Sẵn sàng du học – Du lịch để thi lấy bằng do nước Anh cấp là một hiện tượng bắt đầu ngày càng phổ biến tại Việt Nam, do việc bằng cấp của Anh có giá trị quốc tế, dành cho đủ mọi đối tượng và nhu cầu, từ thi tốt nghiệp phổ thông, năng khiếu âm nhạc, cho đến thi chứng chỉ du lịch, khách sạn nhà hàng hay tài chính kế toán.
Làm thế nào tổ chức một chuyến đi du lịch thi lấy bằng tại Anh Quốc? Những loại bằng cấp nào du khách có thể tham gia thi? Thủ tục đăng ký thi và xin visa như thế nào?
RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, và cũng là tác giả quyển sách “Du Học Anh – Chạm Tay Vào Chiếc Chìa Khóa Vàng” vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam.
RFI : Tại sao Anh quốc và Việt Nam có hai hệ thống giáo dục khác nhau hoàn toàn, nhưng nước Anh vẫn có thể cấp bằng tốt nghiệp phổ thông cho học sinh Việt Nam được?
Nước Anh có hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Bậc đầu tiên là GCSE, viết tắt của chữ General Certificate of Secondary Education, tức là bằng tốt nghiệp cấp hai. Nếu cấp hai ở Việt Nam kết thúc vào lớp 9 thì cấp hai của nước Anh kết thúc vào lớp 11, do đó bằng cấp hai ở Việt Nam hay một số nước như Ba Lan không đủ để được xét tuyển vào các trường cao đẳng dạy nghề hay huấn luyện ngành nghề đặc biệt.
Tương tự vậy kỳ thi tốt nghiệp cấp ba ở Anh, gọi là A level, được thực hiện vào năm lớp 13, cho nên nhiều sinh viên tốt nghiệp phổ thông trung học ở Việt Nam phải sang đây học một năm dự bị để hội đủ điều kiện vào đại học.
Tuy nhiên, khác biệt với hệ thống giáo dục ở Việt Nam, trẻ em ở Anh có thể tự học ở nhà và đi thi để lấy bằng cấp phổ thông, cho nên ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể đăng ký thi lấy bằng, thi riêng từng môn một mỗi năm.
Chính vì vậy mà có những trường hợp các em bé chưa đến tuổi vào lớp 1, nhưng có năng khiếu toán và được phụ huynh kèm riêng ở nhà, mà 5 tuổi là đã có bằng GCSE môn toán cơ bản. Bộ giáo dục qui định và tổ chức các hội đồng thi cho cả chục môn học khác nhau, trong đó có bằng GCSE về tiếng Việt, tức là với trình độ dành cho người nước ngoài nói tiếng Việt, mà các em bé Việt Nam về cơ bản là có thể thi đậu dễ dàng.
RFI : Làm thế nào để được nhận vào các trường cao đẳng?
Thường các trường cao đẳng chỉ cần 4 bằng GCSE cơ bản là nhận học viên, và khá nhiều tập đoàn lớn có chương trình vừa làm việc vừa học nghề như Mc Donald với bằng cấp trong ngành nhà hàng và quản lý dịch vụ, hay National Rail với bằng cấp trong ngành kỹ sư công chánh.
Nhiều học viên từ các nước có quyền lao động ở Anh sang thi để vừa học vừa làm theo hướng này, còn học sinh từ các nước có truyền thống đầu tư kiến thức cho con cái thì cho các em sang thi để vào đại học sớm. Cách đây không lâu một học sinh Hồng Kông nổi tiếng vì mới 13 tuổi đã có đủ điểm để vào đại học.
Chưa có trường hợp học sinh Việt Nam nào như vậy, nhưng trong cuộc tranh cãi gần đây ở Việt Nam về mô hình Home Schooling, tức là dạy con tại nhà, có một vài phụ huynh chia sẻ hướng đi này. Với điều kiện tài chính đủ để thuê gia sư về dạy kèm các em, nỗi lo vấn nạn nơi học đường và an ninh trên đường đi học, có thể thấy giải pháp này không nằm ngoài tầm với của rất nhiều phụ huynh học sinh hiện nay.
Hiện phổ biến nhất là phụ huynh cho con sang Anh học từ năm lớp 10 để thi GCSE rồi sau đó là A-level, vì với các gia đình có điều kiện thì tiết kiệm chi phí bằng cách chỉ sang đây thi chưa phải là chọn lựa tối ưu, và có sẵn một số trường trung học ở Anh về Việt Nam tuyển sinh trực tiếp và thay cha mẹ chăm sóc cho các em ở bên này, gửi vào gia đình nuôi người Anh.
RFI: Vậy còn trường hợp gia đình chỉ muốn cho con sang Anh sống và vui chơi trong vài tháng hè, và không muốn đi du lịch theo tour ngắn ngày, thì nên chọn lựa ra sao?
Hiện nay trên báo ở Việt Nam thường quảng cáo giá cho một chuyến du lịch Anh tầm 60 triệu đồng, sang đây khoảng 10 ngày đi vòng quanh các nơi. Visa Anh thường cấp cho phép ra vào nhiều lần trong vòng 6 tháng cho nên sau chuyến du lịch thì du khách có thể ở lại cho đủ 180 ngày trong qui định. Bên này có những căn hộ cho thuê vài tuần cho đến vài tháng với giá rẻ hơn khách sạn và cả gia đình có thể sống vui trong đó.
Một trong số những nơi đặc biệt cần cho sự phát triển kiến thức của trẻ em là các bảo tàng ở nước Anh, mà đa số được chính phủ tài trợ để miễn phí vé vào cửa, luôn là tâm điểm cho du khách từ đủ mọi nước trên thế giới đổ về xem và trẻ em thì tới học. Nước Anh vốn là đế quốc, cho nên bảo tàng thực sự ra là bức tranh thu nhỏ của toàn thế giới với những gì quí giá nhất, như là xác ướp Ai Cập đem từ hầm mộ Kim tự tháp về.
Mùa hè cũng là thời điểm các trường đại học kinh doanh thêm bằng các khóa dạy tiếng Anh, mà thường là hợp đồng trước cho một nhóm học sinh từ các nước, và miễn phí cho một vài cô giáo đi theo làm người chăm sóc. Đây cũng là giải pháp rất tiết kiệm cho học sinh Việt Nam muốn vừa có điều kiện thực hành tiếng Anh với người bản xứ, và cũng vừa đi chơi thăm thú Luân Đôn.
RFI : Nếu như cả gia đình cùng muốn thi lấy bằng cấp, nước Anh có những chương trình gì?
Với đối tượng học viên là gia đình, các trường tiếng Anh cũng đưa ra chương trình vừa học vừa chơi, hoặc bố mẹ học và con được bảo mẫu đưa đi bảo tàng chơi, hoặc con học còn bố mẹ thì được đưa đi mua sắm. Mô hình này thường phổ biến ở các thành phố nhỏ như đại học Oxford và Cambridge. Với các khóa học ngắn như vậy, thì đối với học viên có nhiều quyết tâm thì giáo viên sẽ nhắm tới một kỳ thi IELTS để xác nhận trình độ tiếng Anh.
Ở Luân Đôn hầu như tuần nào cũng có một cuộc thi IELTS, là bằng cấp được dùng để xét tuyển vào đại học, thường là khoảng 6 điểm đối với bậc đại học và 7 điểm đối với bậc cao học tùy thuộc vào qui định của từng trường và từng ngành cụ thể.
Ngoài ra còn có học sinh các nước sang Anh để thi trình độ âm nhạc theo tiêu chuẩn của bằng cấp quốc tế ABRSM, viết tắt của chữ Associated Board of Royal Schools of Music, tức là Hội đồng các trường nhạc hoàng gia Anh.
Hệ thống này có các môn thi như lý thuyết âm nhạc, đàn piano hay đàn keyboard, guitar, kèn và nhiều loại nhạc cụ khác nhau, mà trình độ bậc 7 được coi như là một bằng cấp nghề nghiệp được công nhận quốc tế, cho phép các em sau này có thể đi dạy nhạc kiếm sống hoặc dùng như một điều kiện để xét tuyển vào đại học hay xin học bổng.
RFI: Hiện nay ở Việt nam cũng có xu hướng sang Anh học và thi lấy bằng kiểm toán, hay dịch vụ và du lịch, như vậy thì thủ tục và điều kiện như thế nào?
Khá nhiều thanh niên Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nhìn sang nước Anh như là điểm đến vừa du lịch, vừa học thi một bằng cấp, vừa thay đổi cuộc sống và đặc biệt là tìm bạn đời để kết hôn, hay để quên đi cuộc hôn nhân trước. Tuy nhiên, dù những nhu cầu đó là chính đáng, nhưng cơ quan di trú Anh vẫn có thể từ chối cấp visa nếu nghi ngờ rằng học viên này không có ý định trở về sau khóa học.
Khác với visa Mỹ được cấp sau khi phỏng vấn, visa Anh do đại sứ quán ở Bangkok ra quyết định cho toàn bộ vùng Đông Nam Á, mà văn phòng ở Sài Gòn hay Hà Nội chỉ là nơi nộp giấy tờ hồ sơ. Do đó, người làm thủ tục phải chứng minh qua hồ sơ rằng mình có đủ tài chính, ví dụ như giấy tờ nhà hay bảng lương và hợp đồng lao động, đồng thời cũng phải kèm thêm các loại giấy tờ chứng minh mình còn mối quan hệ ở Việt Nam cần phải quay về như là chồng con còn đang sống ở Việt Nam, còn nhà cửa, còn công việc đang tiến triển thuận lợi ở vị trí lãnh đạo, hay giảng viên đại học, vân vân.
Không ít người Việt lợi dụng qui trình xin visa này để nhập cảnh vào Anh rồi trốn ở lại, đi làm trái phép trong các tiệm nail với thu nhập rất cao, làm ảnh hưởng tới các bộ hồ sơ của người thực sự muốn sang Anh để học các khóa ngắn ngày.
RFI: Thi lấy các bằng cấp kế toán, du lịch hay nhà hàng ở Anh được lợi gì?
Ngành kế toán ở Việt Nam thường đánh giá rất cao chứng chỉ AAT của nước Anh, được công nhận trên toàn thế giới và thường được các tập đoàn quốc tế ở Việt Nam yêu cầu, bất kể nhân viên có thể đã tốt nghiệp đại học kế toán ở Việt Nam. Do đó, sang Anh vài tháng để học và thi chứng chỉ AAT là một trong các xu hướng thường gặp ở Việt Nam, do công ty cử đi, hoặc cá nhân tự đi để nâng cao trình độ vàsức cánh tranh trên thị trường lao động.
Tương tự, bằng của Anh trong ngành du lịch và dịch vụ, không chỉ là thế mạnh cho người lao động trong các khách sạn quốc tế mà còn có thể là yếu tố quyết định để thi tuyển vào vị trí quản lý hay giám đốc trong ngành nhà hàng khách sạn, chưa kể đến cơ hội chuyển sang làm việc ở nước khác trong cùng hệ thống của tập đoàn quốc tế và tiến dần vào các vị trí lãnh đạo ở trụ sở chính.
Ngoài chuyện một tấm bằng, mà thực ra có thể sang thi ở các chi nhánh như Bangkok và Singapore, thì thời gian đi học ở Anh cũng được đánh giá cao về kỹ năng sống và cơ hội tiếp cận với trung tâm văn minh, cũng là yếu tố thuận lợi trong công việc và sự nghiệp.
Ngoài ra, còn một bằng cấp mà bộ giáo dục và các trường ở Việt Nam có thể tài trợ và tạo điều kiện để giảng viên tiếng Anh có thể sang bên này thi, là bằng CELTA, viết tắt của chữ Certificate in Teaching English to Speakers of Other Languages, để chuẩn hóa phương pháp dạy tiếng Anh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho giáo viên Việt Nam trong thị trường lao động ở Đông Nam Á.
Thái Hải (SSDH) – Theo vi.rfi.fr