Duales Studium – Du học Đức hệ vừa học vừa làm

0

Sẵn sàng du học – Các bạn ở Việt Nam cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư thời gian, công sức và tiền của cho việc học này. Khi bạn đầu tư một khoản rất lớn, nhưng khả năng thu hồi lại rất lâu, do ở Đức làm thật, ăn thật, thực sự là bán sức lao động đúng nghĩa luôn.

ssdhdualesstudium

Vậy Dual studium – Đào tạo nghề kép hay vừa học vừa làm ở Đức thực chất là gì? Làm sao để xin học? Một vài kinh nghiệm chia sẻ của một sinh viên Việt Nam vừa trượt vòng phỏng vấn của chương trình học này.

1. Duales Studium là gì?

Chương trình học liên kết giữa việc học ở trường đại học (thường là Đại học khoa học ứng dụng, Học viện nghề hay Đại học) với đào tạo nghề hoặc đào tạo thực tế tại công ty. Kết thúc chương trình học này bạn sẽ vừa có kiến thức chuyên ngành học ở trường và cả kiến thức thực tiễn từ công việc hằng ngày trong lĩnh vực học. Có chương trình học bắt buộc sinh viên đi học ở trường còn các kì nghỉ lễ học kì sẽ phải đi làm. Chương trình khác sẽ bắt buộc sinh viên đi làm từ thứ hai tới thứ tư còn thứ năm và thứ sáu phải đi học ở trường. Còn chương trình khác thì chỉ đi làm năm đầu, đến năm 2 sẽ bắt đầu đi học. Loại cuối cùng là có thể học từ xa và trực tuyến.

2. Có những dạng đào tạo nào?

Duales Studium phối hợp với học nghề (ausbildungsintegrierenden dualen Studiengang): sau khi tốt nghiệp, sinh viên có trong tay bằng cử nhân và lấy một chứng chỉ nghề được công nhận. Sinh viên sẽ phải học ở cả trường đại học, trường nghề và làm việc ở một công ty.

Duales Studium phối hợp với thực hành (praxisintegrierenden dualen Studiengang): Phối hợp chương trình học với những thời kỳ thực tập trong một doanh nghiệp. Sinh viên sau đó lấy bằng cử nhân. Sinh viên thông thường sẽ kí một hợp đồng với công ty trước khi bắt đầu chương trình học cụ thể về thời gian, và lương bổng. Cụ thể tại Dualen Hochschule ở Baden-Wüttenberg (DHBW): sinh viên học lý thuyết ở trường cao đẳng 3 tháng và sau đó thực tập 3 tháng ở doanh nghiệp. Khi có những thắc mắc trong lúc thực hành, sinh viên có thể thảo luận để tìm ra câu trả lời trong thời kỳ lý thuyết tiếp theo.

Duales Studium bên cạnh việc làm (berufsbegleitende duale Studiengänge). Việc làm toàn thời gian và học nghề song song.

Duales Studium phối hợp với việc làm (berufsintegrierende duale Studiengänge): có nét tương đồng với loại trên chỉ khác là công việc bán thời gian. Học viên hoặc đã có một nghề và/hoặc có kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều năm. Chương trình học giúp học viên có thể phát triển thêm, phối hợp nội dung học với nghề nghiệp có liên quan đến nó. Có thể không cần bằng tú tài. Phải có thỏa thuận giữa học viên, trường và doanh nghiệp để học viên được tạm nghỉ.

3. Tìm thông tin các khóa học này ở đâu?

sansangduhoc.vn giới thiệu cho bạn website nơi tập trung thông tin về các duales Studium trên toàn liên bang Đức. Ở phần cuối cùng là tên các thành phố mà bạn muốn tìm hiểu về đào tạo nghề kép ở Đức và bao gồm các thông tin tuyển dụng.

4. Các bước để xin học đào tạo nghề kép

Tùy theo từng công ty sẽ có cơ chế tuyển dụng khác nhau.Ví dụ có công ty tuyển ngay sau kì 1. Dual sẽ bắt đầu hình như là kì nghỉ hè sau khi học xong kì 2. kéo dài 5 kì (có thể kéo dài thêm, nếu chưa ra được trường trong 7 kì).

5. Một vài kinh nghiệm chia sẻ khi xin học theo chương trình này

Mình học ở Hochschule Weihenstephan. Vừa rồi mình có đăng kí cho chương trình học Dual Studium. Rất tiếc là cơ hội không đến được với mình. Cho nên những gì mình viết ra sau đây là kinh nghiệm „xương máu“ của mình hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong tương lai.

