Sẵn sàng du học – Khi đã có được visa F1 để du học Mỹ, du học sinh được quyền thực tập hoặc đi làm thêm. Tuy nhiên các bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ để tránh vi phạm quy định và nguy cơ bị trục xuất.
Visa F1 là loại thị thực phổ biến nhất để tham gia học tập tại Mỹ. Sau khi được cấp visa F1, du học sinh cần phải duy trì việc học toàn thời gian tại trường trong suốt thời hạn của visa.
Đi làm thêm trong thời gian du học rất phổ biến, thậm chí đóng vai trò quan trọng đối với trải nghiệm của một du học sinh. Thông qua công việc, bạn có thể tiếp thu được các kĩ năng thực tế, làm quen được nhiều mối quan hệ và có thêm thu nhập để chi trả cho chi phí sinh hoạt.
Hiện tại visa F1 có áp dụng cho 5 loại hình làm việc trong thời gian bạn học tập tại Mỹ: On-campus (làm việc tại trường) và 4 loại hình làm việc ngoài trường bao gồm OPT (tập huấn không bắt buộc), CPT (tập huấn bắt buộc), Severe Economic Hardship (khó khăn tài chính), International Institutions (tổ chức quốc tế).
Xem thêm: Visa F1 từ A-Z
1. Làm việc tại trường
Đây là loại hình làm việc thoải mái nhất vì bạn không cần phải xin phép Cục Di trú và Quốc tịch Mỹ. Tuy vậy khả năng được nhận làm tại trường khá thấp do công việc ít mà nhiều sinh viên có nhu cầu, mức lương các trường trả cũng thường không cao.
Các sinh viên bản địa được ưu tiên nhận việc ở trường hơn, nếu bạn thực sự muốn nhận việc thì phải đăng ký thật sớm và nên chọn từ 2 việc trở lên để đề phòng trước.
Công việc sinh viên có thể nhận làm ở trong trường bao gồm: hỗ trợ tại thư viện, ký túc xá, văn phòng, nhà ăn, phòng máy tính, trợ giảng lớp học hoặc hỗ trợ nghiên cứu cho các dự án của giáo sư.
2. Thực tập không bắt buộc (Optional Practical Training – OPT)
Du học sinh có visa F1 được phép làm việc theo hình thức OPT cả trong và sau khi đã hoàn thành chương trình tại trường.
Tuy nhiên để xin làm OPT được thì bạn phải chờ qua thời gian 9 tháng tính từ khi nhập học. Sau khi được thông qua bạn còn phải học đủ ít nhất 1 năm và nhận được thẻ cấp phép lao động EAD.
Công việc bạn được làm phải liên quan đến ngành học của bản thân và nộp đơn xin việc trước khi kết thúc khoá học. Tổng thời gian làm OPT là 1 năm và trong suốt khoảng thời gian làm việc bạn chỉ được phép thất nghiệp 3 tháng.
OPT được chia làm 2 loại là trước tốt nghiệp và và sau tốt nghiệp. Trước tốt nghiệp bạn chỉ được phép làm tối đa 20 giờ mỗi tuần, thời gian được ở lại Mỹ sau khi hoàn thành khoá học cũng ngắn hơn.
Đối với những bạn làm OPT sau tốt nghiệp, việc chọn ngày bắt đầu làm là một trong các yếu tố quyết định việc sẽ đi về hay ở lại sau khi tốt nghiệp. Để tránh quá 90 ngày được phép thất nghiệp, bạn có thể cân nhắc đi làm tình nguyện không lương.
Bạn nên xin việc OPT càng sớm càng tốt bắt đầu từ học kỳ cuối năm thứ tư.
3. Thực tập bắt buộc (Curricular Practical Traning – CPT)
Bạn chỉ được nộp đơn xin đi làm CPT khi chuyên ngành bạn học yêu cầu bắt buộc đi thực tập để tốt nghiệp hoặc để được nhận tín chỉ cho việc làm này.
Làm thực tập sinh bạn có thể được trả lương hoặc không, bên cạnh đó hãy nộp giấy tờ để được chấp thuận làm thêm của Cục Di trú và Quốc tịch Mỹ.
Với hình thức CPT, bạn được phép đi làm sau khi học xong năm nhất và được làm tối đa 20 giờ mỗi tuần. Khác với OPT, du học sinh chỉ được nộp đơn xin làm CPT sau khi đã có xác nhận làm việc từ đơn vị tuyển dụng.
Bạn phải chú ý không làm quá nhiều giờ, nếu vượt giới hạn 20 tiếng một tuần trong vòng hơn một năm bạn sẽ mất quyền được làm OPT. Bạn nên cập nhật thương xuyên tình trạng đi làm cho giảng viên cố vấn nếu có thay đổi trong công việc.
4. Khó khăn tài chính
Trong trường hợp du học sinh đột ngột có thiệt hại về kinh tế thì có thể xin đi làm để xoay sở, ví dụ như mất học bổng hoặc việc làm thường xuyên trong trường (không phải do lỗi của bản thân), tỉ lệ chuyển đổi tiền có biến động, chi phí sinh hoạt, học phí tăng đột biến hoặc có bệnh đột xuất…
Bạn vẫn phải xin cấp thẻ EAD tuy nhiên không cần có giấy nhận làm trước khi xin cấp, đồng thời không bị gò bó nơi làm việc và loại hình công việc. Để được cấp thẻ bạn cần chứng minh được kết quả học tập tốt và không thể kiếm đủ tiền để chi trả.
Bạn cũng cần cân nhắc rất kỹ khi xin làm thêm trong trường hợp này vì nó có thể ảnh hưởng đến việc xin visa tiếp sau này của bạn.
5. Tổ chức Quốc tế
Khi làm việc tại các tổ chức quốc tế, du học sinh không bị bó buộc luật lệ như OPT hay CPT, tuy nhiên phạm vi công việc bạn làm bắt buộc phải liên quan đến ngành học.
Đi làm theo hình thức này có ưu điểm là dù ngành học không yêu cầu bạn đi làm để nhận tín chỉ hay đánh giá điểm, bạn vẫn có thể xin đi làm. Ngoài ra, bạn vẫn có quyền nộp đơn xin làm theo hình thức OPT sau khi tốt nghiệp.
Đây là chia sẻ của thành viên trong group về visa Mỹ từ facebook. SSDH hi vọng các bạn sẽ nắm được các thông tin chi tiết về điều kiện làm việc của visa F1.
Xem thêm: Du học sinh Mỹ bị out-of-status phải làm sao?
SSDH Team