SSDH – Đối với những ai đang tìm hiểu về du học Canada thời gian gần đây, chắc hẳn đã quá quen thuộc với chương trình Co-op, thực tập hưởng lương. Đây là chương trình nhận được nhiều đánh giá tốt tại Canada, mang lại cho du học sinh nhiều kinh nghiệm hơn về ngành nghề mình lựa chọn trong quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời tạo thêm sự tự tin cho du học sinh trước khi bắt đầu chính thức công việc.
Mặc dù tại thời điểm hiện tại, đã có nhiều nơi triển khai chương trình này cho sinh viên, nhưng Canada vẫn là nước có nhiều cơ hội cũng như tiềm năng hơn cho sinh viên quốc tế khi tham gia khóa học có chương trình Co-op. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn chưa hiểu rõ về chương trình này, hoặc còn khá mơ hồ về các ngành học và chương trình này hoạt động kép như thế nào. Bài viết sau đây sẽ lấp đầy những khoảng trống kiến thức về Co-op cho bạn.
Chương trình Co-op là gì?
Chương trình Co-op có tên gọi đầy đủ là Cooperative Education Program và được nhiều người biết tới với một tên vietsub hấp dẫn hơn là chương trình du học thực tập hưởng lương tại Canada. Chương trình Co-op được tổ chức nhiều ở các trường Cao đẳng và Đại học tại Canada (Cao Đẳng sẽ có nhiều ngành có Co-op hơn) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, rèn luyện ở môi trường doanh nghiệp thực tế, chuyên nghiệp. Qua đó, sinh viên sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Co-op có thể được xem như một môn học và được tính tín chỉ. Thay vì học lý thuyết để lấy tín chỉ, sinh viên sẽ trực tiếp làm việc để quy đổi sang tín chỉ. Chương trình thực tập Co-op sẽ xen lẫn giữa các kì học, điều này vô tình gây ra một vài khó khăn cho sinh viên quốc tế (đề cập ở phần dưới).
Tham gia Co-op ưu điểm ở chỗ là bạn được tính kinh nghiệm làm việc thực sự sau khi tốt nghiệp. Ví dụ như khi đi phỏng vấn, người ta hay yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm làm việc ở công ty từ 3 tháng trở lên thì mới có thể đạt yêu cầu. Thì rõ ràng, Co-op sẽ giúp bạn điều đó và nhà tuyển dụng càng không thể diện cớ để chối bỏ, hay chèn ép lương của bạn khi bạn có chứng nhận hoàn thành Co-op.
Đối với những sinh viên đã hoàn thành đầy đủ tín chỉ tự chọn, vẫn có thể đăng ký Co-op và số tín chỉ đó được gọi là tín chỉ bổ sung (additional credits). Bạn đừng lo là mình sẽ dư tín chỉ và gặp khó khăn sau này, ngược lại điều này rất có lợi cho hồ sơ xin việc của bạn.
1. Điều kiện tham gia chương trình Co-op
- Có Study permit và Work permit.
Lưu ý: Giấy phép làm việc chương trình Co-op tương đương với Open Work Permit. Tuy nhiên, trên giấy này sẽ có dòng chữ “Only for work forming an essential/ integral part of the course as per (tên trường Cao Đẳng/ Đại học)”. Mặc dù có dòng chữ liên quan đến trường, nhưng bạn vẫn được phép không làm cho trường.
- Tham gia chương trình Co-op không vượt quá 50% chương trình học.
Trong khoảng thời gian làm việc tại các công ty theo chương trình Co-op, bạn vẫn được tính tín chỉ để tốt nghiệp. Nhưng số lượng tín chỉ này không được vượt quá 50% số lượng tín chỉ học trên lớp.
- Học chương trình chính quy (full-time program).
Bạn sẽ không được phép tham gia Co-op đối với những chương trình tiếng Anh ngắn hạn, hoặc các khóa học dự bị trước khi vào chương trình chính. Phải là chương trình full-time từ 1 năm trở lên thì mới có thực tập Co-op.