Một là, bạn phải xác định được những yêu cầu, đòi hỏi từ phía nhà tuyến dụng. Nhà tuyến dụng cần gì thì mình cần phải thế hiện thật tốt ở mảng đó. Nhất là trong cuộc phỏng vấn riêng với nhà tuyển dụng là cực kì quan trọng, ngay tại đây người ta sẽ đánh giá bạn rất cẩn thận. Trường hợp của mình thì mình không phải làm bài test nào hay phải thử việc ngắn hạn nên phỏng vấn rất quan trọng. Còn mình cũng có tìm hiểu thêm là ở các công ty khác, bạn sẽ bị yêu cầu tham gia bài thi kiểu kiểm tra kiến thức chuyên ngành cũng như EQ của bạn. ( Bài kiểm tra này cũng giống như cơ hội cho những ai chưa làm tốt phần phỏng vấn. Vì mình có thể dùng phần này để nâng điểm lên hihi. )

Hai là trước cuộc phỏng vấn hay bài kiểm tra, bạn cần phải thật „fit“. Không chỉ cơ thể mà còn về tinh thần. Stress hay lo lắng hay băn khoăn gì gì đó, cần phải được gạt qua một bên hết để tập trung toàn lực chiến đấu. Trong vòng phỏng vấn nếu run quá hoặc lo lắng quá, như mình chẳng hạn thì sẽ dễ tạch lắm đấy, vì trí não dùng để trả lời câu hỏi, phản xạ phản ứng chứ không được phân tâm.

Ba là bạn cần phải tự tin thật tự tin vào chính bản thân. Trường hợp của mình thì mình cạnh tranh với chính các bạn cùng khóa, lớp mình thì lại ít, nên tụi mình cũng biết nhau không ít thì nhiều. Mình rất hay lo sợ, hay suy nghĩ, hay so sánh bản thân mình, năng lực của mình với các bạn. Tin mình đi, bạn chỉ cần hiểu bản thân mình mà thôi, hiểu được điểm mạnh điểm yếu của mình là đủ rồi, đừng so sánh với người khác làm gì, chỉ rước thêm stress thôi ^^.

Bốn là bạn nên tận dụng các mỗi quan hệ mà mình có, Mentor hoặc những sinh viên khóa trên, đặc biệt là những sinh viên nhận được chỗ trong Dual Studium. Những người này thường biết gần như phần trăm được nhận nằm ở đâu, ví dụ như ở trường hợp của mình, người được nhận là người thường xuyên tham gia và có kinh nghiệm các hoạt động nhóm, tổ chức (Teamarbeit). Bla bla chứ không nằm ở điểm số hay tài năng ^^. Thường thì sẽ có Berater/in trong Khoa của các bạn. Bạn có thể liên hệ để nhận được sự giúp đỡ trong vòng nộp hồ sơ cũng như chuẩn bị phỏng vấn. Không ít thì nhiều, bạn sẽ nhận được Tips hay ho nào đấy.

Năm, cái này là ý kiến chủ quan của bạn mình thôi nha ^^. Đó là Vitamin B-Beziehung. Tức là COCC ở Việt Nam đó, cái này không phổ biến nhưng không phải là không có nha. Hoạt động ngầm hết đó bà con ạ. Nếu có sự quen biết thì mọi chuyện thường dễ dàng hơn. Có thể là qua vòng nộp hồ sơ cũng như phỏng vấn, người ta sẽ không hiểu hết được con người „ tài năng „ của bạn. Qua đó sự đánh giá cũng chỉ khách quan ở người phỏng vấn. Nếu như, người phỏng vấn biết 1 trong số các ứng cử viên, đem ra bàn cân so sánh thì giữa sự quen biết sẵn và sự quen biết sơ sơ, bạn nghĩ xem rồi sẽ biết ngay người ta chọn ai.

Tóm lại dù cho có được nhận hay không, bạn đừng thất vọng quá. Đó là một cơ hội tốt để thực hành cho tương lai. Sau này còn phải đi phỏng vấn xin việc dài dài mừ. Hơn nữa, có thể cơ hội đó không hợp với bạn, và những gì bạn cần làm là tìm công việc khác thích hợp hơn. Vậy nha, chúc các bạn thành công! Tự tin là chính mình nhé!

Thu Phương (SSDH) – Theo hotrosv.de

Share.

Leave A Reply