SSDH – Lựa chọn quốc gia du học, cách săn học bổng… là những nội dung được thảo luận sôi nổi trong buổi hội thảo “Để du học thành công” diễn ra sáng 22-4 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Chương trình do Tuổi Trẻ và Học viện Yola tổ chức.
Bạn trẻ với phần giao lưu, hỏi đáp về kiến thức văn hóa – xã hội bằng tiếng Anh trong buổi hội thảo – Ảnh: TIẾN THÀNH |
Bạn Minh Châu (25 tuổi, đang làm việc trong một tổ chức phi chính phủ) cho biết sẽ tham gia chương trình cao học tại Đức vào tháng 7. Châu lo lắng về việc làm thế nào học tập hiệu quả ở môi trường mới. Đây cũng là nỗi băn khoăn chung của rất nhiều bạn trẻ khác.
Từng có thời gian du học tại Anh, chị Phụng Hồng Anh (quản lý thương hiệu Tập đoàn Bosch VN) chia sẻ trong những tháng đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, vì không phải là người bản địa nên việc giao tiếp, tiếp thu bài vở giai đoạn đầu không dễ dàng. “Vì thế chiếc máy ghi âm sẽ là công cụ hữu hiệu để nghe lại bài giảng” – chị nói. Ông Phúc Tiến (Trung tâm Việt Nam Hợp Điểm, trưởng đại diện tuyển sinh đại học quốc gia Singapore – NUS) bổ sung du học sinh phải tham gia những khóa học dạy phương pháp luận ở các trường (thường được nhà trường cung cấp miễn phí). Bên cạnh đó phải rèn luyện tư duy phản biện và khả năng giải quyết tình huống nhanh, hợp lý ngay từ lúc còn ở Việt Nam.
Làm sao để xin được một suất học bổng? Đó cũng là câu hỏi được nhiều khán giả tham dự chương trình đặt ra. Trước câu hỏi này, bà Mỹ Ngọc (Trung tâm EducationUSA thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ) cho biết: “Rất khó để đoạt học bổng toàn phần chương trình đại học dành cho sinh viên quốc tế”. Bà gợi ý mọi người có thể đi “đường vòng” bằng cách chọn những gói học bổng bán phần hoặc những học bổng nhỏ để “góp ít thành nhiều” trong việc giảm bớt chi phí du học. Anh Trường Hải (cựu du học sinh tại Mỹ, hiện đang làm việc tại Quỹ đầu tư Vinacapital) bổ sung: “Việc xin học bổng ở các trường tư thục, dân lập hoặc thuộc các tổ chức tôn giáo thường dễ hơn nhiều so với cơ hội ở những trường công lập vốn ưu tiên học bổng cho sinh viên bản xứ”.
“Có những điều rất đơn giản nhưng rất hữu ích để hóa giải vấn đề. Hãy học nấu ăn và tôi tin chắc nó sẽ là chiếc cầu nối nhanh nhất giữa bạn và các sinh viên quốc tế khác” – ông Phúc Tiến khẳng định.
Xác định mục tiêu, cân đối tài chính
Tại buổi trao đổi, ông Phúc Tiến nhấn mạnh việc quan trọng nhất khi du học là phải xác định rõ mục tiêu học tập của bản thân, điều kiện tài chính của gia đình. Ông cho rằng Singapore là một sự lựa chọn phù hợp cho du học sinh Việt vì có nhiều nét tương đồng về khí hậu, văn hóa. Mặt khác, nguồn học bổng của Chính phủ Singapore tương đối dồi dào. “Tuy nhiên, những bạn trẻ đi theo diện học bổng này thường bị ràng buộc ở lại làm cho nước sở tại khoảng ba năm” – ông Phúc Tiến lưu ý.
Các khách mời là bà Quách Thị Mỹ Ngọc (Trung tâm EducationUSA thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ), bà Phan Thị Bảo Phi (quản lý phát triển giáo dục Hội đồng Anh) và bà Nguyễn Thị Thanh Nga (quản lý cấp cao IDP Việt Nam) cũng trao đổi, chia sẻ về thị trường du học các nước Mỹ, Anh, Úc…
Theo Tuổi trẻ