Đi du học và phương pháp tư duy hiện đại

0

SSDH – Có lẽ chúng ta đã biết thầy Jim đôi chút từ những câu chuyện chia sẻ từ trái tim thầy giáo – đến trái tim học trò ở các kì trước. Thầy Jim là một cách nhìn mới mẻ phương Tây, trộn lẫn kinh nghiệm quốc tế với sự cởi mở thích chuyện trò.

 

Lần này, thầy Jim “chat” với chúng ta về một chủ đề hoàn toàn mới – chúng ta tư duy về chính cách ta “tư duy”. Về cuộc sống xung quanh, những thứ đang ‘hái’ ra tiền và cách ta lựa chọn cho mình.

 

Ngành “hot”

 

Mỗi lớp học, một lời cảm thán, “I want to be a banker” – “tôi muốn có địa vị trong ngân hàng,” các học sinh của chúng tôi thốt lên như vậy. Ôi chao, cứ nghĩ đến số tiền có thể kiếm được!!! Think again – mời bạn nghĩ lại. Sẽ kiếm được rất ít tiền từ hoạt động ngân hàng trong thời gian dài trước mắt. Vì một khi cơ hội đã trở nên quá rõ ràng và tất cả mọi người đều muốn nhảy vào thì đã là muộn rồi; nhưng sự thực là có rất nhiều cơ hội ở những ngành khác đang thiếu người quan tâm. Vậy làm sao để tìm ra các ngành đó? Hãy xem chính xung quanh bạn và tìm hiểu – đó là cách tốt để bắt đầu.

 

Đi du học và phương pháp tư duy hiện đại1

 

Tức là

 

What does it mean to look around – xem xung quanh nghĩa là làm gì? Đây là một câu hỏi hay vì không ai có cùng cách nhìn với người khác. Một người chỉ cần học về “vision” – “tầm nhìn” của con người là có thể hiểu điều này. Mắt của loài người chỉ có thể tập trung vào một điểm nhỏ, tất cả các thứ xung quanh điểm nhó đó bị lu mờ đi.

 

Akira Kurosawa – cố đạo diễn xuất chúng của điện ảnh Nhật Bản đã khám phá khái niệm này trong bộ phim Rashomon đầy ảnh hưởng ông thực hiện (Bộ phim Rashomon đã giành giải “Sư tử vàng” và giải “Oscar danh dự”). Trong đó, câu chuyện về một vụ giết người đã diễn ra; nhưng tất cả các nhân chứng đều thuật lại một phiên bản hết sức khác nhau của vụ việc. Không ai có chung cách nhìn với người khác.

 

Dẫu vậy, có nhiều người “nhìn thấy” được nhiều hơn người khác. Đây là chỗ kỹ năng học thuật đặc biệt hữu dụng, và chính là lí do kỹ năng này cần phải được rèn luyện, song song với phát triển thể chất và các kỹ năng xã hội. Để làm chủ được vốn kiến thức học thuật của mình, bạn phải vận dụng được nó. Bản thân tôi nghĩ rằng dấu hiệu của trí tuệ thể hiện đậm nét khi ta học được kỹ năng ở một lĩnh vực và đem đi áp dụng ở một lĩnh vực khác.

 

Văn hóa bầy đàn

 

Trong cuộc sống thường ngày, có những kẻ chưa hẳn là ngu ngốc và có những người là hoàn toàn ngu ngốc. Những người hoàn toàn ngốc nghếch đi ngược lại lịch sử – “ahistorical” – lặp đi lặp lại những lỗi mà hàng triệu người khác đã vấp phải hàng triệu lần trước đó. Tôi có một người bạn người Ý, chúng ta sẽ tạm gọi cậu ta là ‘Cesare’, coi là một cái tên chiến đấu. Một cái tên chiến đấu hay ‘war name’ rất phù hợp với cậu ta, vì cậu ta tin chiến tranh là tất yếu. Cậu ta thậm chí cược tất cả các thứ mình có vào đó. Thời gian đó cách đây vài năm, khi giá dầu đang tăng mạnh theo hình đồ thị parabôn.

