sinh ở TPHCM
Bạn thứ nhất là một bạn nam, hiện là sinh viên năm 3, khoa Công nghệ Thông tin, TPHCM. Bạn này xin học bổng du học cùng ngành mà bạn đang học.
– Điểm trung bình HK1 (hoặc năm 1/năm 2) ở Đại học tại Việt Nam của em là mấy điểm?
Điểm trung bình so với các bạn thì chắc em thấp nhất, chỉ tầm 8 – 8.2 (HK1 năm I chỉ hơn 7.0). Thậm chí có những môn đại cương quan trọng bị rớt (môn tự nhiên, dưới 5).
Nhưng điểm chuyên ngành của em trong khoảng trên 9-10 nên em nghĩ khi xin học bổng MEXT thì điểm trung bình cũng không quá quan trọng bằng điểm phản ánh khả năng của bản thân (đối với khối tự nhiên). Không việc gì phải tự giới hạn cơ hội của mình.
– Em có bằng tiếng Anh gì không? Bao nhiêu điểm?
Em có bằng TOEFL IBT, khoảng 80. Khi nộp hồ sơ thì bằng còn chưa về tới nên em in điểm trên web ra nộp đại rồi cung cấp pass Vied tự check.
– Em có bằng tiếng Nhật gì không?
Em không biết tiếng Nhật (thực ra có đăng ký N5 nhưng học không kịp nên bỏ). Em nghĩ cũng không quan trọng lắm.
– Về bộ hồ sơ học bổng du học tiếng Việt, trong bản hướng dẫn làm hồ sơ của bộ có yêu cầu “Công văn cử dự tuyển của cơ sở đào tạo nơi sinh viên đang học trong đó ghi rõ bậc học và ngành học đăng ký dự tuyển (Mỗi sinh viên dự tuyển có 01 công văn riêng. Nhà trường cần làm văn bản do lãnh đạo nhà trường ký giới thiệu sinh viên của trường mình tham gia dự tuyển. Không sử dụng mẫu giấy giới thiệu dùng trong nội bộ)”. Yêu cầu như vậy có nghĩa là như thế nào? Em có thể giải thích rõ hơn được không?
Giấy này liên hệ trực tiếp với cán bộ ở phòng Quan hệ đối ngoại hoặc phòng Công tác sinh viên (bằng lá đơn kiểu như “xin công văn đề cử dự tuyển học bổng du học MEXT”). Họ sẽ viết đơn lên hiệu trưởng cấp giấy cho mình. Đại loại là “trường … cử sv …tham dự…” chứ không phải là sinh viên tự viết. Khá đơn giản đối với Bách Khoa hay Ngoại thương, còn các trường còn lại có lẽ ít có tiền lệ nên phải giải thích nhiều hơn.
Với học bổng MEXT, dù bạn không biết tiếng Nhật vẫn có thể đi du học tại xứ sở Phù Tang.
– Em có thể hướng dẫn cách đánh dấu ABCD vào các bộ hồ sơ để nộp không?
Em đánh dấu bằng bút chì khoanh tròn lên góc trên, nếu thấy mất thẩm mĩ thì các cán bộ VIED có thể sửa lại được trước khi gửi qua Đại sứ quán.
– Em khám sức khỏe ở đâu? Mất bao nhiêu tiền? Có phải gọi điện thoại trước khi đến không? Chỗ đó người ta có điền vào form tiếng Anh mình đem đến không? Hay phải làm sao?
Sài Gòn thì khám ở Chợ Rẫy theo form MEXT ung cấp. Khoảng 400, 500 ngàn đồng. Hỏi khám sức khỏe du học ở đâu họ chỉ ngay. Nên đi thật sớm (chỉ mất khoảng 2,3 h). Em đi 8h tới 4h chiều mới xong (Bệnh viện có nghỉ trưa).
– Mẫu thư giới thiệu của các thầy cô thì sao?
Mẫu thư giới thiệu có sẵn của MEXT (bắt buộc). Xin thầy cô chuyên ngành, có nhiề bằng thì sẽ tốt hơn. Trường hợp thầy cô bận thì mình tự điền rồi mail chờ được kí. Như em thì thầy edit lại còn hơn mấy cái em tự ghi nữa.
– Em có gì muốn chia sẻ về kinh nghiệm để ôn thi cho tốt, làm bài & trả lời phỏng vấn cho tốt không?
Ôn thi thì làm đề và ôn kiến thức trong đề là khỏe rồi.
Làm bài thì nên bỏ phần tiếng Nhật buổi sáng (đối với khối tự nhiên) vì phần thi buổi chiều khá dài, nhiều môn hơn bên xã hội và tốn sức, tốt nhất nên ở nhà chơi rồi chiều lên thi.
Toán rất dễ (lưu ý phần biến đổi đồ thị thôi). Hóa tương đối dễ (nhớ tên mấy chất hữu cơ rồi chuỗi pư là xong). Lý khá rộng nhưng đoán được khi không biết làm. Tiếng Anh thì chỉ hơi rắc rối phần tìm lỗi sai, phần này có thể luyện tập bằng ôn thi Đại học.
