Đệm chống “sốc văn hóa” cho tân du học sinh

0

SSDH – Hội chứng sốc văn hóa… là một trong những vấn đề thường gặp nhất đối với các teen đi du học.

 

“Culture shock”

 

Khái niệm “Sốc văn hóa” – “culture shock” được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà nhân loại học người Mỹ Kalvero Oberg (1901-1973). Theo đó, “sốc văn hóa” là thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái lo lắng và cảm giác ngạc nhiên, rối loạn, bối rối… khi một người nào đó tiếp xúc với một môi trường xã hội hay văn hóa khác biệt.

 

Ở một đất nước hoàn toàn mới việc bạn bị choáng ngợp, “sốc văn hóa” từ những ngày đầu là điều không thể tránh khỏi. Du học sinh Việt Nam thường liệt kê các vấn đề mà mình gặp phải như: ngôn ngữ, ẩm thực, cách thức giao tiếp, sinh hoạt, luật pháp…

 

05112012duhocanh17.gif

 

Việc lên một kế hoạch chống sốc với các liệu pháp sẽ giúp bạn dễ vượt qua cơn “sốc”. Thử cùng Tiin lên list “thuốc chống sốc” xem nào.

 

1. Thu thập kinh nghiệm

 

Đầu tiên, ngay từ khi bạn có kế hoạch đi du học, hãy tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và một số thông tin thiết yếu như thông tin về các vấn đề xã hội, chính trị, phong tục, địa lý và lịch sử… của đất nước mà bạn sắp đến. Có như vậy thì bạn mới đỡ bỡ ngỡ hơn khi hòa nhập với môi trường học tập và các thói quen, tập quán sinh hoạt mới.

 

Chăm chỉ tìm qua Internet, đọc thêm sách hướng dẫn du lịch, và “lê la” trên các diễn đàn, forum của các du học sinh để học hỏi thêm kinh nghiệm của những anh chị đi trước sẽ giúp bạn có được một tâm lý tốt để đối mặt với những thay đổi.

 

2. Suy nghĩ tích cực về cuộc sống mới

 

Ngay khi đặt chân sang đất nước mới, hãy xác định bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và còn cả một chặng đường dài phía trước đầy chông gai phải vượt qua. Mỗi lần gặp chuyện không hay, đừng suy nghĩ tiêu cực.

 

Hãy tự an ủi mình một cách tích cực, luôn nhớ rằng mình có mặt tại đây để học tập và tìm kiếm những cơ hội cho tương lai.

 

05112012duhocanh18.jpg

Món ăn lạ cũng dễ làm teen mình “sốc”

 

3. Kết bạn và kết bạn

 

Là một biện pháp vô cùng quan trọng. Đừng ru rú một mình mà lo nghĩ và chán nản. Việc kết bạn không chỉ dừng lại ở các lớp học, trung tâm mà bạn nên mở rộng trong khu mình sinh sống, nơi làm thêm.

 

Kết bạn với học viên nước sở tại để có cơ hội tìm hiểu và họ sẽ là phao cứu sinh mỗi khi bạn gặp rắc rối. Kết bạn với du học sinh các nước khác để bạn bớt cô đơn và tìm hiểu được nhiều hơn về văn hóa, chính họ cũng có những bài học hữu ích để giúp đỡ bạn.

 

4. Giao lưu với những người dân bản xứ

 

Đây là một điều vô cùng khó khăn nhé, vì người dân địa phương thường ít quan tâm đến du học sinh. Nhưng bạn hãy chủ động làm quen, và học hỏi kinh nghiệm sống từ họ. Những thắc mắc về giá cả, ẩm thực, luật pháp… bạn chủ động hỏi thì sẽ nhận được sự trợ giúp thôi.

 

05112012duhocanh19.jpg

 

5. Thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và bạn bè tại quê nhà.

 

Những lá thư, những cuộc gọi hay những dòng e-mail sẽ rút ngắn khoảng cách không gian và giúp teen nguôi ngoai và được chia sẻ khi gặp phải khó khăn.

 

6. Trao đổi văn hóa

 

Hãy chịu khó quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam như một cách trao đổi văn hóa để các bạn nước khác thấy rằng mỗi một đất nước luôn có một nền văn hóa đặc trưng.

 

Đối với các bạn ngoại quốc, văn hóa Việt cũng có nhiều điều thú vị, thậm chí gây “sốc” nữa nên việc mình đang đối mặt sẽ không có gì là đáng sợ cả. Đó cũng là cách bạn tự tin để hòa nhập vào một nền văn hóa mới.

 

05112012duhocanh20.jpg

 

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sốc văn hóa cũng có mặt tích cực của nó khi thôi thúc con người ta vượt qua khó khăn và rèn luyện bản thân nhiều hơn đấy, teen ạ! Hãy chuẩn bị cho mình những tấm “đệm” thật chắc chắn để bắt đầu hành trình du học thật suôn sẻ nhé!

 

Thục Uyên

Share.

Leave A Reply