Du học Mỹ ký sự – Kỳ 1: Ngày đầu tiên đi học

0

Sẵn sàng du học – Tôi lên đường sang Mỹ làm học trò vào cuối thu, nhưng không có chuyện “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” như nhà văn Thanh Tịnh mô tả, mà luôn chóng mặt trên xa lộ 10 làn xe, với tốc độ hơn 100km/g.

Đi du học – lại là du học ở Mỹ – là ước mơ của bao người trẻ. Nhưng đằng sau “thiên đường du học” lại là bao câu chuyện cơm áo gạo tiền. Và hơn thế nữa, những người trẻ đã học được gì để mang về? Mời bạn đọc theo dõi loạt phóng sự đặc biệt gửi về từ Mỹ.

du-hoc-sinh

Trò “chọn” thầy

Học ở Mỹ, điều khá thuận lợi là có thể lên mạng để đăng ký chọn lớp học, chọn thầy cô. Chỉ cần ngồi ở nhà nhấp chuột, chọn lớp, thời khóa biểu thích hợp. Khỏe ru! Chưa hết, một “tuyệt chiêu” mà một “ma cũ” nói với tôi: “Nếu muốn điểm cao, học tốt, ngoài siêng năng thì cần phải có tuyệt chiêu. Nói rồi anh ta nhấp chuột vào website http://www.ratemyprofessors.com/index.jsp.

Trang này có tất cả nhận xét về thầy cô trên toàn nước Mỹ. Chỉ việc chọn nơi mình học: trường nào, thành phố nào, bang nào…, tất cả thầy cô tại trường đó đều “hiện ra” với đầy đủ nhận xét và có chấm điểm hẳn hoi! Thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất), thầy cô nào “khó” sẽ được “tặng” một gương mặt buồn, thầy cô “dễ” sẽ nhận được gương mặt vui. Lớp nào có đông sinh viên theo học sẽ có dấu hiệu trái ớt (hot). Tất cả thầy cô đều được nhận xét tỉ mỉ về tính tình, phương pháp giảng dạy, các “mẹo” để “đối phó” với thầy cô…

du-hoc-sinh

Sinh viên đa chủng tộc

Tôi đăng ký học hai năm đầu tiên tại đại học cộng đồng (community college) ở thành phố Houston (bang Texas), sau đó học hai năm chuyên ngành rồi mới chuyển lên đại học lớn (university) để đỡ tốn một khoản tiền đáng kể (học phí ở university đắt gấp ba lần tại community college).

Dù đã nghe nói sách ở Mỹ giá rất mắc, nhưng không ngờ vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Một cuốn sách giá trung bình 50- 70 USD, có cuốn lên đến gần 150 USD. Tôi định dùng “chiêu” photocopy, nhưng giá photocopy một trang là 10 cent (1.600 đồng tiền Việt) mà chỉ được photo không quá 10% quyển sách. Và một “ma cũ” khác lại bày: “Ông ra bảng thông báo kiếm mua lại sách của khóa trước, hoặc ra tiệm sách “nửa giá” mà tìm. Muốn rẻ hơn, vào các trang http://www.campusi.com, http://www.fetchbook.info, http:// www.addall.com tìm mua sách, giá đôi khi rẻ gấp mấy lần”.

Ngày đầu tiên đến lớp, tôi cứ nghĩ mình già nhất lớp vì đã sang tuổi 30 nên ráng đến lớp sớm để tỏ vẻ gương mẫu, kiếm một góc khuất nhất mà ngồi. Chỉ một lát sau, một người đàn ông tuổi trung niên mặc veston, đeo kính trắng rất trí thức bước vào lớp. “À, thầy giáo đây rồi!”. Tôi vừa mở miệng cười: “Xin chào, thầy có khỏe không?”, người đàn ông lắc đầu cười lớn: “Tôi cũng là sinh viên thôi!”. Thì ra ở Mỹ 29 tuổi đi học đại học hãy còn trẻ chán. Nhưng ông thầy thật lại là anh chàng trẻ măng, mặc áo thun, quần jean, tướng mạo rất thể thao!

