SSDH – Ngày càng nhiều câu hỏi của các bạn trẻ có mong muốn đi du học gửi đến Page Hội du học sinh Việt Nam trên Facebook (https://www.facebook.com/pages/H%E1%BB%99i-du-h%E1%BB%8Dc-sinh-Vi%E1%BB%87t-Nam/314662871911933) thắc mắc về các vấn đề liên quan đến học bổng, tuy nhiên các câu hỏi thường nhầm lẫn giữa các loại học bổng.
Do đó, trong khuân khổ bài viết này, tôi muốn giới thiệu các loại học bổng và đặc điểm của mỗi loại để chúng ta có một cái nhìn chính xác trước khi bắt tay vào tìm kiếm và ứng cử học bổng cho mình.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều các học bổng khác nhau, với các tên gọi khác nhau dựa vào nhiều yếu tố như nơi cấp học bổng, giá trị của học bổng, thời gian cho học bổng… Để dễ hiểu, tôi tạm phân loại như sau:
I. Dựa vào giá trị học bổng, có thể chia thành:
1. Học bổng toàn phần:
Phần lớn chúng ta hiểu học bổng toàn phần, tức là toàn phần học phí (100% học phí), cách hiểu này không đúng. Học bổng toàn phần là gói học bổng mà người học không chỉ được 100% học phí, mà còn được cung cấp một khoản tiền cho sinh hoạt phí (tiền ăn, tiền nhà ở, tiền bảo hiểm), và đương nhiên được tiền tại liệu, vật dụng để học tập và nghiên cứu), thậm chí còn được chu cấp cả tiền vé máy bay (1 lần đến, và 1 lần về khi học xong). Học bổng dạng này thường được cấp bởi Các tổ chức lớn trên thế giới, chính phủ các nước.
Các học bổng lớn như Erasmus của Liên minh Châu Âu (http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/results_compendia/selected_projects_en.php), Học bổng chính phủ Nhật Bản (Mext – http://www.mext.go.jp/a_menu/koutou/ryugaku/boshu/1319066.htm), Học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ (http://vietnam.usembassy.gov/fulbright.html), học bổng của Ngân hàng thế giới (http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/WBI/EXTWBISFP/0,,menuPK:551559~pagePK:64168427~piPK:64168435~theSitePK:551553,00.html), học bổng phát triển (http://www.asdiv.edu.vn/) và học bổng lãnh đạo của Úc… thường là các học bổng toàn phần.
Ngoài ra, các học bổng được cấp bởi dự án của giáo sư (được gọi là học bổng giáo sư), và một số trường có tiềm lực tài chính, và học bổng do các tổ chức xã hội, vùng… đôi khi cũng là học bổng toàn phần. Học bổng 322 (nay là 911) của chính phủ Việt Nam, và các học bổng hiệp định giữa Việt Nam và nước khác cũng thuộc loại này, nhưng thường giá trị nhỏ hơn.
Như vậy, với học bổng toàn phần thì người học không mất bất cứ một khoản kinh phí nào. Với sinh viên Việt Nam, khi được các học bổng lớn như Erasmus, Mext… thường họ sẽ chỉ dùng hết một phần học bổng và sẽ để dành được một số tiền tiết kiệm kha khá mỗi tháng.
Vì giá trị lớn cũng như cấp toàn bộ các chi phí học tập, sinh hoạt phí… cho người học, nên việc giành được một suất học bổng toàn phần thường rất khó. Và chỉ những sinh viên thực sự xuất sắc mới có khả năng đạt được. Và thường số lượng các học bổng này không nhiều.
2. Học bổng một phần
Đây là dạng học bổng mà người ta chỉ cho học phí (100% học phí), một phần học phí, hoặc một khoản tiền nhất định (mình vẫn phải đóng học phí), hoặc vừa được học phí, vừa được một khoản tiền hỗ trợ vào sinh hoạt phí hàng tháng…
Dạng học bổng này thường do các trường, các tổ chức xã hội, các công ty, các các nhân… cung cấp. Nó có thể là học bổng cả một khóa học, hoặc chỉ một vài năm học, một vài kỳ học, hoặc thậm chí chỉ một vài tháng, hay chỉ là một khóa học ngắn hạn như học bổng trao đổi sinh viên.
Do giá trị của gói học bổng này không cao, nên yêu cầu thường nhẹ nhàng hơn, cũng như ít cạnh tranh hơn học bổng toàn phần. Đôi khi, để chiêu mộ sinh viên, các trường thường ra chiêu bài cho học bổng, sinh viên nào vào học cũng được học bổng, rồi thu lại bằng cách khác như học phí cao, phí nhập học…
II. Căn cứ vào nơi cấp học bổng, có thể chia học bổng thành
– Học bổng của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội: như học bổng Erasmus của Liên Minh Châu Âu, học bổng của Ngân hàng thế giới, học bổng của Liên hợp Quốc..
– Học bổng chính phủ các nước: học bổng ADS (Úc), Mext (Nhật), BK21 (Hàn), Singa (Sing), Fulbright và VFF(Mỹ), NFP (Hà Lan), Eiffel (Pháp), 911 (Việt Nam) …
– Học bổng của các trường, thực chất đây cũng là tiền của các chính phủ hoặc tổ chức xã hội cấp cho trường.
– Học bổng của các cá nhân, do các nhân vật đứng đầu các công ty, doanh nghiệp cung cấp.
III. Căn cứ vào bậc học, có thể chia thành
– Học bổng trung học, học bổng tiền đại học
– Học bổng đại học
– Học bổng thạc sỹ
– Học bổng tiến sỹ
– Học bổng sau tiến sỹ
Thường các bậc học đại học và dưới đại học sẽ có ít học bổng, và do đó sự cạnh tranh sẽ rất cao. Với các bậc học sau đại học như thạc sỹ, tiến sỹ số lượng học bổng nhiều hơn, mặc dù cũng rất cạnh tranh, nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn các bậc trước và thường là học bổng toàn phần.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí