SSDH- Cách đây 18 năm, mình học xong chương trình thạc sỹ ở Anh về thì vào Sài Gòn làm quản lý tiếp thị cho Singapore Education, là cơ quan chính phủ thuộc Singapore Tourism Board, quảng bá tất cả các trường công lập và tư thục, từ phổ thông lên đại học ở Singapore.
Xem thêm:
Thời đó, dù mình chưa có con, nhưng thấy các bố mẹ ở Việt Nam nhăm nhe cho con đi du học Singapore từ cuối cấp 1, đầu cấp 2, mình đã nói nếu gia đình sắp xếp để ít nhất bố hoặc mẹ, hay lý tưởng nhất là cả gia đình sang Singapore được thì hãy cho con đi. Con phải xa bố mẹ để du học cấp 3 cũng còn là quá sớm. Du học không phải cây đũa thần, đâu bổ béo đến mức phải tống con đi từ khi con chưa kịp dậy thì, chưa kịp ở với bố mẹ để định hình nhân cách. Đi học chứ có đắp vàng bạc châu báu gì vào người đâu mà phải hi sinh đến thế.
Tuy nhiên, mình ủng hộ ba mẹ cho con đi trại hè đôi ba tuần, hoặc du học ngắn hạn vài tháng. Hiện nay, nhiều bạn nhỏ ở các thành phố lớn đã được học tiếng Anh, hay học song ngữ, quốc tế từ mẫu giáo, lên cấp 2 tiếng Anh của các bạn đã rất khá, nên mình thấy các trại hè tiếng Anh đã khá lỗi thời. Nhiều phụ huynh bây giờ không còn hứng thú bỏ ra hàng trăm triệu cho con đi trại hè mấy tuần, cũng chỉ để học tiếng Anh. Họ muốn con có những trải nghiệm khác.
Hồi còn làm nghiên cứu sinh ở New Zealand, mình thấy có hình thức du học ngắn hạn thú vị mà nhiều ba mẹ ở Việt Nam chưa biết đến đó là các bạn nhỏ sang New Zealand học 1 học kỳ 2-3 tháng tại trường phổ thông ở New Zealand, và ở homestay tại gia đình địa phương. Các bạn học sinh phổ thông cũng có thể đi du học Úc theo hình thức ngắn hạn này. Với hình thức du học ngắn hạn này, các bạn được thực sự được trải nghiệm hòa mình vào môi trường một lớp học bình thường, học cùng với các bạn học sinh địa phương. Du học trao đổi văn hóa ở Mỹ cũng theo hình thức này, nhưng các bạn dứt khỏi gia đình hẳn 1 năm, mình thấy vẫn hơi dài và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch du học sau phổ thông. Cá nhân mình thích những trại hè mà các bạn được đi điền dã, rèn luyện, khám phá, hướng nghiệp theo chủ đề, sở thích.
Trong các chiến lược làm cha mẹ, mình rất tâm đắc với chiến lược scaffolding, tạm dịch là chiến lược giàn giáo/bệ đỡ, khi cha mẹ tạo ra những hệ thống hỗ trợ, và tạo ra những thử thách từ cấp độ dễ, rồi khó dần lên, để con được bước ra khỏi comfort zone và tự lập từng bước, rồi cha mẹ rút dần những giàn giáo hay hệ thống hỗ trợ đi để con độc lập hoàn toàn. Nên mình thích những chuyến summer camp, con đi xa cha mẹ, sống tự lập ngắn ngày, trải nghiệm những vất vả, thử thách sẽ giúp con cứng cáp, tự tin hơn khi phải một mình đối mặt với cuộc sống, học tập du học ở xứ người.
Còn ba mẹ và các bạn trẻ nghĩ sao? Mọi người có nghĩ hay kỳ vọng du học từ phổ thông có thực sự mang đến nhiều lợi ích cho bạn trẻ? Hay mọi người cho rằng chuẩn bị cho con cứng cáp rồi mới cho con đi du học ở bậc đại học hoặc thậm chí ở bậc sau đại học sẽ tốt và hiệu quả hơn? Chắc câu hỏi của mình sẽ lại gây tranh cãi. Ai có trải nghiệm thực tế thì chia sẻ nhé.
Tác giả : Nguyễn Yến Khanh