Góc nhìn quốc tế: Du học ngành sức khỏe tại Vương quốc Anh

0

SSDH- Beatriz Simoes Fernandes, sinh viên thạc sĩ quản lý dược phẩm và công nghệ sinh học, chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Trường UCL Global Business School for Health.

Tôi đến từ Bồ Đào Nha nhưng đã chuyển đến sống ở Angola vì công việc của mẹ từ 10 đến 16 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình trong nước, tôi muốn ra nước ngoài để thử thách bản thân, gặp gỡ những người bạn mới và khám phá một thành phố mới, vì vậy tôi đã thi A-level ở Brighton và theo đuổi bằng cử nhân khoa học y sinh tại Đại học Sussex. Tôi yêu thích hóa học và sinh học, tò mò về tác động của đột biến sinh học và bệnh tật, quan tâm đến kinh doanh và ngành dược phẩm. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình phù hợp với công việc lâu dài trong phòng thí nghiệm, vì vậy tôi quyết định chuyển đổi sang lĩnh vực quản lý công nghệ sinh học và dược phẩm tại Trường UCL Global Business School for Health (UCL GBSH). Vấn đề tôi quan tâm nhất là làm thế nào các công ty dược phẩm kiếm được lợi nhuận trong khi vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận các loại thuốc hiệu quả, các thành phần của chuỗi cung ứng dược phẩm mạnh mẽ, đầu tư công nghệ sinh học, vai trò của vốn mạo hiểm và tiếp thị các sản phẩm được quản lý chặt chẽ. Thạc sĩ Quản lý Công nghệ sinh học và Dược phẩm cho phép tôi khám phá những chủ đề này, đặc biệt là mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa kinh doanh và khoa học trong các công ty dược phẩm.

Một trong những điều đặc biệt về UCL GBSH là sự đa dạng. Tôi học cùng với sinh viên từ 60 quốc gia khác nhau, được tìm hiểu về các nền văn hóa và truyền thống phong phú. Bên cạnh đó, việc tham dự các sự kiện UCL GBSH cũng là một phần quan trọng trong quá trình học tập. Sinh viên có cơ hội trao đổi với các lãnh đạo cấp cao tại các công ty dược phẩm lớn, các công ty công nghệ sinh học và tổ chức chính phủ. Ngoài ra, tôi cũng tận hưởng cảnh sắc và văn hóa của London bằng cách tham quan các viện bảo tàng, nhà hát opera cũng như các công viên, chợ, quán cà phê. Các lớp học khiêu vũ với bạn bè, chạy bộ trong Công viên Olympic, những đêm uống rượu và thưởng thức pho-mát sau giờ học đã khiến cuộc sống của tôi càng thêm thú vị.

Mặc dù Brexit mang đến nhiều thay đổi, nhưng tôi may mắn đã nhận được trạng thái định cư gần đây. Rào cản ngôn ngữ cũng là một thách thức. Tôi đã phải học rất nhiều thuật ngữ khoa học, biểu thức toán bằng tiếng Anh và sử dụng dấu chấm thay vì dấu phẩy cho phần thập phân. Sống tự lập tại một thành phố mới đồng nghĩa với việc tôi phải học cách nấu ăn, dọn dẹp, đi chợ, thiết lập các dịch vụ tiện ích (nước, điện, băng thông rộng) và chăm sóc căn hộ của mình. Thật thoải mái khi tôi được chung sống cùng người bạn thân nhất của mình.

Lời khuyên chân thành nhất tôi muốn dành cho các sinh viên quốc tế là hãy cố gắng hết sức để khám phá xung quanh. Đừng ở nhà một mình mà thay vào đó hãy ra ngoài, lập danh sách các địa điểm bạn muốn ghé thăm, nói chuyện với người lạ và thử những điều mới mẻ. Quan trọng hơn, bạn nên dành thời gian để suy nghĩ về tương lai sau khi tốt nghiệp.

Ngành công nghiệp nên hợp tác với giáo dục đại học để thu hẹp khoảng cách kỹ năng bằng cách cung cấp học bổng, trợ cấp và hỗ trợ tài chính. Điều này cũng bao gồm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các công ty nên hợp tác chặt chẽ hơn để tăng triển vọng việc làm cho sinh viên. Ví dụ, nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên phải có ít nhất một năm kinh nghiệm để được nhận, nhưng hầu hết chúng ta không có đủ thời gian thực tập. Khả năng còn lại là thực tập trong kỳ nghỉ hè, nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu có nhiều cơ hội thực tập hơn, triển vọng nghề nghiệp sẽ rộng mở hơn.

Người dịch: Phương Thảo (SSDH)

Share.

Leave A Reply