Phần phỏng vấn thì không cần chuẩn bị nhiều cho căng thẳng, vì chỉ là một buổi nói chuyện đơn giản thôi.
Nếu chuẩn bị thì nên nói về đam mê của mình, những kế hoạch mình đã, đang và sẽ thực hiện.
Quan trọng nhất là trung thực và tự tin, vì họ tìm hiểu về thí sinh khá kĩ. Nên đi các buổi tư vấn du học Nhật Bản nếu có cơ hội, sẽ được gặp trước người phỏng vấn và có những thông tin quan trọng về ngành học của mình ở Nhật Bản (có thể trao đổi trực tiếp) giúp ích nhiều trong buổi phỏng vấn (kinh nghiệm bản thân, vì các phần khác em trả lời rất chuối, tự giới thiệu chỉ khoảng hơn 10 giây).
Nên tránh thái độ rụt rè hoặc nói mấy cái chung chung kiểu thích anime, manga, yêu Nhật Bản. Nói chung là tự tin là được, có mấy bạn ở Nepal còn không biết cả One piece hay pokemon mà vẫn được nhận (dù tỉ lệ chọi cao hơn Việt Nam).
Quan trọng là làm hồ sơ và ôn thi từ sớm, vì quá trình apply kéo dài, lại trúng kì thi cuối kì nên khá áp lực và mệt mỏi.
2. Kinh nghiệm xin học bổng MEXT từ một bạn ở Hà Nội
Bạn thứ 2: Cũng là một bạn nam, học ngành Điều khiển tự động ở Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn “định xin học tiếp ngành mình đã học hoặc một ngành có liên quan tý: có thể là Điện điện tử, Cơ điện tử…”
– Điểm trung bình HK1 (hoặc năm 1/năm 2) ở Đại học của em là mấy điểm?
Là 3.46 ạ
– Em có bằng tiếng Anh gì không? Bao nhiêu điểm?
Em không có
– Em có bằng tiếng Nhật gì không?
Không luôn ạ. Đến nay vẫn không
– Về bộ hồ sơ du học tiếng Việt, trong bản hướng dẫn làm hồ sơ của bộ có yêu cầu “Công văn cử dự tuyển của cơ sở đào tạo nơi sinh viên đang học trong đó ghi rõ bậc học và ngành học đăng ký dự tuyển (Mỗi sinh viên dự tuyển có 01 công văn riêng. Nhà trường cần làm văn bản do lãnh đạo nhà trường ký giới thiệu sinh viên của trường mình tham gia dự tuyển. Không sử dụng mẫu giấy giới thiệu dùng trong nội bộ)”. Cái này là gì?
Để xin giấy này, du học sinh nên lên phòng Hợp tác quốc tế (hoặc phòng khác tùy trường) nếu cần có thể in thông báo của bộ ra trình lên họ. Thường thì sẽ phải thông qua khoa, viện trước rồi Hiệu trưởng (hoặc Hiệu phó ) mới ký (cái này cũng tùy trường nốt).
– Em khám sức khỏe ở đâu? Mất bao nhiêu tiền? Có phải gọi điện thoại trước khi đến không? Chỗ đó người ta có điền vào form tiếng Anh mình đem đến không? hay phải làm sao?
Em khám ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tiền thì em không nhớ nữa. Mấy trăm ấy. Không cần phải gọi điện thoại trước gì cả. Vào chỗ khám theo yêu cầu hỏi. Hôm đó em tưởng mất 1 ngày nhưng khi đi buổi sáng, họ hẹn sang buổi chiều, và xong trong buổi chiều ấy luôn. Họ sẽ điền thẳng vào form Tiếng Anh mình đem đến. Sau 1 tuần thì có.
– Mẫu thư giới thiệu của các thầy cô thì sao?
Cái này em điền theo mẫu họ cho. Vì thầy bên em bảo “cứ điền rồi tôi ký cho”.
– Em có gì muốn chia sẻ về kinh nghiệm để ôn thi cho tốt, làm bài & trả lời phỏng vấn cho tốt không?
Về thi viết: Kinh nghiệm là nên làm đề và nắm từ. Với Toán, Hóa nếu ai chắc kiến thức phổ thông (thi Đại học) thì không phải lo mấy. Lý sẽ cần thêm một số kiến thức lên Đại họcmới dạy. Cơ bản vẫn là nắm từ.
Về thi phỏng vấn: !uan trọng nhất là nên giữ tâm lý thoải mái, chuẩn bị đầy đủ theo các kiểu câu hỏi.. Với cá nhân hôm em phỏng vấn trong số những cái mà mình chuẩn bị chỉ có cái “tell me something about you” là họ hỏi. Còn lại là hơi thiên sang ngoài lề, toàn phải tùy cơ ứng biến. Khi đấy thì cứ thoải mái mà trả lời theo ý mình đừng căng thẳng làm gì.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Gakutomo