Lớp học chừng 20 người, đủ mọi quốc tịch, lứa tuổi. Từ anh chàng Ả Rập rậm râu, đến cô châu Phi đỏm dáng đầy màu sắc; từ ông già cho đến cô bé có tóc đuôi gà. Vào lớp mà cứ ngỡ như đi dạ hội. Cô châu Phi bím tóc thành từng lọn, tay chân sơn xanh lè, em gái Mỹ thì điệu đàng trong bộ váy ngắn cũn cỡn, khoe mấy cái khoen ở bụng, ở lưỡi; một “chú Sam” mới lớn tay đầy hình xăm, bận cái quần short và áo thun sát nách…

“Các bạn đóng tiền đi học, vì thế hãy khai thác chúng tôi sao cho đáng đồng tiền”, thầy mở đầu buổi nói chuyện về cách học ở Mỹ như thế. Mỹ quả là thiên đường của học tập. Thư viện khổng lồ với đầy đủ Internet, máy đèn chiếu, DVD… Có khu tập thể thao với sân bóng, phòng tập thể hình đầy đủ tiện nghi. Có trung tâm âm nhạc với những buổi trình diễn đặc sắc. Học chưa hiểu bài? Luôn có giáo viên, sinh viên giỏi sẵn sàng phụ đạo. Gặp stress? Có hẳn bác sĩ tâm lý để tư vấn cho sinh viên…

ban-sung

Chỉ với khoảng 300 USD, mọi công dân Mỹ trên 18 tuổi đều có thể sở hữu một khẩu súng (bán đại trà trong các siêu thị lớn)

Thầy đang say sưa giảng bài chợt có đèn báo động hú liên hồi, đèn chớp tắt liên tục. Một ai đó chạy dọc hành lang rú lên: “Có bom”. Cả lớp bỗng nhốn nháo, chen nhau chạy. Dọc hành lang từ khi nào đã có một toán bảo vệ đứng phân luồng, giúp mọi người thoát thân. Toán khác chia nhau vào từng lớp kiểm tra coi còn ai nữa không. Một đội khác vũ trang đầy mình đứng chờ sẵn ngoài cửa. Như đã quá quen với cảnh này, Tuấn – sinh viên gốc Việt – vừa đi đủng đỉnh vừa nói với tôi: “Chuyện này xảy ra hoài, lúc thật lúc giả chẳng biết đâu mà lần. Ở Mỹ là vậy đó!”.Mua súng dễ như mua nước ngọt!

Bạo lực trong trường học là một trong những mối lo hàng đầu của Mỹ hiện nay, an ninh khắp nơi thắt chặt. Ngoài lực lượng an ninh luôn túc trực 24/24 , thỉnh thoảng trường lại tổ chức một cuộc báo động giả để “diễn tập”. Tháng trước, báo đăng quá nửa sinh viên một trường trung học ở bang Texas nghỉ học vì có người gửi thư cho biết “hôm nay sẽ có vụ đọ súng để thanh toán ân oán giang hồ”. Sau truy ra mới biết hôm đó có kiểm tra, song một học sinh chưa học bài nên bày trò để cả trường cùng trốn học!

Cách đó vài tháng, tại một trường ở thành phố Houston có một cậu nhóc mang súng vào trường rồi tự tử, làm cả trường hoảng loạn một thời gian. Rồi toàn bộ học sinh ở một trường tại Lynnwood (bang Washington) nhận được thông báo khẩn “trường bị đe dọa gài bom”, thế là học sinh được nghỉ học lập tức để cảnh sát và chó săn vào cuộc.

Ở Mỹ, mua súng dễ như mua một lon nước ngọt. Cửa hàng bán súng đầy rẫy. Hàng tháng tại các bang đều có tổ chức các hội chợ súng, chỉ cần trên 18 tuổi và chưa từng có tiền án tiền sự là được quyền mua súng. Khalid, cậu bạn Mỹ 19 tuổi học chung trường với tôi, nói tỉnh bơ: “Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, chúng tôi cần phải có súng để tự vệ chứ”. Thấy tôi nghi ngờ, cậu nhóc có vẻ tự ái, mở cốp xe hơi của mình và rút ra khoe một khẩu súng ngắn. “Sao có thể mua được súng ngắn và mang nó vào trường?” (ở Mỹ cấm mang súng vào trường học), tôi hỏi và Khalid nháy mắt ranh mãnh: “Mỹ mà, có tiền là có tất cả. Hơn nữa có ai kiểm tra từng người đâu”…

Trong bóp tôi có ít nhất 12 cái thẻ: bốn thẻ đi chợ, hai thẻ ngân hàng, thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân… Mua thịt nên đi chợ Mỹ, gia vị thì đi chợ Việt hoặc chợ Mễ… Mọi thứ phải tập lại từ đầu.

Thái Hải (SSDH) – Theo Tinnuocmy.com

Share.

Leave A Reply