 

Đi du học và phương pháp tư duy hiện đại2

 

Mà cái đồ thị parabôn mới đáng sợ chứ! Trong những ngày tôi chơi cổ phiếu trên sàn chứng khoán Canada, tôi mới học để biết sợ cái đồ thị đó, vì nó phác họa sự cuồng vọng của nhân loại.

 

Mua, mua, mua! Giá tăng lên, tất cả mọi người đổ xô đi mua, cố tham gia khi còn có thể. Nhưng điều tất yếu gì nối tiếp đồ thị parabôn của giá? Đó là sự sụp đổ.

 

Đi du học và phương pháp tư duy hiện đại3

 

Hàng ngàn người đã trở nên khánh kiệt vì muốn tính toán để bán đúng thời điểm được giá nhất – giá ở đỉnh của đồ thị. Nhưng nếu tất cả đều tính, có bao nhiêu người đúng? Và nếu tất cả đều căn đúng lúc giá dầu cao nhất để bán, ai sẽ là người mua? Để kiểm soát tình hình và kìm nén cảm xúc của bản thân, thoát ra đúng lúc thật không dễ dàng như mọi người nghĩ.

 

Không cần phải nói các bạn cũng đoán ra, Cesare đã bị mắc kẹt, và mất tất cả. Thật may mắn, cậu ta là người rất chịu khó và đã trở lại London để mở một cửa hàng. Nếu cậu ta đã nói chuyện với tôi trước, tôi đã có thể cảnh báo vì tôi biết điểm yếu nhất đó của cậu ta. Nhưng cậu ta cũng là người cứng đầu, rất có thể sẽ lờ đi lời khuyên.

 

Đích cuối cùng

 

Tri thức thu lượm được từ học thuật phải được áp dụng, nhưng cho mục đích gì? Góp phần vào chất lượng cuộc sống của mọi người là mục tiêu của tôi; thật sự tôi không nghĩ được một cái đích nào tốt hơn.

 

Ở Hà Nội, Việt Nam thì đích của tôi có nghĩa là gì – what does that mean? Mỗi con phố trong thành phố nhộn nhịp này nói với tôi một điều gì đó khác nhau về những người xây nên chúng. Đó là câu chuyện về những suy nghĩ mà họ đã ngày đêm trăn trở để có một chút gì đó truyền lại cho đời sau.

 

Hoặc, trong trường hợp ngã rẽ giữa Hàm Long và Lê Văn Hưu đi vào Lò Đúc, là sự thiếu suy nghĩ mà họ truyền lại cho đời sau. Có đến 5 con phố gặp nhau tại ngã đó, cộng thêm yếu tố các đèn giao thông ở Lê Văn Hưu, Hàm Long và Lò Đúc cùng xanh một lúc trở thành mớ hỗn độn. Những thiết kế hiện đại đôi khi cũng thiếu tư duy như vậy, tôi đã thấy nhiều căn hộ ban công quá nhỏ không treo nổi quần áo giặt. Nếu các bà nội trợ là người kiểm soát thu chi, các căn hộ đó sẽ không thể bán được. Như vậy là ít lợi nhuận hơn cho chủ thầu xây dựng. Đó là một lĩnh vực ít người quan tâm. Và thực sự có thể kiếm được nhiều tiền chỉ từ cố gắng muốn làm cho cộng đồng quanh mình tốt hơn – cho dù nhiều người không nhận ra điều đó. “There is a lot of money to be made when you start thinking about how to make your own community better…”.

 

Bạn là người như thế nào? Bạn muốn nhảy vào nơi ‘hot’ nhất trong lúc mọi người xung quanh đã làm nó ‘hot’ sẵn? Hay bạn là người thích tìm tòi một hướng mới để đi cho riêng mình? Đừng ngần ngại chia sẻ bạn nhé.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply