Đi Nhật thì nhất định phải ăn thử mì Ý – nghe tưởng đùa nhưng rất nghiêm túc

0

Sẵn sàng du học – Đi Nhật mà không ăn mì Ý thì đúng là… phí cả cuộc đời, và có lý do cả đấy chứ không phải nói suông đâu.

Mỗi khi chúng ta du ngoạn đến một đất nước nào đó, hẳn trong ai cũng có một loại bản năng, nghĩ rằng "nhất định phải thử đặc sản của vùng đất ấy". Chẳng nói đâu xa, du khách nào đến Việt Nam cũng tìm phở, đến Hàn tìm kim chi, đến Nhật tìm sushi, ramen các kiểu. Ẩm thực truyền thống của mỗi đất nước là vô cùng sâu rộng, vậy thì hà cớ gì mà chúng ta lại phải ăn một món ăn "ngoại quốc" trên đất nước đó?

Thực tế cho thấy, đấy không phải là một ý kiến tồi đâu. Món ăn ngoại quốc ở một quốc gia tuy không thuộc về ẩm thực truyền thống, không có từ xa xưa, nhưng nó thể hiện được rất nhiều câu chuyện và góc nhìn quý giá. Ví như món bánh mì Việt trứ danh thế giới, bất kì người Việt nào cũng có quyền tự hào về món ăn này cho dù nó được người Pháp mang vào. Bản thân bánh mì chứa cả một thời đại lịch sử, một quá trình chuyển mình của người Việt Nam. Tương tự như thế, là món mì Ý ở Nhật Bản.

Vì sao nói đi Nhật phải ăn mì Ý?

Vì sao nói đi Nhật phải ăn mì Ý?

Trang tạp chí ẩm thực Eater từng khẳng định rằng bạn nhất định phải ăn mì Ý khi đến Nhật. Đặc biệt, là loại mì Ý mà người Nhật gọi là "wafu spaghetti". "Wafu" có ý nghĩa là "phong cách Nhật Bản" và từ này được dùng làm tính từ cho hầu hết mọi thứ: "wafu toilet" nghĩa là nhà vệ sinh ngồi chồm hỗm phong cách Nhật, "wafu hamburger" là loại hamburger được làm với gia vị Nhật. Như vậy, "wafu spaghetti" có thể hiểu đơn giản là món mì spaghetti phong cách Nhật. Đó là cả một trường phái bao gồm những món mì spaghetti được làm từ nước tương đậm vị umami, rong biển, lá tía tô thay vì bơ, húng quế Tây, phô mai Parmesan…

Thậm chí, cách ăn spaghetti kiểu Nhật cũng là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ mà bạn sẽ không bao giờ thấy ở nơi khác. Thay vì nhà hàng kiểu Tây và dao nĩa, các tiệm spaghetti kiểu Nhật thường trông giống cửa hàng thức ăn nhanh, thực khách sẽ gọi món và ăn tại quầy, dùng đũa để gắp các sợi mì spaghetti và thập chí là… hút mì xì xụp.

Mì Ý được mang vào Nhật Bản vào thời Edo (khoảng 1603 – 1868) nhờ người Mỹ. Đến những năm 1960, món mì ngoại quốc này đã trở nên phổ biến như một xu thế trong các quán cà phê nhỏ. Thừa thắng xông lên, các món ăn Ý nói chung và mì Ý nói riêng đã thành công chiếm được trái tim của người Nhật. Ngày nay, cứ đi vài ba bước là bạn sẽ tìm thấy một quán mì Ý kiểu Nhật hoặc kiểu Tây trên khắp phố phường Nhật Bản.

Sau đây là một số phiên bản mì Ý kiểu Nhật vô cùng đặc sắc:

Tarako spaghetti

ssdh-tarako-spaghetti

 

Tarako spaghetti là một trong số những món wafu spaghetti nổi tiếng và lâu đời nhất. Đó là những sợi mì Ý nóng hổi hoà lẫn với trứng cá pollack muối, bơ và một ít nước tương, được hoàn thiện với một nhúm rong biển nori giòn cắt sợi ở trên cùng. Bạn có thể gọi tarako spaghetti cùng các loại nấm như shimeji hay matsutake, hành xanh hoặc cá trắng để tăng hương vị.

Napolitan Spaghetti

ssdh-napolitan-spaghetti

 

Đây thực ra giống món ăn phương Tây chịu ảnh hưởng Nhật (youshoku) nhiều hơn là món Tây nấu kiểu Nhật (wafu). Sự khác biệt giữa hai trường phái này tuy rất nhỏ, nhưng vẫn có. Trong khi wafu sử dụng các loại gia vị và món ăn kèm đậm chất Nhật thì Youshoku sử dụng gia vị phương Tây. Xét về nhiều mặt, nó không khác spaghetti truyền thống của Ý, chỉ có nước sốt cà là sử dụng tương cà ketchup thay vì cà chua tươi xay nhuyễn. Đôi khi, món mì sẽ được bọc quanh bởi một lớp trứng rán vàng ươm (giống với omurice) hoặc kèm theo một quả trứng ốp-la.

Ankake spaghetti

ssdh-ankake-spaghetti

 

Được xem là đặc sản của vùng Nagoya, ankake spaghetti là một phiên bản của spaghetti bolognese. Đây là một trong những "gương mặt vàng" xuất hiện từ những năm 1980, khi ẩm thực Ý đạt đến thời kỳ vàng son tại Nhật Bản. Chữ "an" trong ankake chỉ phần sốt sền sệt được làm từ bột khoai tây hoặc bột ngô. Trong món ankake spaghetti, người ta làm phần sốt sệt này bằng cà chua và tiêu trắng, ăn kèm một số những "topping" khác như tôm tẩm bột chiên xù, rau củ quả trộn, xúc xích hoặc bacon. Mì spaghetti trong món này thường được nấu nhừ hơn mì bình thường nên có độ mềm, trương, gần giống kết cấu của mì yakisoba. Món này gần như luôn được ăn bằng đũa.

Tạm kết:

Ngoài những cái tên trên, còn rất nhiều loại wafu spaghetti khác để bạn khám phá. Có các loại như spaghetti mơ muối umeboshi, spaghetti sốt pesto làm từ lá tía tô đỏ, hay spaghetti sốt bơ và nước tương ăn cùng mực tươi… Cũng giống món bánh mì Việt Nam với 7749 các loại nhân kẹp hoa cả mắt thì spaghetti ở Nhật cũng tương tự như vậy. Đây là một điểm đặc biệt mà không nơi nào có, và đó là lý do vì sao bạn nhất định phải ăn thử mì Ý Spaghetti khi đến Nhật Bản đấy!

Cá Domino (SSDH) – Theo Eater

Share.

Leave A Reply