- Thực tập Co-op theo chương trình của cơ sở giáo dục được chỉ định.
Bạn không được phép đăng ký Co-op nếu chương trình học hoặc trường của bạn đang học không có chương trình Co-op. Hơn thế nữa, khi đăng ký Co-op, phải có thư xác nhận của người đại diện chịu trách nhiệm cho tổ chức giáo dục được chỉ định.
- Điểm trung bình tích lũy từ 80% trở lên.
Nếu sinh viên không đạt yêu cầu GPA, sẽ không được phép tham gia Co-op. Đồng nghĩa với việc, bạn sẽ phải cố gắng hơn trong quá trình học nếu muốn được công việc thực tập hưởng lương.
Nên nhớ rằng, bạn không bắt buộc phải tham gia Co-op. Một số chương trình chỉ cần tham gia thực tập là đủ điều kiện ra trường, không nhất thiết phải đăng ký Co-op.
2. Lợi ích của Co-op đối với sinh viên quốc tế?
- Áp dụng lý thuyết vào thực tế
Sinh viên có thể áp dụng ngay lý thuyết vừa mới học vào công việc thực tế tại doanh nghiệp. Đây chính là “Học đi đôi với hành”, tính hiệu quả của việc học sẽ thể hiện ngay trên kết quả và trong suốt quá trình thực tập. Hơn nữa, bạn sẽ nhớ lâu hơn và thu gom được nhiều kinh nghiệm hơn so với việc chỉ học trên lý thuyết và giả thuyết.
- Tiếp cận môi trường chuyên nghiệp
Sinh viên có cơ hội thực tập trong môi trường thực tế, chuyên nghiệp tại các công ty ở Canada. Sau kỳ Co-op đầu tiên, chắc chắn các bạn sẽ thay đổi nhận thức, cách làm việc và kỹ năng sắp xếp thời gian hợp lý cho những giai đoạn tiếp theo. Việc trau dồi kỹ năng công việc giúp sinh viên hình thành nề nếp từ sớm, điều này sẽ được đánh giá cao và làm nổi bật hơn hồ sơ xin việc của ứng viên sau này.
- Khả năng được làm việc cho công ty thực tập
Hơn 50% sinh viên thực tập Co-op được nhận lại làm nhân viên chính thức tại công ty. Con đường này vô tình lại rất có lợi cho những bạn có ý định định cư tại Canada sau khi tốt nghiệp. Nếu bạn có thư mời làm việc không thời hạn tại công ty đó, với mức lương tiêu chuẩn ở Canada thì bạn có thể tự tin chuẩn bị hồ sơ xin định cư ngay sau khi tốt nghiệp.
- Mở rộng mối quan hệ
“Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Càng thêm tuổi, bạn sẽ càng nhận thức rõ được câu nói vu vơ này. Đó cũng là lý do tại sao bạn nên tạo cho riêng mình một mạng lưới quan hệ chất lượng ngay từ thời còn cắp sách. Chẳng phải Co-op là một trong những cách mang lại hiệu quả sao? Bạn được làm đúng chuyên ngành của mình, được gặp những người giỏi hơn, học hỏi trực tiếp từ họ là điều vô cùng may mắn. Công việc chính là bạn làm sao duy trì và giữ mối quan hệ đó cho thật tốt. Tương lai nào rồi cũng có ngày gặp lại họ.
- Thực tập có hưởng lương
Thay vì tham gia một chương trình thực tập bình thường, bạn hãy cố gắng thêm một chút, chịu khó thêm một chút để được đi làm Co-op. Số tiền nhận được sẽ không quá đáng kể, nhưng ít ra đó sẽ là phần động lực cần thiết cho quá trình cống hiến 3-4 tháng của bạn tại công ty.
3. Các chuyên ngành có Co-op?
Như đã nói phía trên, không phải ngành nào cũng yêu cầu tham gia Co-op. Dưới đây là danh sách các chuyên ngành kết hợp thực tập Co-op cho sinh viên quốc tế.
