SSDH – 99 sinh viên Việt Nam đang theo học ở trường Đại học Năng lượng hạt nhân (MIPHI) tại Nga sẽ là những người chủ tương lai của điện hạt nhân Việt Nam, sẽ là nguồn nhân lực chủ chốt cho 2 nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai không xa.
Tiết mục Liên khúc của sinh viên trường Năng lượng MIPHI
Bất ngờ ở nơi gặp gỡ…
Trong khuôn khổ “Chương trình buổi gặp gỡ, giao lưu văn nghệ – ẩm thực” (diễn ra ngày 15/4 tại thành phố Ôpnhinscơ, tỉnh Kaluga cách thủ đô Mátxcơva khoảng hơn 100 km) giữa sinh viên Việt nam đang theo học tại trường Đại học Năng lượng hạt nhân (MIPHI) ở Ôpnhinscơ và sinh viên các chi đoàn trực thuộc chi bộ trường Đại học Giao thông Đường sắt (MIIT) của thành phố Mátxcơva, chúng tôi đã có dịp may mắn được tiếp cận với các em cũng như được dịp tham quan thành phố năng lượng hạt nhân nổi tiếng của Liên xô mà một thời được mệnh danh là “thành phố cấm”.
Chúng tôi thực sự bất ngờ khi được tận mắt thấy các em sinh viên đượcsống tiện nghi tại một kí túc xá mà thực chất nơi đây vốn là một khách sạn 4 sao. Vì vậy mà không có một khu kí túc xá nào của sinh viên trên toàn LB Nga có được một nơi chu tất như nơi đây.
Theo chân người hướng dẫn và các em sinh viên, chúng tôi lần lượt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả thật mọi thứ ở đây đều sạch sẽ, đẹp mắt từ phòng ở, phòng ăn, phòng bếp, nhà tắm, phòng giải trí, phòng họp…Phòng ốc và tiện nghi đồ đạc cho các em sử dụng đúng là của loại khách sạn 4 sao bên ngoài. Cứ 2 em hoặc 3 em ở một phòng. Trong tòa nhà này có 29 em ở. Còn 70 em khác ở một kí túc xá khác cách đây chừng vài trăm mét. Như vậy là số sinh viên VN theo học tại trường này có 99 em cả thảy.
Đây là lứa sinh viên VN đầu tiên được nhà nước cử sang theo học các chuyên ngành về sử dụng và quản lí điện hạt nhân.
Trường Đại học Quốc gia nghiên cứu hạt nhân MIPHI (tiếng Nga: MИФИ) được thành lập ngày 8. 4. 2009. Tiền thân vốn là Viện Vật lí kĩ thuật Mátxcơva, được thành lập từ năm 1942. Trường có nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực và đổi mới khoa học cho ngành công nghiệp hạt nhân và các ngành công nghệ cao khác dựa trên hệ thống giáo dục chuyên nghiệp nhiều cấp học và hiện đại hóa. Trường Đại học Quốc gia nghiên cứu hạt nhân MIPHI vốn là một trường nổi tiếng không chỉ tại Liên xô (sau này là Nga) mà trên khắp thế giới. Các viện sĩ nổi tiếng của Nga như: I.V.Kurchatov, A.I.Leipunskii, L.A.Artmovich, I.K.Kikoin, N.N.Seminov, Ya.B.Zeldovich…đã từng học tập hoặc giảng dạy tại đây.
Trong đó, đặc biệt có 6 người đã được tặng giải thưởng Nobel danh giá, đó là các nhà khoa học nổi tiếng: Pavel Cherenkov, Ilia Frank, Igor Tamm, Nicolai Basov, Nicolai Semenov, Andrei Sakharov.
Có thể nói, được theo học tại trường là một niềm vinh hạnh, tự hào và là ước mơ của bao thế hệ thanh niên thời Liên-xô và nay là LB Nga.
Hiện sinh viên VN đang theo học chuyên ngành “Nhà máy và trạm điện nguyên tử” theo chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng tại VN trong tương lai.
29 sinh viên ( gồm 26 nam, 3 nữ) đang học năm thứ nhất và 70 sinh viên ( 59 nam, 14 nữ) đang học năm dự bị tiếng Nga. Số sinh viên VN đầu tiên theo học tại đây đã nhận được sự quan tâm rất chu đáo của nhà trường cũng như sự ân cần dạy bảo của các thầy cô.
Trực tiếp phỏng vấn 2 sinh viên Trần Văn Huy và Hoàng Văn Chí, các em cho tôi biết: “Chúng cháu học ở đây với điều kiện rất tốt, thầy cô giáo thì luôn quan tâm và giúp đỡ. Lúc mới qua bọn cháu gặp nhiều khó khăn về tiếng Nga, nhưng các thầy cô đã rất nhiệt tình giúp đỡ các cháu để tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất. Chúng cháu cũng luôn giúp đỡ nhau để vượt qua những khó khăn ban đầu. Về ăn ở thì các cháu được bố trí bếp riêng để nấu ăn theo khẩu vị VN, đồ ăn thì cũng giống ở nhà nên bọn cháu cũng tự túc được…”
…Và buổi giao lưu thân tình
Hội thi ẩm thực diễn ra sôi nổi
Phải nói rằng chưa có một cuộc “hành quân” nào vui và náo nhiệt như đoàn chúng tôi vào sáng sớm ngày 15.4. Xuất phát từ đại sứ quán, 3 xe ca chở hơn 100 thành viên từ các em nam nữ sinh viên của các trường tại Mátxcơva đến các ban ngành sứ quán, các hội đoàn VN tại Nga, các ca sĩ không chuyên và dĩ nhiên là cả các phóng viên báo chí…(đấy là chưa kể trên xe còn chứa đầy…các món thực phẩm chuẩn bị cho “trận thi ẩm thực VN” với đội bạn ở thành phố Ôphinscơ).
