SSDH – Năm 2011, lượng du học sinh Việt Nam tiếp tục phát triển đáng nể ở nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nước ta hiện có trên 100.000 du học sinh theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc. Con số này đã tăng gấp 10 so với 10 năm trước.
Trong nỗ lực góp phần vào dòng chảy du học, không thể không nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin với tốc độ từ 15-20% và “gần như là số 1 trong khu vực” (theo lời ông Houlin Zhao, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Vì vậy, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đã ngày càng thu hẹp lại và du học không còn là một điều quá to tát đối với các “công dân toàn cầu” tương lai ở đất nước này.
Australia là quốc gia có nhiều du học sinh Việt nhất. Từ năm 2000 đến cuối năm 2010 là giai đoạn bùng nổ du học Úc với số lượng sinh viên Việt Nam đăng kí các khóa học tại Úc tăng gấp gần 7 lần và đạt mức 25.788 du học sinh.
Số du học sinh tại Mỹ gia tăng một cách ngoạn mục, thậm chí nhiều trường đại học ở Mỹ còn đưa Việt Nam vào “danh sách” thị trường mới nổi “rất đáng chú ý”. Gần đây nhất, bản báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Mỹ Open Doors 2011 đã thống kê số lượng sinh viên Việt Nam trong năm học 2010-2011 đã tăng 14%.
Việt Nam hiện xếp thứ tám trong số những nước có nhiều sinh viên du học nhất ở Mỹ so với vị trí thứ 20 cách đây năm năm. Phần lớn du học sinh theo học ở bậc đại học, chiếm khoảng 72,1%, 15,2% là cao học, 9,9% ở các cấp học khác và 2,8% học nghề. Việt Nam có số sinh viên kỷ lục theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ.
Kế tiếp là Trung Quốc (12.500), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.540), Nga (5.000), Nhật Bản (3.500).
Các nước phát triển đã coi việc “nhập khẩu” du học sinh mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, trong đó không thể không chú ý đến thị trường Việt Nam. Các triển lãm du học quy mô lớn với sự hậu thuẫn của các đại sứ quán nối tiếp nhau diễn ra ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, đó là chưa kể nhiều hội thảo, triển lãm nhỏ của các trường tự tổ chức.
Thậm chí năm 2011, du học Pháp đã “vùng lên” khi tổ chức hai đợt triển lãm du học chỉ cách nhau bốn tháng (đợt một vào tháng 8/2011, đợt hai vào tháng 12/2011). Nước Đức chưa có nhiều du học sinh Việt Nam cũng đã góp mặt chung với Pháp ở đợt triển lãm lần thứ hai.
Không có những đợt quảng bá du học rầm rộ nhưng các trường đại học của Singapore, Phần Lan có cách làm riêng qua việc tổ chức thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp học sinh Việt. Những học sinh trúng tuyển – đa phần là “tinh hoa” của các trường chuyên, trường điểm được hưởng học bổng hoặc được Chính phủ cho vay tiền học. Rõ ràng, không chỉ cạnh tranh về mặt thông tin, các nước có nền giáo dục tiên tiến còn cạnh tranh về mặt chính sách.
Xu thế chọn ngành của du học sinh Việt cũng không khác biệt so với du học sinh theo học tại các quốc gia khác. Theo đúc kết của ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, phần đông du học sinh diện tự túc thường chọn các ngành kinh tế, tài chính, trong khi du học sinh được học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu theo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý.
HP