Nhóm Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng:
- Công nghệ sinh học
- Giáo dục cộng đồng
- Quản lý xây dựng
- Kỹ sư hóa học
- Khoa học máy tính
- Kỹ sư điện dân dụng
- Kỹ sư môi trường
- Kỹ sư cơ khí
- Kỹ sư vật liệu
- Hệ thống giao thông
- Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Nhóm ngành Kinh doanh:
- Phân tích dữ liệu tài chính
- Nhà hàng khách sạn
- Du lịch
- Ẩm thực
- Kế toán
- Marketing
- Chứng khoán
Nhóm Thiết kế, Kiến trúc, Nghệ thuật và Quy hoạch
- Thiết kế đồ họa
- Thiết kế thời trang
- Thiết kế nội thất
- Kiến trúc sư
Một số trường Cao đẳng tại Canada đang có chương trình Co-op:
- Cao đẳng Douglas(Douglas College)
- Cao đẳng Langara(Langara College)
- Cao đẳng North Island (North Island College)
- Cao đẳng Centennial(Centennial College)
- Cao đẳng Fanshawe(Fanshawe College)
- Cao đẳng George Brown (George Brown College)
- Cao đẳng Lambton(Lambton College)
- Cao đẳng Seneca (Seneca College)
- Cao đẳng Bow Valley (Bow Valley College)
4. Những lưu ý khi tham gia Co-op?
- Lưu ý 1: Không phải tham gia Co-op là bảo đảm 100% có việc làm sau khi ra trường. Mục tiêu của chương trình Co-op là trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc thực tế, sẽ có lợi cho CV (Curriculum Vitae) sau này của sinh viên, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có tiềm năng cao hơn ở những vị trí tương đương.
- Lưu ý 2: Không phải đăng ký Co-op là sẽ có việc thực tập. Bạn vẫn sẽ phỏng vấn, cạnh tranh và tùy theo số lượng nhân sự của công ty đối tác đang cần. Thêm một cái nhắc nhẹ là bất kể bạn có việc hay không, chi phí đóng tiền đăng ký Co-op sẽ không được hoàn trả.
- Lưu ý 3: Khi kết thúc kì thực tập Co-op, bạn có thể nhận được thư mời làm việc (job offer) từ chính doanh nghiệp đã thực tập, nhưng nên nhớ rằng bạn vẫn phải quay lại trường để tiếp tục việc học cho đến khi tốt nghiệp.
- Lưu ý 4: Khi đăng ký Co-op, sẽ có những buổi hội thảo hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và cách nộp hồ sơ xin việc. Để chuẩn bị tốt cho Co-op, sinh viên được khuyến khích tham gia những sự kiện này để tìm hiểu (vì quy trình có thể phức tạp hơn bạn nghĩ).
- Lưu ý 5: Thời gian thực tập Co-op được tính điểm kinh nghiệm làm việc tại Canada khi xét hồ sơ định cư. Tùy theo vị trí công việc và thời gian trong các kỳ Co-op, bạn sẽ được tính điểm khi nộp hồ sơ định cư tỉnh bang.
- Lưu ý 6: Để nắm bắt cơ hội được làm việc trong những công ty có liên quan đến chính phủ, bạn nên xin trường làm Security Clearance (chỉ có khả năng cao hơn, không bảo đảm, vì những công ty này chỉ thường nhận người bản xứ hoặc đã có PR)
- Lưu ý 7: Tùy theo chương trình, sinh viên sẽ tham gia số lượng kỳ Co-op nhất định (ví dụ chương trình 2 năm sẽ có 2 kỳ Co-op). Sau khi kết thúc, sinh viên sẽ được đánh là Đạt hoặc Không đạt, chứ không theo thang điểm các môn trên lớp.