Mặc dù thời tiết có vẻ không ủng hộ vì mưa rả rích nhưng không vì thế mà làm nguội đi cái háo hức trong lòng mọi người.
Đoàn chúng tôi vừa đi vừa ca hát, từ những bài ca cách mạng đến những bài tình cảm: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Mãi mãi khúc quân hành”, “Chào em cô gái Lam hồng”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Dậy mà đi”, “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”, “Tôi người lái xe”, “Trường sơn đông Trường sơn tây”, “Chiều Mátxcơva”…
Cuộc gặp mặt giao lưu này nhằm giúp các bạn sinh viên ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng oanh liệt của dân tộc, đồng thời tăng cường sự hiểu biết giữa các sinh viên cũng như góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước và củng cố tình hữu nghị với bạn.
Tại hội trường Cung văn hóa của thành phố Ôpnhinscơ, buổi thi ẩm thực diễn ra sôi nổi. Các đội trổ tài nấu nướng những món ăn quê hương Việt nam trước con mắt khâm phục của bạn. Cũng đủ đầy các món: nem cuộn, cá kho tộ, canh măng giò, gà quay mật ong,…
Những người làm chủ điện hạt nhân tương lai của đất nước
Bữa tiệc đứng sau đó chiêu đãi quan khách cũng là “sản phẩm” của các em. Bà Xvetlana Viacheslavopna, đại diện cho Trường Năng lượng hạt nhân MIPHI (Ôpnhinscơ) xúc động: “Thực sự đây là lần đầu tiên trường có một cuộc giao lưu thân tình như vậy. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi thấy sinh viên VN các bạn không chỉ chịu khó trong học tập mà cả tháo vát giỏi giang trong mọi mặt: Nào nấu nướng, rồi trang phục áo dài…Chúng tôi sẽ tìm hiểu và học tập thêm về đất nước các bạn…”
Đỉnh điểm của buổi giao lưu là một chương trình ca múa nhạc sôi động mà các bạn sinh viên cũng như các ca sĩ của cộng đồng đã mang đến cho khán giả những cảm xúc lâng lâng khó diễn tả. Nội dung của các tiết mục văn nghệ là xoay quanh chủ đề về kỉ niệm 37 năm những ngày 30/4 hào hùng của dân tộc, 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hát về đất nước, con người VN, tình hữu nghị VN – Nga…
Các giọng ca không chỉ thể hiện ở những bài hát VN mà còn đưa đến cho các khán giả Nga những bài hát Nga bằng lời Nga.
4 bạn nữ sinh viên năm thứ 4 xinh đẹp người Nga của trường MIPHI cũng thể hiện sự độc đáo của mình trong trang phục dân tộc Nga qua nhạc phẩm “Nụ cười”, dân ca Nga.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phạm Xuân Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại LB Nga bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo, các thầy cô của trường Năng lượng hạt nhân MIPHI (Ôpnhinscơ) đã quan tâm chu đáo các em sinh viên VN theo học tại đây”. Ông cũng nhắc nhở sinh viên: “Các em phải luôn chú ý rèn luyện đạo đức và học tập tốt để sau này phục vụ có ích cho đất nước. Bởi ngành năng lượng hạt nhân này thực sự cần thiết cho đất nước trong tương lai”.
Trong không khí vui vẻ náo nhiệt sau buổi giao lưu, tôi tranh thủ phỏng vấn mấy cô cậu sinh viên của các trường. Cô bé Phạm Thùy Trâm, năm nay mới 17 tuổi, sinh viên năm thứ 2 đặc cách của trường Đại học tài chính Mátxcơva hồn nhiên: “Vui lắm chú à, giá mà thi thoảng lại có một buổi giao lưu giữa các trường với nhau như thế này thì dù có xa mấy chúng cháu cũng cứ đi!”
Còn bạn Lê Vũ quê tận Nghệ an, sinh viên năm nhất của MIPHI thì đỏ mặt giữa tốp bạn gái: “Buổi giao lưu vô cùng ý nghĩa chú ạ. Nó đánh thức tâm hồn chúng cháu và điều quan trọng là động viên chúng cháu ở nơi xa xôi như thế này. Chúng cháu hứa sẽ cố gắng học thật tốt đặng sau này giúp ích cho nước nhà”.
Đan xen trong tâm trạng vui chung của mọi người, tôi trao đổi với anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Hội người VN tai Nga: “Ban tổ chức đã làm một việc rất có ý nghĩa cho cộng đồng, phải không anh?” Lau những giọt mồ hôi còn đọng trên khuôn mặt đỏ bừng vì nóng vì vất vả, anh đáp nhẹ: “Vâng, thực sự là rất vui anh ạ. Bởi chúng ta đã dành những tình cảm rất chân thành động viên các em an tâm học tập trong những ngày đầu xa nhà cũng như ở một nơi khá xa cộng đồng, lại phải sống và học tập trong môi trường kỉ luật nghiêm khắc hơn so với các trường đại học khác tại Nga.”
Buổi gặp gỡ giao lưu của sinh viên đã kết thúc sôi nổi nhiệt tình trong tiếng hát điệu nhảy của toàn thể mọi người qua bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!”
Võ Hoài