5. Những khó khăn của chương trình vừa học vừa làm – Co-op?
Chắc chắn không điều gì cho bạn nhiều lợi ích như vậy mà không có những bất lợi, nhưng điều này có đáng cho mình chấp nhận hay không mới chính là vấn đề bạn cần suy nghĩ? Dưới đây là những khó khăn của chương trình Co-op mà bạn phải vượt qua nếu có ý định đăng ký:
- Mất nhiều thời gian xin việc
Sinh viên sẽ trải qua quá trình làm hồ sơ xin việc, phỏng vấn,…như một người làm việc bình thường. Giai đoạn này thật rất mất thời gian và công sức. Các nhà tuyển dụng thường bắt đầu tìm ứng viên vào đầu học kỳ và vòng phỏng vấn diễn ra ở thời điểm gần giữa học kỳ. Nếu chẳng may chưa tìm được việc, bạn sẽ cứ xoay mãi trong vòng lặp tìm việc và phỏng vấn.
- Không đảm bảo sẽ có việc làm
Vấn đề này đã đề cập ở phía trên tại lưu ý 2, nhưng vẫn muốn nhắc lại và nhấn mạnh cho bạn một lần nữa về điều này. Điểm GPA của bạn cần đạt từ 6.5 trở lên mới có thể tham gia Co-op. Tuy nhiên, số điểm đó không phải là mức an toàn để bạn có cơ hội được nhận việc, bạn phải cố gắng ở mức 80% trở lên thì mới khả thi. Có thể bạn sẽ “vừa học vừa làm” đúng nghĩa, hoặc xui thì “vừa học vừa càm ràm”. Mong rằng những điều tốt nhất sẽ đến với bạn.
- Khó khăn đi lại
Đối với 1 kỳ Co-op thường sẽ diễn ra trong khoảng 4 tháng, và công ty bạn làm việc có thể sẽ không gần trường. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ di chuyển xa hơn hoặc sẽ phải thuê nhà gần nơi thực tập trong 4 tháng đó. Và quay lại tìm nhà trọ 1 lần nữa khi quay lại trường học. Sự bất tiện này thường gây nhiều khó khăn hơn cho sinh viên quốc tế.
- Mất thêm chi phí cho Co-op
Mức phí cho chương trình Co-op sẽ phụ thuộc vào từng trường và sẽ không được hoàn lại. Nếu sinh viên không chắc chắn tìm được công việc thực tập trong thời gian đi Co-op thì đây trở thành một khoảng lãng phí rất lớn. Chi phí Co-op khoảng 1,300 CAD (phí trung bình cho 9 tín chỉ Co-op tại Douglas College).
- Kéo dài thời gian tốt nghiệp
Thời gian sinh viên thực tập thường chịu ảnh hưởng từ phía công ty. Mặc dù đó được xem là một môn học được tính tín chỉ, kế hoạch làm việc của các công ty đôi khi sẽ rất khó chịu, một chút lệch pha so với thời gian trên trường. Do đó, bạn nên cân nhắc vấn đề này để đảm bảo tốt nghiệp đúng hạn.
Bên cạnh những cơ hội bạn đã biết về chương trình Co-op này thì đâu đó vẫn còn xen kẽ rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng nhìn chung đây vẫn là chương trình có sức hút và được nhiều bạn sinh viên quốc tế lựa chọn để trau dồi thêm kinh nghiệm tại các doanh nghiệp để chuẩn bị tốt nhất cho công việc sau này. Đây có thể được coi là một điều đáng để bạn trải nghiệm và hết mình vì nó, bởi những gì bạn nhận được sau khi hoàn thành chương trình này là rất nhiều và mang lại lợi ích tích cực cho công việc tương lai của bạn.
Liên lạc tư vấn với chúng tôi
ISET Edu Vietnam
- VP Tân Phú: 250 To Hieu, Hiep Tan Ward, Tan Phu District, HCMC, Vietnam
- VP Quận 2: T5 Masteri Thao Dien, 159 Xa Lo Ha Noi, Thao Dien Ward, District 2, HCMC, Vietnam
- Điện thoại: 84-28-3976 1029 ( HO)
- E: info@isetedu.com.vn W:www.isetedu.com.vn
SSDH Team